Vivo V5s - smartphone tầm trung chuyên selfie và nghe nhạc

Smartphone của Vivo với camera trước 20 "chấm" cùng chip xử lý âm thanh riêng, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các model cùng phân khúc giá như Oppo F3, Huawei GR5 2017 Pro và Lenovo Moto M.

Thiết kế

Thiết kế của Vivo V5s là sự kết hợp giữa hai đàn anh V5 và V5 Plus. Phần mặt lưng được bo tròn nhẹ với viền ăng-ten dạng chữ U. Camera nằm ở góc trên, chỉ hơi lồi lên một chút, và có cùng thiết kế với kiểu phổ biến hiện nay là dạng tròn, được bảo vệ bằng một vòng kim loại. Vỏ máy được làm bằng polymer phủ kim loại cho cảm giác chắc chắn như được bằng kim loại nguyên khối nhưng nhẹ hơn, giúp cầm và sử dụng lâu bằng một tay không bị mỏi. Phần mặt lưng được bo tròn nhẹ với viền anten dạng chữ U. Các chi tiết được hoàn thiện tốt và được gắn kết chặt chẽ với nhau tạo thành một khối thống nhất.

Mặt lưng máy không ôm sát lên phía màn hình, phần kính cong 2,5D được bảo vệ bởi một viền nhựa trắng lồi cao hơn nên khi vuốt về hai canh sẽ tạo cảm giác cấn, giảm đi trải nghiệm trên loại kính này. Bao ngoài phần khung nhựa trắng là một viền nhựa xi crom đẹp mắt, tạo điểm nhấn cho sản phẩm khi nhìn từ phía trước.

Phím Home tích hợp vân tay được làm dạng cảm ứng thay vì nút vật lý như thường thấy, còn hai phím Back và Recent App được làm dạng cảm ứng, chỉ hiện lên khi chạm vào. Các cổng kết nối và loa ngoài được bố trí hết ở đế máy. Vivo V5 vẫn sử dụng cổng sạc microUSB. Hai phím nguồn và âm lượng được đặt ở cạnh phải.

Thiết kế Vivo V5s
 
 

Màn hình

Vivo V5s sử dụng màn hình IPS kích thước 5,5 inch độ phân giải HD trong khi các model cùng tầm giá hiện nay đều có mức phân giải Full HD, tuy vậy hình ảnh vẫn đủ sắc nét không bị vỡ hạt khi nhìn gần. Màu sắc của tấm nền IPS trên V5s chính xác nhưng hơi rực rỡ nịnh mắt. Góc nhìn rộng cùng độ sáng cao giúp người dùng dễ dàng sử dụng máy trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Tính năng bảo vệ mắt cho phép người dùng điều chỉnh được nhiệt độ màu của màn hình tuỳ theo sở thích thay vì chỉ mặc định chỉ một cấp độ giống như thường thấy hiện nay.

Phần viền màn hình hơi dày là nhược điểm trong thiết kế khi phần lớn các model hiện nay đều đã thu gọn viền.

Màn hình Vivo V5s
 
 

Giao diện và tính năng

Vivo V5s chạy Android 6.0 cùng giao diện FunTouch OS do hãng phát triển, bỏ phần App drawer đơn giản và trực quan. Người dùng cũng có nhiều tuỳ chọn về giao diện như ảnh động hay chuyển thành giao diện giống với Android gốc.

Tính năng Smart Split giúp V5s chạy đa nhiệm rất đơn giản, ví dụ, khi đang xem video, nếu có tin nhắn tới, một biểu tượng tin nhắn sẽ xuất hiện. Nếu người dùng bấm vào biểu tượng tin nhắn, màn hình sẽ chia đôi cho phép vừa xem video vừa nhắn tin. Tuy nhiên, tính năng này chỉ giới hạn trong một số ứng dụng.

Người dùng cũng có thể kích hoạt nhanh một vài tính năng hay ứng dụng như đèn pin, camera, Facebook … khi máy đang ở trạng thái tắt, bằng nút giảm âm lượng. 

