Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018 cho thấy ứng cử viên Vladimir Putin đang giành chiến thắng áp đảo với tỷ lệ 76,6% phiếu bầu. Ông Putin gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm 6 năm.
Theo giới phân tích, đây là kết quả đã được dự báo từ trước, khi cử tri Nga có rất nhiều lý do về chính trị, kinh tế để tiếp tục bỏ phiếu bầu cho đương kim Tổng thống Putin, theo Economist.
Kể từ lần đầu lên nắm quyền vào năm 2000, ông Putin đã tung ra một loạt biện pháp để củng cố quyền lực và khẳng định vị thế lãnh đạo của mình. Trong những năm đầu tiên, ông vô hiệu hóa quyền lực của các nhà tài phiệt, những người đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ sau khi Liên Xô tan rã và tìm mọi cách dùng tiền để thao túng chính trị.
Bằng các biện pháp cứng rắn này, Putin đã lấy lại được quyền kiểm soát của nhà nước đối với hệ thống truyền hình, tái thiết lập cơ chế bổ nhiệm trực tiếp thống đốc các tỉnh. Trong vài năm gần đây, Putin đã thay một loạt thống đốc, đưa những người trẻ tuổi vào nắm giữ trọng trách tại các khu vực xa xôi, nhằm xây dựng một đội ngũ lãnh đạo trẻ có thể tiếp bước ông trong tương lai.
Các bình luận viên của Economist cũng cho rằng việc nắm quyền trong suốt 18 năm trở lại đây giúp ông Putin tạo dựng đủ sức ảnh hưởng và quyền lực mà không ứng viên nào có thể đọ được, đến mức phó chánh văn phòng Điện Kremlin Vyacheslav Volodin năm 2014 từng tuyên bố "Sẽ không có nước Nga như ngày nay nếu không có Putin".
Các chuyên gia xã hội học chỉ ra rằng trong số 7 ứng viên cạnh tranh với ông Putin trong cuộc bầu cử lần này, không người nào có đủ uy tín và danh tiếng để đa số cử tri có thể đặt trọn niềm tin như Putin. Một số ứng viên tiềm năng khác như thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, người được coi là đối thủ mạnh nhất của Putin, đã bị cấm tham gia tranh cử vì từng bị kết tội biển thủ. Một thủ lĩnh đối lập khác là cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov bị ám sát trên đường phố Moscow vào tháng 2/2015.
Cạnh tranh với ông Putin lần này là những đối thủ không có nhiều cơ hội chiến thắng, như Vladimir Zhirinovsky, một người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đã cao tuổi và thường có những phát ngôn đầy cảm tính, hay Ksenia Sobchak, một cựu người mẫu Playboy tham gia tranh cử với tư cách đại diện cho phe đối lập tự do và thường bị chỉ trích là không có định hướng chính trị rõ ràng.
Ông Putin có một lợi thế rõ ràng hơn so với các ứng viên khác là những thành tựu đối ngoại của Nga trong những năm gần đây, điều được coi là kết quả chính các chính sách quyết đoán mà ông đưa ra nhằm xây dựng lại vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.
Qua chiến dịch sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của Nga, Putin đã cho người dân thấy rằng mình là một người sẵn sàng bảo vệ lợi ích của đất nước, của dân tộc, bất chấp các biện pháp trừng phạt về kinh tế của phương Tây. Các hình thức cấm vận của Mỹ và châu Âu áp đặt đối với nước Nga sau đó càng khiến Putin nổi bật như một "người bảo vệ" quốc gia trong vòng vây hãm của "kẻ thù".
Khi quyết định phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria năm 2015, Putin đã đưa nước Nga trở lại bàn cờ của các "siêu cường" trên thế giới, khi mọi diễn biến tình hình ở Trung Đông lúc này đều không thể thiếu tiếng nói của Moscow.
Putin giành được tỷ lệ ủng hộ hơn 80% trong các cuộc thăm dò trước bầu cử và tỷ lệ này chưa bao giờ giảm xuống quá nhiều. Giới quan sát cho rằng chính các hành động của ông đã thể hiện thay lời nói, bởi Putin không tham gia bất cứ cuộc tranh luận nào trên truyền hình trước bầu cử như các ứng viên khác, chiến dịch tranh cử của ông cũng diễn ra không ồn ào, khoa trường nhưng vẫn thu hút sự chú ý của cử tri.
Sự ủng hộ của thanh niên Nga
Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy Putin nhận được sự ủng hộ lớn nhất, hơn 88%, ở các cử tri có độ tuổi 18-24, những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hậu Xô Viết, chứng kiến những thời khắc khó khăn và sự vươn lên của nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin.
