Con tàu khiến Mỹ suýt tấn công hạt nhân Triều Tiên cách đây 50 năm

"Thế là hết, họ đưa chúng ta ra đây để thủ tiêu", Stu Russell nghĩ trong đầu khi bị giải vào một khu rừng tối đen giữa đêm lạnh giá. Russell là một trong 83 người Mỹ bị giam tại Triều Tiên sau vụ bắt giữ tàu do thám USS Pueblo ngày 23/1/1968, theo CNN.

Trong nhiều tuần liền, các thủy thủ Mỹ bị giam trong một tòa nhà lạnh cóng được họ đặt tên là "The Barn" (Khu chuồng trại). Nơi này không có hệ thống cấp nước, tràn ngập chuột và rệp. Lính Mỹ cho biết họ không được ngủ, phải ngồi trong các tư thế khó chịu và bị đánh đập. Các sĩ quan chỉ huy như thuyền trưởng Lloyd Bucher bị tra tấn, buộc phải thừa nhận hành vi do thám trong vùng biển chủ quyền của Triều Tiên vào thời điểm bị bắt.

Trong một cuộc thẩm vấn, hạ sĩ Donald McClarren từ chối nhận tội. Ông khẳng định đã bị lính Triều Tiên dí súng vào đầu. Khẩu súng không chứa đạn, nhưng áp lực tâm lý quá lớn khiến McClarren ngất xỉu ngay khi người thẩm vấn bóp cò. Những màn cân não này diễn ra thường xuyên, khiến 83 lính Mỹ luôn trong tình trạng căng thẳng chờ chết, phản ánh qua suy nghĩ của Stu Russell.

Báo động

Vụ bắt giữ USS Pueblo vẫn là một trong những sự cố đáng xấu hổ nhất trong lịch sử quân sự Mỹ, đánh dấu lần đầu tàu hải quân của nước này bị chiếm kể từ cuộc nội chiến trước đó 153 năm.

Thủy thủ đoàn khi cập cảng Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Báo cáo tuyệt mật của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), Bộ an ninh nội địa Mỹ (NSA) và Bộ Ngoại giao Mỹ, cùng lời kể của thủy thủ đoàn sau khi trở về, cho thấy mức độ căng thẳng đáng sợ sau vụ bắt giữ. Qua nửa thế kỷ, đây vẫn là sự kiện đẩy thế giới đến gần Chiến tranh Triều Tiên lần hai nhất, khi Mỹ sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân, gây nguy cơ xung đột trực diện với Liên Xô và Trung Quốc.

Mồi lửa chiến tranh chỉ được ngăn chặn sau các cuộc đàm phán bí mật giữa Bình Nhưỡng và Washington, diễn ra trong nhiều tháng ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nằm trên giới tuyến phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên. Trong lúc đó, thủy thủ đoàn của USS Pueblo vẫn phải chịu ngược đãi, đồng thời lo sợ bị trừng phạt nếu được trở về Mỹ.

Vụ bắt giữ

Vào cuối thập niên 1960, hải quân Mỹ rất muốn thu thập tin tức tình báo về tàu ngầm của Triều Tiên, cũng như các tàu ngầm tối tân của Liên Xô được cho là đang hoạt động trong khu vực. Họ quyết định sử dụng tàu do thám cải trang USS Pueblo (AGER-2) trang bị nhiều công nghệ hiện đại nhằm thu thập thông tin từ quân đội Triều Tiên.

Ngày 11/1/1968, USS Pueblo khởi hành từ quân cảng Sasebo, Nhật Bản dưới vỏ bọc tàu nghiên cứu khoa học. Các chỉ huy hải quân Mỹ ở Nhật Bản đánh giá việc sử dụng tàu do thám chuyên dụng này sẽ không gặp nhiều rủi ro. Đây là một nhiệm vụ tồi tệ ngay từ lúc bắt đầu.

Tàu USS Pueblo xuất phát từ quân cảng Sasebo. Đồ họa: CNN.

Sau khi rời cảng Sasebo, tàu Pueblo gặp hàng loạt sự cố kỹ thuật, thời tiết xấu khiến băng đá liên tục tích tụ trên thiết bị bên ngoài. Biển động mạnh không làm thủy thủ đoàn say sóng, nhưng gây ra tâm lý chán nản. Hầu hết mọi người không có việc để làm, trong lúc con tàu nghe trộm tín hiệu liên lạc vô tuyến của Triều Tiên và tránh đi vào vùng biển cách bờ 12 hải lý.