Máy cũng được trang bị chip xử lý âm thanh riêng Hi-Fi AK4376, cho phép nghe nhạc chất lượng cao (hi-res audio) vốn chỉ có trên các model cao cấp. Cảm biến vân tay ở nút Home cho tốc độ nhận diện không khác gì các mẫu Android khác với tốc độ lý thuyết 0,2 giây. Tính năng bảo mật vân tay không chỉ cho phép mở khoá máy, mà còn có thể sử dụng để khoá riêng từng ứng dụng cần thiết.

Giao diện và tính năng Vivo V5s
 
 

Camera

V5s là smartphone có camera trước có độ phân giải lớn nhất hiện nay khi sử dụng cảm biến Sony IMX376 độ phân giải 20 megapixel với ống kính khẩu độ f/2.0. Vivo còn trang bị thêm đèn flash cho camera trước để chụp trong điều kiện thiếu sáng giống như các model chuyên chụp selfie hiện nay. Tuy nhiên, đèn flash trước trên V5s (tên gọi Moonlight) cho ánh sáng dịu hơn và mở sáng liên tục nên hình ảnh sáng rõ không bị cháy hay mất tự nhiên như các model dùng đèn flash trước khác.

Hình ảnh chụp được ấn tượng nhờ độ sắc nét và màu sắc trung thực, người dùng không cần phải sử dụng các phần mềm chỉnh sửa như Camera360 vì V5 có sẵn tính năng Face Beauty 6.0 cho phép tuỳ chỉnh khuôn mặt đẹp theo giới tính người chụp.

Camera sau có độ phân giải 13 megapixel hỗ trợ lấy nét theo pha nhanh và chính xác trong nhiều hoàn cảnh. Ngoài các tính năng như camera trước, camera sau của máy cũng được trang bị thêm các tính năng chụp HDR, Panorama, chế độ chuyên nghiệp cho phép tuỳ chỉnh các thông số như ISO, EV, WB và tốc độ chụp... chế độ chuyên nghiệp giúp người dùng giải quyết một số trường hợp ánh sáng phức tạp hay chụp đêm.

Ở chế độ tự động, hình ảnh thu được trong điều kiện ánh sáng tốt, thể hiện màu sắc và chi tiết tốt. Tuy nhiên, ở điều kiện thiếu sáng hình ảnh bị bệt màu do máy khử nhiễu quá nhiều.

Camera Vivo V5s
 
 

Hiệu năng và pin

Vivo V5 được trang bị chip xử lý MediaTek MT6750, RAM 4 GB và bộ nhớ trong 64 GB có thể mở rộng bằng thẻ nhớ. Chip cho hiệu năng tốt, tuy nhiên, khả năng xử lý đồ hoạ chỉ ở mức tầm trung.

Smartphone này có lợi thế hơn các model cùng tầm giá nhờ dung lượng RAM 4GB giúp máy chạy đa nhiệm tốt cũng như đảm bảo việc hoạt động trong thời gian dài mà không bị giật lag. Bộ nhớ trong 64GB giúp người dùng thoải mái cài game nặng hay lưu ảnh mà không cần lo lắng về dung lượng lưu trữ.

Pin dung lượng 3.000 mAh. Thử nghiệm bằng phần mềm cho thấy máy có khả năng dùng liên tục gần 9 tiếng. Khi sử dụng thực tế, máy hoàn toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường của người dùng trong một ngày. Tuy nhiên, không có sạc nhanh là điểm hạn chế của sản phẩm.

Với mức giá 7 triệu đồng, Vivo V5s có lợi thế về camera selfie cũng như tính năng và khả năng chơi nhạc nhưng chưa nổi trội về thiết kế cũng như cấu hình so với các model cùng tầm hiện nay là Lenovo Moto M hay Oppo F3.

Hiệu năng và pin Vivo V5s
 
 

So sánh cấu hình của Vivo V5s cùng Huawei GR5 2017 Pro và Lenovo Moto M

Ưu và nhược điểm của Vivo V5s

Bình luận
Ý kiến của bạn