Những người trẻ này cảm thấy tự hào về nước Nga và vị thế quốc gia trên trường quốc tế gắn liền với sức mạnh hùng cường của quân đội, cũng như tin tưởng vào tương lai nhiều hơn so với các thế hệ cha ông. Giới phân tích cho rằng đây là yếu tố quan trọng giúp ông Putin thu hút được rất nhiều lá phiếu cử tri trẻ tuổi.
Trò chuyện với phóng viên Julia Ioffe của National Geographic, Liza, cô gái sinh năm 1992 ở Blagoveshchensk thuộc vùng Viễn Đông của Nga, cho biết cô ủng hộ Putin cho dù không phải lúc nào cũng hài lòng với chính sách của ông.
"Tôi đôi khi giận dữ với Putin, nhưng thử tưởng tượng khi một người nước ngoài tìm cách chỉ trích ông ấy xem! Tôi sẽ luôn bảo vệ nước Nga", cô gái từng du học ở London và đang làm việc cho một hãng luật phương Tây ở Nga cho biết.
Liza kể rằng thời còn du học ở Anh, cô thường nghe người ta nhạo báng về nước Nga và ví phụ nữ Nga như những "cô dâu đặt hàng qua bưu điện", điều khiến cô cảm thấy bất bình và giận dữ. "Những lời nói như vậy xúc phạm đến mức làm bạn bật khóc, khi phải ngồi đó và nghe người ngoài lấy chúng tôi ra làm trò đùa", cô nói.
Với những thanh niên có tư duy cởi mở như Liza, Putin là một phần cho câu trả lời lớn của tương lai nước Nga. Kể từ khi lên nắm quyền, Putin đã hứa hẹn sẽ đem lại thịnh vượng và an ninh cho nước Nga và thực hiện các cam kết đó một cách quyết liệt bằng các cuộc cải cách kinh tế, được tạo thuận lợi bằng việc giá dầu lên cao vào đầu thập niên 2000.
Kinh tế tăng trưởng thúc đẩy sự ra đời của một tầng lớp trung lưu mới, những người bắt đầu giàu lên nhanh chóng và có lối sống tiêu dùng theo phong cách phương Tây. "Chủ nghĩa tiêu dùng trở thành một biểu tượng cho mức độ văn minh hóa cuộc sống của người Nga trong thời kỳ đó", nhà xã hội học Natalia Zorkaya cho biết.
Tuy nhiên, lối sống kiểu phương Tây này hoàn toàn khác so với cách sống từ xưa nay của người Nga. "Đằng sau sự hào nhoáng đó là khái niệm hoàn toàn khác về giá trị và con người, vốn không có sự kết nối với người Nga", Zorkaya nhận định.
Vừa đảm bảo được tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, Putin vừa tìm cách khôi phục giá trị truyền thống của người Nga, khi khơi gợi những gì tốt đẹp nhất mà quốc gia này trải qua trong thời kỳ Liên Xô. Ông coi sự kiện Liên Xô tan rã là "thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20", đồng thời tuyên bố bất cứ ai không cảm thấy điều này đều là những kẻ "không có trái tim".
Dưới sự lãnh đạo của Putin, 58% người Nga hiện nay muốn quay lại trật tự thời Liên Xô và khoảng 40% người được khảo sát cho rằng cố lãnh đạo Joseph Stalin là một "nhà quản lý hiệu quả", chỉ là các biện pháp của ông đi hơi xa.
Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ ba vào năm 2012, Putin thúc đẩy mạnh mẽ hơn lý tưởng này ở cả trong và ngoài nước. Ông tìm cách giữ các nước từng là thành viên của Liên bang Xô Viết như Ukraine và Kazakhstan trong vòng ảnh hưởng của Moscow và phô diễn sức mạnh quân sự của Nga ở đất nước Syria xa xôi. Kết quả là ông đã tạo ra một thế hệ thanh niên Nga ấp ủ giấc mơ mà ông mong muốn, đó là những người trẻ sẵn sàng cải cách, có tư duy thực tế và biết chấp nhận rủi ro.
Tất cả những yếu tố này tạo nên danh tiếng và uy tín không thể đánh bại của Putin ở nước Nga. Đây có thể là nhiệm kỳ cuối cùng của Putin theo quy định trong hiến pháp Nga, nhưng chính sách và tầm nhìn của ông chắc chắn sẽ được tiếp tục thực hiện kể cả khi ông lui về hậu trường sau năm 2024.
Trí Dũng