"Đội trưởng, thủ lĩnh, huyền thoại", tấm băng-rôn cỡ bự ở một góc khán đài Stamford Bridge là đủ mô tả được tầm vóc của hậu vệ người Anh. Trong 22 năm gắn bó với Chelsea, trong đó có 19 năm ở đội một, 13 năm mang băng thủ quân, Terry cùng với CLB thành London giành 14 chiếc Cup, với đầy đủ các "chủng loại", trong đó có bốn chức vô địch Ngoại hạng Anh, một Europa League và một Champions League.
Khi Terry tuyên bố rời Chelsea hồi cuối mùa giải, người hâm mộ của anh chia sẻ với nhau một bức ảnh ghép. Ở một nửa bức ảnh nhan đề "Trước Terry", có sáu cầu thủ khác nhau giữ sáu kỷ lục: hậu vệ có số trận trắng lưới nhiều nhất Ngoại hạng Anh, hậu vệ ghi bàn nhiều nhất Ngoại hạng Anh, hậu vệ có số lần được vào đội hình tiêu biểu của UEFA nhiều nhất, hậu vệ có số lần vào đội hình tiêu biểu của FIFPro nhiều nhất, hậu vệ giành danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa của CLB nhiều nhất và người mang băng thủ quân nhiều nhất Ngoại hạng Anh. Ở nửa bức ảnh còn lại, tức "Sau Terry", cả sáu kỷ lục ấy đều quy về một cái tên: John Terry. Không có nhiều cầu thủ trong lịch sử có sự nghiệp dài hơi và ấn tượng như thế.
Ngay cả những biểu tượng như Ronaldinho cũng phải khâm phục trước tầm vóc thủ lĩnh của Terry ở Chelsea.
Terry cũng là một trong không nhiều cầu thủ của bóng đá Anh vươn đến tầm đẳng cấp thế giới. Ronaldinho từng đặt Terry ngang với Paolo Maldini, và gọi đấy là những hậu vệ giỏi nhất mà anh từng đối mặt. Xavi phải thừa nhận khả năng làm chủ hàng thủ tuyệt vời của Terry, ở một môi trường bóng đá trái ngược hoàn toàn với Bacelona. "Dù không thích cách chơi ấy, tôi vẫn không thể phủ nhận Terry là một trong những cầu thủ Anh hay nhất mà mình từng biết, một lãnh đạo tuyệt vời cho cả CLB và đội tuyển", danh thủ người Tây Ban Nha nói.
Thật tuyệt vời khi được sát cánh cùng với hậu vệ vĩ đại nhất trong kỷ nguyên Ngoại hạng Anh. Thậm chí tôi còn đặt anh ấy lên ngang với những hậu vệ giỏi nhất thế giới qua mọi thời đại mà không sợ quá lời.
Frank Lampard
Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều từ "lãnh đạo" trong nội dung bài viết này, bởi Terry sinh ra là để lãnh đạo Chelsea tiến lên. Carlo Ancelotti từng nói đùa: "Cậu ấy sinh ra đã có tấm băng thủ quân ở trên tay". Jose Mourinho nói có những trận đấu thật sự khó khăn, khiến ông suy nghĩ muốn bạc tóc. Nhưng khi nhìn thấy Terry trong phòng thay quần áo, ông lại có niềm tin: "Mọi chuyện rồi sẽ ổn".
Suốt một thời gian dài, Fabio Capello luôn triệu tập Terry lên tuyển Anh, bất chấp phong độ anh có lúc sa sút. Câu trả lời của Capello rất đơn giản: "Tôi biết có những cầu thủ nhanh hơn, khỏe hơn, nhưng khi tôi nhìn qua phòng thay đồ, cậu ấy là người duy nhất không bị nỗi sợ hãi và sức ép của trận đấu làm cho rúm ró. Và khi Terry không sợ, cậu ấy cũng làm cho những cầu thủ xung quanh bớt sợ".
67 bàn Terry ghi trong màu áo Chelsea.
Bên cạnh đó, Terry còn là biểu tượng của lòng trung thành. Trong lúc các đồng đội của anh đều đã lần lượt qua cầu để bước sang một bờ bến khác, anh vẫn chỉ bám trụ duy nhất ở một "chiếc cầu" mang tên Stamford. Sau khi chuyển từ đội trẻ West Ham sang đội trẻ của Chelsea năm 1995, không tính sáu trận đấu cho Nottingham Forest vào năm 2000 theo diện cho mượn, Terry chỉ một lòng phụng sự Chelsea.
Những cầu thủ trị giá chuyển nhượng hàng chục triệu đôla cứ đến rồi đi, Terry vẫn chiếm trọn lòng tin của các HLV, chính xác là 14 người, trừ Antonio Conte của mùa bóng vừa qua, khi ông không còn đánh giá cao một Terry đã 36 tuổi. Anh là biểu tượng cho sự vươn lên của một CLB hạng khá ở Anh, với sự hỗ trợ tài chính từ tỷ phú Roman Abramovich, trở thành một trong những đội bóng hàng đầu tại châu Âu.