Tình hình thay đổi vào ngày 22/1, khi hai tàu cá Triều Tiên lượn quanh USS Pueblo, trên boong đầy những người cầm ống nhòm và máy quay. "Hôm nay khá thú vị", Russell nghĩ trước khi ngủ. Vào ngày hôm sau, Triều Tiên bắt đầu triển khai lực lượng bám đuổi tàu do thám Mỹ.

Mỹ tố cáo Triều Tiên bao vây USS Pueblo trên vùng biển quốc tế. Đồ họa: CNN.

Một tàu săn ngầm ra tín hiệu yêu cầu USS Pueblo ngừng di chuyển để kiểm tra, nếu không chiến hạm Triều Tiên sẽ khai hỏa. Tàu do thám Mỹ hồi đáp bằng cờ hiệu, tuyên bố đang hoạt động trên vùng biển quốc tế.

4 tàu phóng lôi và hai tiêm kích MiG-21 Triều Tiên xuất hiện không lâu sau đó. Thủy thủ đoàn gửi thông điệp khẩn cấp tới sở chỉ huy hải quân Mỹ ở cảng Kamiseya, thông báo về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng sắp xảy ra.

Chúng tôi không có bất cứ vũ khí gì để chống trả bởi khi đó USS Pueblo đang cải trang và không mang theo vũ khí.

Skip Schumacher, sĩ quan trên tàu khi đó.

Súng máy 12,7 mm trên USS Pueblo. Ảnh: Flickr.

Trên thực tế, tàu USS Pueblo được trang bị hai súng máy cỡ nòng 12,7 mm, nhưng thủy thủ đoàn được yêu cầu không sử dụng vũ khí, trừ trường hợp nguy hiểm tới tính mạng. Ngay cả khi muốn khai hỏa, họ cũng cần ít nhất 10 phút để căn chỉnh và kích hoạt súng.

Khi một tàu Triều Tiên áp sát, thuyền trưởng Bucher ra lệnh tăng tốc tối đa để chạy ra đại dương. Russell đang đứng ngoài phòng liên lạc thì bị một sĩ quan kéo vào trong, ngay trước khi các chiến hạm Bình Nhưỡng khai hỏa.

4 tàu phóng lôi sử dụng súng máy, trong khi tàu săn ngầm nã hàng loạt đạn pháo 57 mm vào khoang phía trước của USS Pueblo. Toàn bộ ăng ten bị phá hủy, mảnh đạn văng khắp boong tàu do thám Mỹ. "Chúng tôi cần giúp đỡ, đây là tình huống khẩn cấp. Cần hỗ trợ. SOS SOS SOS. Xin hãy gửi trợ giúp", sĩ quan vô tuyến Don Bailey gọi về căn cứ Kamiseya.

Các khoang trên của Pueblo tràn ngập khói do thủy thủ đoàn tìm đốt tài liệu nhạy cảm và đập phá trang thiết bị. Thuyền trưởng Bucher ra lệnh bám theo tàu săn ngầm Triều Tiên, nhưng liên tục câu giờ để có thời gian hủy hết tài liệu. Nắm được ý đồ này, phía Triều Tiên khai hỏa hai loạt đạn vào khoang tàu, khiến hai thủy thủ bị thương.

Một vết đạn để lại trên tàu Pueblo. Ảnh: Flickr.

Được yêu cầu tới cảng Wonsan, có ba người bị thương và một người bị mất chân, chưa sử dụng vũ khí. Ai có thể giúp không, đối phương rất nghiêm túc. Chúng tôi không có ý định chống trả.

Thuyền trưởng Bucher gửi thông điệp cuối cùng về Kamiseya.

Tình huống khẩn cấp

Trong lúc tàu Pueblo bị kéo về cảng Wonsan, một cuộc khủng hoảng nổ ra trong chính quyền Mỹ. Sự bối rối hiện rõ ở Washington, nhất là khi lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương không hề phản ứng khi USS Pueblo bị tấn công.

Hải quân Mỹ không hề có động thái triển khai lực lượng giải cứu từ tàu sân bay USS Enterprise hay bất kỳ căn cứ nào trên lãnh thổ Nhật Bản.

Báo cáo điều tra của Quốc hội Mỹ.

Máy bay chỉ cần một tiếng để bay tới vị trí của USS Pueblo. Ảnh: Wikipedia.

Vào ngày 23/1/1968, các tiêm kích trên tàu sân bay USS Enterprise chỉ cần một giờ để bay tới vị trí của USS Pueblo.

