Trong số này, nhiều quốc gia từng thuộc Liên Xô hoặc là thành viên Tổ chức Hiệp ước Warsaw từng là đối trọng của NATO thời Chiến tranh Lạnh, nhưng nay đã thành đồng minh của Mỹ. Họ lo ngại Washington có thể giảm quy mô hỗ trợ đồng minh tại Trung và Đông Âu nhằm đảm bảo quan hệ ổn định và dễ đoán hơn với Moskva.
"Nhiều người nghi ngờ thái độ kiên quyết của chính quyền Mỹ hiện tại khi đối mặt với các hành động gây hấn quyết liệt của Nga", Witold Rodkiewicz, chuyên gia chính trị Nga thuộc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông tại thủ đô Warsaw của Ba Lan, ngày 14/6 cho biết.
Cả Nga và Mỹ đều hạ thấp kỳ vọng về hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ ngày 16/6. Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được nhận định sẽ không tạo ra đột phá nào trong bối cảnh quan hệ hai nước xuống thấp nhất từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, Rodkiewicz lưu ý việc Nhà Trắng quyết định từ bỏ lệnh trừng phạt công ty Đức giám sát đường ống khí đốt Nord Stream 2 do Nga xây dựng. Đường ống từ Nga tới Đức được đặt dưới đáy biển Baltic, có khả năng cho phép Nga bỏ qua và không cần thanh toán phí trung chuyển khí đốt cho Ukraine, Ba Lan cùng các quốc gia khác ở Trung Âu và Đông Âu.
"Chính quyền Mỹ báo hiệu rõ ràng rằng họ coi Đức là nền tảng của châu Âu và lợi ích của người Đức được tính đến. Trong khi đó, lợi ích của những nước châu Âu khác sẽ bị bỏ qua", Rodkiewicz nói.
Không nước nào lo lắng về hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ hơn Ukraine, quốc gia rơi vào căng thẳng kéo dài sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hậu thuẫn cho các nhóm dân quân ở miền đông. Xung đội giữa quân chính phủ và dân quân miền đông Ukraine trong 7 năm qua đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
"Ukraine lo ngại các thỏa thuận giữa Mỹ và Nga có thể khiến họ bị gạt ra ngoài lề", Vadim Karasev, chuyên gia chính trị tại Kiev, cho biết. "Ukraine lo ngại đường ống Nord Stream 2 không chỉ cắt khoản phí trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu mà còn làm xói mòn tầm quan trọng chiến lược và làm suy yếu nước này về mặt chính trị".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc Mỹ không chặn được đường ống Nord Stream 2 sẽ là "tổn thất cá nhân của Tổng thống Biden" và "một chiến thắng địa chính trị quan trọng cho Nga".
Zelensky tìm cách gặp trực tiếp Biden trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, song chỉ được Biden đảm bảo rằng Mỹ "ủng hộ vững chắc" với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine qua một cuộc điện đàm.
Văn phòng của Zelensky ban đầu ra thông cáo cho biết Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra lộ trình gia nhập NATO cho Ukraine. Tuy nhiên, văn phòng này sau đó ra thông cáo điều chỉnh cho biết Zelensky là người hối thúc việc đưa ra lộ trình gia nhập NATO cho Ukraine và Biden hứa sẽ tính đến quan điểm này khi thảo luận các vấn đề chiến lược cùng lãnh đạo các nước thành viên khác.
Trong một cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình, Tổng thống Putin cảnh báo rằng việc Ukraine gia nhập NATO là viễn cảnh "không thể chấp nhận được" với Nga. Putin nói điều này cho phép tên lửa của NATO bắn tới Moskva và các mục tiêu quan trọng khác ở miền tây nước Nga chỉ trong 7 phút, tình huống bất ổn tương tự việc Nga đưa tên lửa tới Mexico hoặc Canada.
