Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay sẽ hội đàm tại Thụy Sĩ. Biden là tổng thống Mỹ thứ năm Putin đối mặt trong thời gian cầm quyền.
Sau khi Putin trở thành quyền Tổng thống Nga năm 1999, Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng Putin đủ cứng rắn để khiến nước Nga đoàn kết.
Clinton đã có mối quan hệ nồng ấm với người tiền nhiệm của Putin là Boris Yeltsin. Tổng thống Mỹ nhận xét Putin là người lạnh lùng và viết trong hồi ký rằng: "Yeltsin đã chọn một người kế nhiệm có kỹ năng và năng lực quản lý đời sống chính trị và kinh tế đầy biến động của nước Nga tốt hơn mức ông ấy có thể làm được, khi sức khỏe của ông ấy đang xấu đi".
George W. Bush cùng từng nhận xét Putin là "người lạnh lùng" trước khi đắc cử. Nhưng ông đã bị Putin cuốn hút trong cuộc gặp đầu tiên của họ ở Slovenia vào năm 2001. Bush nói rằng ông đã nhìn thẳng vào mắt Tổng thống Nga và "cảm nhận được tâm hồn của ông ấy". "Ông ấy là người rất tận tụy với đất nước", Bush nói thêm.
Tổng thống Bush, người rất sùng đạo, được cho là đã rất xúc động khi Putin kể rằng cây thánh giá mà mẹ đã trao cho ông là vật duy nhất còn lại sau đám cháy tại căn nhà gỗ của ông ở vùng nông thôn.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Dick Cheney không dao động khi gặp Putin. "Tôi chỉ nghĩ KGB, KGB, KGB", ông nói, nhắc đến cơ quan tình báo Liên Xô mà Tổng thống Nga từng làm việc.
Nhưng mối quan hệ của cả hai bên trở nên xấu đi khi Bush nói với Thủ tướng Đan Mạch vào năm 2006 rằng Putin "không nắm được thông tin đầy đủ. Có cảm giác như tranh cãi với một học sinh lớp 8 với những thông tin sai".
Trong khi đó, Putin nhấn mạnh ông sẽ không bị "lên lớp" về dân chủ. "Chúng tôi không muốn có một nền dân chủ như ở Iraq", ông nói với các phóng viên trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Mỹ.
Bush cũng nói với Thủ tướng Anh Tony Blair rằng ông gần như mất bình tĩnh trong cuộc gặp với Putin. "Có lúc người phiên dịch đã khiến tôi tức điên đến mức tôi suýt tát anh ta. Anh ta đưa ra những lời cáo buộc về nước Mỹ bằng giọng điệu chế giễu".
Khi Nga tiến hành hoạt động quân sự ở Gruzia năm 2008, Bush đã nói chuyện trực tiếp với Putin tại Thế vận hội ở Bắc Kinh, cảnh báo Putin rằng Tổng thống Gruzia là người máu nóng.
"Tôi cũng là người máu nóng", Putin đáp.
"Không, Vladimir", Bush trả lời. "Ông máu lạnh".
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga rơi vào tình trạng lạnh giá nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh dưới thời tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, Obama.
Obama không cố gắng che giấu sự nghi ngờ của mình đối với lãnh đạo Nga. "Tôi không có mối quan hệ cá nhân xấu với Putin", ông nói với các phóng viên vào năm 2013. "Các cuộc trò chuyện của chúng tôi thẳng thắn và mang tính xây dựng. Tôi biết báo chí thích tập trung vào ngôn ngữ cơ thể và ông ấy có kiểu ngồi ngả người trông thờ ơ như vậy, trông giống như một đứa trẻ buồn chán ngồi ở cuối lớp học".
Trong khi đó, Donald Trump không cố gắng che giấu sự ngưỡng mộ của mình đối với lãnh đạo Nga, đến mức nhiều người ở Washington tự hỏi liệu ông có bị tình báo Nga "nắm thóp" hay không.
"Tôi quý mến Putin, ông ấy quý mến tôi", Trump nói vào năm ngoái, nhấn mạnh rằng các lãnh đạo càng cứng rắn, thì ông càng dễ hòa thuận với họ.
Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga năm 2018, Trump nói rằng ông có xu hướng tin lời Putin hơn là FBI về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. "Tổng thống Putin nói rằng Nga không làm điều đó. Tôi cũng không thấy có lý do nào họ phải làm vậy", ông nói.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden tiếp tục quan điểm cứng rắn của Obama với lãnh đạo Nga, cảnh báo gần như ngay khi ông bước vào Nhà Trắng rằng "những ngày nước Mỹ hững hờ trước những tội ác của Điện Kremlin" đã qua.
Năm 2001, Biden, lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ, chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện, đã phản ứng mạnh mẽ trước bình luận "cảm nhận được tâm hồn" Putin của Bush. "Tôi không tin tưởng Putin. Hy vọng Tổng thống chỉ nói vậy chứ không có ý đó".
Hồi tháng ba, khi Biden được hỏi liệu ông có nghĩ Putin là "một kẻ giết người", Biden trả lời: "tôi có".
Các chuyên gia tin rằng cuộc gặp Biden - Putin sẽ không tạo ra những kết quả đột phá. Biden cho biết mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là để kiểm tra xem liệu Putin có sẵn sàng đồng ý đạt được một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Mỹ hay không.
Biden không mong muốn "thiết lập lại quan hệ" với Mokva. Nhưng việc họ dịu giọng có thể giúp tạo ra tiến bộ về các lợi ích chung như vấn đề Syria, Afghanistan, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran. "Biden muốn thúc đẩy kiểu mối quan hệ ổn định, dễ đoán. Câu hỏi đặt ra là liệu ông ấy có thể đạt được điều đó với Putin hay không", Thượng nghị sĩ Robert Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói.
Phương Vũ (Theo AFP/CNN)