Một số phi cơ xuất phát từ Okinawa, nhưng chúng không đủ nhiên liệu để bay thẳng tới ngoài khơi bờ biển Triều Tiên. Khi các máy bay này đáp xuống Hàn Quốc tiếp dầu, USS Pueblo đã rơi vào tay hải quân Triều Tiên. Chính quyền tổng thống Mỹ Lyndon Johnson yêu cầu Triều Tiên không tiến hành những hoạt động có thể đe dọa tính mạng thủy thủ đoàn tàu Pueblo.

Dù vậy, Lầu Năm Góc vẫn nhận lệnh sẵn sàng đáp trả Triều Tiên. Tổng cộng 12 giải pháp quân sự được soạn thảo, bao gồm đưa tàu chiến tới vị trí USS Pueblo bị bắt, ném bom căn cứ không quân và hải quân Triều Tiên, phong tỏa cảng biển bằng thủy lôi. Tổng thống Johnson bác bỏ mọi phương án tấn công, chỉ lựa chọn giải pháp phô trương thanh thế bằng cách triển khai hàng trăm phi cơ, 22 tàu chiến và ba tàu sân bay tới Hàn Quốc.

Nếu Mỹ dùng sức mạnh quân sự đáp trả Triều Tiên, thủy thủ đoàn và tàu Pueblo sẽ không còn cơ hội được phóng thích sớm. Hơn nữa, hành động tấn công sẽ lôi Trung Quốc và Liên Xô vào cuộc khủng hoảng, gia tăng căng thẳng tới mức nguy hiểm.

Tài liệu giải mật của Mỹ.

Bị giữ làm con tin

Khi đặt chân tới Wonsan, thủy thủ đoàn USS Pueblo bị chia làm hai nhóm và tống lên xe tải. Họ được đưa tới một ga tàu, nơi nhiều người dân tập trung hô vang các khẩu hiệu chống Mỹ. Sau gần 10 giờ đi tàu hỏa, 83 thủy thủ Mỹ tới thủ đô Bình Nhưỡng và bị tống vào "Khu chuồng trại".

Từ lúc bị bắt, một trong những điều đáng sợ nhất với thủy thủ đoàn Pueblo là "sự căm ghét Mỹ toàn diện" của người Triều Tiên. Nhiều người trong số 83 thủy thủ Mỹ chưa từng nghĩ tới Triều Tiên và tỏ ra hoang mang trước tâm lý thù địch của người dân tại đây.

Một thời gian sau đó, những người trẻ tuổi như Russell mới biết nguồn gốc của sự căm ghét. "Chúng ta đã ném bom hủy diệt Triều Tiên, giết hại hơn 30% dân số của họ. Mọi gia đình ở Triều Tiên đều từng mất người thân vì bom Mỹ", Russell cho biết. Các thủy thủ Mỹ đã nghĩ tới viễn cảnh bị lính Triều Tiên hành quyết để trả thù.

Chiến dịch ném bom hủy diệt dẫn tới sự căm thù Mỹ của người Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia.

Vào đêm bị giải vào rừng, Russell đã nghĩ tới những nấm mồ tập thể trong Thế chiến II, nơi lính SS Đức giết hại tù binh và ném họ xuống những cái hố được đào vội vã. Sau thời gian dài đi bộ, các thủy thủ Mỹ đến một khu nhà nhỏ, bên trong có hệ thống cấp nước sạch và nhiều xô chậu để họ tắm rửa.

Triều Tiên không có ý định thủ tiêu thủy thủ đoàn USS Pueblo. Bắt giữ tàu do thám của Washington là chiến thắng chính trị lớn với Bình Nhưỡng, việc buộc Mỹ phải nhún nhường để chuộc thủy thủ đoàn về sẽ càng làm tăng thanh thế cho Triều Tiên. Khu nhà giam mới được gọi là "The Farm" (Nông trại), điều kiện sống tại đây được cải thiện đáng kể so với "Khu chuồng trại".

Lính Triều Tiên cho biết thủy thủ đoàn Mỹ sẽ ở đây cho tới khi chính phủ của họ đưa ra lời xin lỗi. Russell và các đồng đội cho rằng đó là điều không thể xảy ra, nhưng sau nhiều tháng đàm phán tại Bàn Môn Điếm, chính quyền Johnson đã sẵn sàng để công khai xin lỗi Bình Nhưỡng.