NATO năm 2008 hứa rằng sẽ kết nạp Gruzia và Ukraine, bất chấp việc Nga phản đối. Tháng 8/2008, Nga phát động chiến dịch quân sự kéo dài 5 ngày nhằm vào Gruzia khi lãnh đạo nước này dùng vũ lực giành lại quyền kiểm soát một khu vực ly khai.
Nga hồi đầu năm điều động lượng lớn quân nhân và khí tài đến sát biên giới Ukraine, động thái được đánh giá nhằm cảnh báo Kiev về hành động can thiệp quân sự nếu họ tìm cách chiếm lại khu vực miền đông do lực lượng ly khai kiểm soát. Nga sau đó rút một phần lực lượng, song các quan chức Ukraine cho biết lượng lớn quân nhân và khí tài Nga vẫn ở sát biên giới.
"Điện Kremlin phát tín hiệu rằng nỗ lực của NATO nhằm kết nạp Ukraine làm thành viên sẽ làm bùng phát một cuộc xung đột mới và dữ dội tại châu Âu, điều mà Washington chắc chắn không muốn xảy ra", chuyên gia Karasev nhận định.
Alex Petriashvili, thuộc Quỹ Rondeli tại thủ đô Tbilisi của Gruzia, bày tỏ thất vọng khi các thành viên NATO thiếu đồng thuận về việc vạch lộ trình rõ ràng để Ukraine và Gruzia trở thành thành viên khối. "Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến nguyện vọng của hai quốc gia và mang lại lợi thế cho Nga, nước đang phản đối quyết liệt việc NATO kết nạp Ukraine và Gruzia", Petriashvili cho biết.
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói Nga đang tìm cách "thiết lập lại quyền kiểm soát với các chính sách đối nội, đối ngoại và an ninh" của các quốc gia tại Trung Âu và Đông Âu mà Nga coi là một phần trong "vùng lợi ích đặc quyền" của mình.
Nga bác bỏ cáo buộc rằng nước này đang cố gắng gây bất ổn cho các quốc gia láng giềng hoặc lôi kéo họ trở lại quỹ đạo của mình. Nga tuyên bố các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO từng thuộc Liên Xô hoặc Hiệp ước Warsaw này mắc chứng "thù ghét nước Nga", đồng thời coi họ là những kẻ xúi giục phương Tây áp lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva.
Ngoại trưởng Landsbergis phủ nhận mối lo ngại rằng Mỹ có thể "bỏ rơi" các đồng minh tại Trung Âu và Đông Âu sau hội nghị thượng đỉnh. "Chúng tôi không có lý do gì để nghi ngờ đồng minh xuyên Đại Tây Dương thân cận nhất của mình. Chính quyền Biden nhiều lần nhấn mạnh cam kết phối hợp với các đồng minh châu Âu", Landsbergis nói.
Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cũng khẳng định Mỹ "luôn là đồng minh thân cận nhất" của nước này và "đóng vai trò quan trọng trong an ninh châu Âu". Ondrej Ditrych, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế tại thủ đô Prague của Czech, bày tỏ hy vọng Biden duy trì lập trường vững chắc trước Nga tại hội nghị thượng đỉnh ở Geneva.
"Biden không hề ngây thơ, ngay cả trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Chính quyền Biden dường như đã đưa ra những quyết định khiến Nga thảo luận nghiêm túc các vấn đề chiến lược", Ditrych nói. "Tôi sẽ không lo lắng về việc xảy ra sự cố bất lợi cho các nước Đông Âu và Trung Âu".
Tuy nhiên, nhiều người không lạc quan như vậy. Chuyên gia Rodkiewicz cho rằng lý do thực sự khiến nhiều nước lo lắng là "Putin có thể tới cuộc họp này bởi những gì ông ấy nhìn thấy ở phía Mỹ". "Điều này có thể khiến Putin mạnh dạn hơn trong việc thúc đẩy lợi thế của mình trong khu vực", Rodkiewicz cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo AP)