Các cuộc đàm phán

Quá trình thương lượng giữa Mỹ và Triều Tiên bắt đầu từ ngày 2/2/1968. Trong các cuộc gặp đầu tiên, Bình Nhưỡng liên tục đòi Washington đưa ra lời xin lỗi chính thức, phía Mỹ khẳng định tàu USS Pueblo hoạt động trên vùng biển quốc tế và không làm gì sai trái. Tiến độ đàm phán rất chậm chạp, tướng Pak Chung Kuk của Triều Tiên thường đọc các tuyên bố được chuẩn bị sẵn để đối phó với những kịch bản được Mỹ đưa ra.

Các cuộc đàm phán kéo dài trong nhiều tuần cho tới hàng tháng, trong lúc phe diều hâu tại Washington và Seoul đòi tiến hành biện pháp quân sự. Căng thẳng leo thang tới mức đô đốc Ulysses Sharp, tư lệnh các lực lượng quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, phải soạn thảo kế hoạch phòng thủ Hàn Quốc trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Triều Tiên.

Trong một kịch bản mang tên "Freedom Drop" (Thả Tự do), phi cơ Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để chặn đà tiến công của quân đội Triều Tiên, trong khi tên lửa đạn đạo mang đầu đạn 70 kiloton, tương đương 70.000 tấn thuốc nổ TNT, sẽ hủy diệt các mục tiêu then chốt trên lãnh thổ Triều Tiên.

Oanh tạc cơ Mỹ ném bom Triều Tiên. Ảnh: USAF.

CIA kết luận rằng Bình Nhưỡng có đẩy mạnh hoạt động xuyên biên giới, nhưng không có ý định tấn công Seoul hay gây ra cuộc chiến tổng lực trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, tình báo Mỹ cho rằng tổng thống Hàn Quốc có nguy cơ ra lệnh "phản công quy mô lớn" nhằm vào Triều Tiên.

Thuyền trưởng Bucher. Ảnh: KCNA.

Theo tài liệu giải mật của Nhà Trắng, đàm phán tại Bàn Môn Điếm đi vào bế tắc trong tháng 9/1968. Sau cuộc họp báo tại Triều Tiên, nơi thuyền trưởng Bucher kêu gọi chính phủ Mỹ "làm gì đó để cứu mạng những người trẻ tuổi" trên tàu Pueblo, Washington đồng ý ký thỏa thuận xin lỗi theo yêu cầu từ Bình Nhưỡng, với điều kiện đại diện Mỹ được phát biểu trước khi ký kết.

Thỏa thuận được tướng Mỹ Gilbert Woodward trao cho đại diện Triều Tiên, trong đó gửi tới "Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên", cụm từ chưa từng được Mỹ sử dụng trước đó, do nước này không thừa nhận chính quyền Triều Tiên. Washington cũng thừa nhận việc tàu Pueblo "xâm nhập trái phép vào vùng biển chủ quyền của Triều Tiên, nhằm thực hiện các hoạt động gián điệp, do thám bí mật nhà nước và quân sự".

Được trả tự do

Thủy thủ đoàn USS Pueblo giơ ngón giữa trong các bức hình. Ảnh: KCNA.

Dù đàm phán đạt được đột phá, thủy thủ đoàn Pueblo suýt tự tay phá hủy cơ hội trở về nước. Trong các bức ảnh do Bình Nhưỡng công bố, các thủy thủ Mỹ đều giơ ngón giữa, động tác mang tính xúc phạm, nhằm thể hiện sự chống đối. Những người Triều Tiên không biết ý nghĩa của hành động này, cho tới lúc báo chí Mỹ đưa tin.

Thủy thủ tàu Pueblo tố cáo quản giáo Triều Tiên đã tra tấn họ sau khi phát hiện động tác giơ ngón giữa trong các bức ảnh. "Họ phải chịu đựng thời tiết lạnh giá, bị theo dõi, không được ngủ và liên tục phải ngồi cúi đầu trên ghế", luật sư đại diện cho thủy thủ đoàn USS Pueblo sau này cho biết.

Đại diện Mỹ ký thỏa thuận xin lỗi Triều Tiên. Ảnh: CNN.

Mọi thứ đột ngột thay đổi, những người Mỹ được cấp quần áo mới và nghe tin mình chuẩn bị được thả. 9h sáng 23/12/1968, đại diện Triều Tiên và Mỹ gặp gỡ lần cuối tại Bàn Môn Điếm. Tướng Woodward đọc bài phát biểu ngắn, phản đối những nội dung được Triều Tiên đưa vào thỏa thuận, khẳng định phía Mỹ chỉ chấp nhận ký văn bản này nhằm giải phóng thủy thủ đoàn USS Pueblo.

Ở phía lãnh thổ Triều Tiên, các thủy thủ Mỹ ngồi chờ nhiều giờ trên hai xe buýt. Tới 11h30, họ đi qua khu vực DMZ để sang Hàn Quốc, chấm dứt 335 ngày bị Triều Tiên giam giữ. Thuyền trưởng Bucher dẫn đầu hàng, tiếp theo là hai thủy thủ mang theo xác Duane Hodges, người thiệt mạng vì vết thương quá nặng sau vụ tấn công.

Lính Mỹ trở về lãnh thổ Hàn Quốc. Ảnh: KCNA.

  • 11/1/1968

    USS Pueblo rời cảng Sasebo, Nhật Bản.

  • 22/1/1968

    Hai tàu cá Triều Tiên bắt đầu vây quanh USS Pueblo.

  • 23/1/1968

    Tàu chiến và máy bay Triều Tiên khai hỏa, bắt toàn bộ thủy thủ đoàn và tàu Pueblo.

  • 26/1/1968

    Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson phát biểu trước cả nước.

  • 2/2/1968

    Phái đoàn đàm phán Triều Tiên và Mỹ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm.

  • 4/9/1968

    Đàm phán đi vào bế tắc.

  • 12/9/1968

    Triều Tiên tổ chức họp báo với sự có mặt của thủy thủ đoàn USS Pueblo.

  • 23/12/1968

    Đại diện Mỹ ký thỏa thuận xin lỗi do Triều Tiên soạn thảo. Thủy thủ đoàn được trả tự do.

  • 24/12/1968

    Thủy thủ đoàn USS Pueblo bay về Mỹ.

Thủy thủ đoàn USS Pueblo gặp lại người thân. Ảnh: CNN.

Khi đặt chân tới Hàn Quốc, các thủy thủ được đưa tới một căn cứ quân đội và ăn "một trong những bữa tuyệt nhất trong đời", bao gồm cà phê, nước cam, bánh mì thịt và súp gà. Nhóm thủy thủ sau đó bay tới Seoul để kiểm tra sức khỏe và trở về Mỹ ngày 24/12.

Tàu do thám USS Pueblo không được trả về Mỹ. Hiện nay, nó vẫn thuộc biên chế hải quân Mỹ và trở thành một trong những phương tiện cao tuổi nhất trong lực lượng này. Từ năm 2013, USS Pueblo trở thành địa điểm tham quan và bảo tàng chiến thắng tại Bình Nhưỡng.

Con tàu khiến Mỹ suýt tấn công hạt nhân Triều Tiên năm 1968
 
 

Du khách tới thăm tàu USS Pueblo tại Bình Nhưỡng.

Mầm mống chiến tranh

Nhiều tài liệu tuyệt mật của Mỹ cho thấy khủng hoảng Pueblo đã đẩy bán đảo Triều Tiên tới sát bờ vực chiến tranh hủy diệt.

Trong vòng 13 tháng trước vụ bắt giữ USS Pueblo, Washington tố cáo Bình Nhưỡng vi phạm thỏa thuận đình chiến tới 610 lần. Trong khi đó, Triều Tiên thường xuyên phản đối việc "chiến hạm và tàu do thám vũ trang" xâm nhập vùng biển chủ quyền, đe dọa trả đũa.

Bất kỳ tên ngốc nào cũng có thể nhận thấy tình hình đang xấu đi. Họ đáng lẽ phải bảo chúng tôi rời khỏi đó, nhưng không ai nói gì.

Đầu bếp Russell.

Báo cáo của Ủy ban Quân vụ Quốc hội Mỹ phê phán việc lên kế hoạch nhiệm vụ, không có hỗ trợ hoặc bảo vệ USS Pueblo, cũng như phản ứng chậm chạp của các chỉ huy quân sự khi khủng hoảng xảy ra. "Hải quân không có kế hoạch dự phòng để giải cứu tàu Pueblo trong trường hợp khẩn cấp", báo cáo này tiết lộ.

Lịch sử bán đảo Triều Tiên từng xảy ra nhiều sự cố tương tự, nhưng vụ bắt giữ USS Pueblo vẫn là sự cố tồi tệ nhất. Trong giai đoạn căng thẳng đạt đỉnh, liên lạc giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc đều bị cắt đứt, khiến các bên không thể nắm được ý định của đối phương.

Tuy nhiên, giải pháp đàm phán đã ngăn chặn vụ việc năm 1968 biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Đây chính là chìa khóa giảm căng thẳng hiện nay, thể hiện bằng việc Bình Nhưỡng và Seoul nối lại đường dây nóng sau hai năm.

Tử Quỳnh

Bình luận
Ý kiến của bạn