Xét về lý, Terry hoàn toàn có thể sánh được với những cầu thủ chung thủy vĩ đại như Paolo Maldini của AC Milan hay Manolo Sanchis của Real Madrid. Nhưng điều ấy, đáng tiếc, đã không xảy ra. Bởi nếu Terry vĩ đại trên sân cỏ bao nhiêu, anh lại tầm thường bên ngoài sân cỏ bấy nhiêu. Những scandal của Terry cũng nhiều không kém những danh hiệu mà anh đạt được, và đôi lúc nó che lấp mất tài năng của anh.
Những scandal ấy có thể là những chuyện nhỏ, như đậu chiếc Range Rover vào khu vực dành cho người khuyết tật, lớn dần với những tấm giấy từ cảnh sát vì phạm luật giao thông cho đến những quả bom thật sự về mặt truyền thông. Chẳng hạn như anh dùng nỗi đau 11/9 để đáp trả những người Mỹ va chạm với mình ở sân bay. Anh tổ chức những "tour tham quan" sân tập Cobham của Chelsea trái phép. Anh từng nợ tiền cá cược lên đến hơn sáu triệu đôla. Khi bố anh dính vào vụ buôn bán ma túy, còn mẹ thì bị phát hiện ăn cắp vặt, báo chí cũng gán cho Terry cái tiếng bất hiếu.
Nhưng hai scandal khủng khiếp nhất với Terry đều có dính líu đến đồng đội. Đầu tiên là việc tòm tem với bạn gái của đồng đội cũ Wayne Bridge, Vanessa Perroncel, đến mức khiến cho cô này mang bầu. Vì bê bối tình ái này, Bridge từ mặt Terry. Anh không thèm bắt tay Terry khi Man City đến sân của Chelsea trong một trận đấu ở Ngoại hạng Anh. Anh cũng tuyên bố không đời nào lên đội tuyển Anh nữa, một khi Terry còn ở đó. Sau này, Bridge đã phải buồn bã thừa nhận: "Khi tôi giải nghệ, người ta chỉ còn nhớ tôi vì tôi đã không bắt tay Terry, chứ không nhớ tôi từng là một cầu thủ như thế nào".
Sự xuất hiện của John Terry trong vai trò người thứ ba, khiến đồng đội - bạn cũ Wayne Bridge chịu tiếng bị anh và Perroncel cắm sừng.
Scandal thứ hai ồn ào không kém, khi Terry có phát ngôn miệt thị chủng tộc với Anton Ferdinand, trong trận đấu giữa Chelsea và Queens Park Rangers. Mà Anton lại là em trai của Rio Ferdinand. Điều này khiến Terry liên tục phải lui tới những cuộc điều trần, đồng thời khiến nội bộ tuyển Anh chia rẽ. Nhiều người đã bày tỏ thái độ đứng về phía Rio Ferdinand, đặc biệt là những cầu thủ da màu. Liên đoàn bóng đá Anh buộc phải tước băng thủ quân của Terry. Quá chán ngán với câu chuyện nội bộ, Fabio Capello từ chức HLV trưởng đội tuyển Anh ngay trước thềm Euro 2012.
Ngay trong chuyên môn thuần túy, Terry cũng là đề tài bàn tán. Anh đá hỏng quả 11 mét quyết định ở Moscow, khiến Chelsea để mất chức vô địch Champions League 2008 về tay Man Utd, ngay trên "sân nhà" của Roman Abramovich. Cú trượt chân trong đêm mưa Moscow ấy là ký ức ám ảnh nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Terry.
John Terry đá hỏng trong loạt luân lưu ở trận chung kết Champions League 2008 mà Chelsea bại trận trước Man Utd.
Năm 2012, Chelsea rốt cục cũng giúp Abramovich toại nguyện với chiếc Cup danh giá đó. Nhưng trong trận chung kết Champions League năm ấy, Terry không đá vì án treo giò. Vậy mà trước khi Didier Drogba chuẩn bị đá quả luân lưu cuối, Terry đã mặc sẵn đồng phục thi đấu của Chelsea, thậm chí còn mang cả... ống đồng bảo vệ chân. Anh chỉ chờ Drogba sút thành công quả đá 11 mét lịch sử là lao vào sân thể hiện sự vui mừng.
Hình ảnh ấy khiến Terry trở thành đề tài chế giễu của cư dân mạng suốt một thời gian dài. Họ ghép ảnh Terry đang "vui mừng như đúng rồi" vào ảnh đám cưới Hoàng gia, ảnh Neil Armstrong trên mặt trăng, ảnh bắt Bin Laden, ảnh chụp tranh vẽ bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus (anh ngồi chỗ... của Chúa), ảnh bức tường Berlin sắp sửa bị giật đổ, ảnh đoàn xe tăng ở Thiên An Môn, và cả chức vô địch World Cup 1966 của người Anh (thế chỗ... thủ quân Bobby Moore).
Terry bị chế giễu vì vui mừng như đúng rồi, dù không đá trận chung kết Champions League mà Chelsea thắng Bayern và vô địch năm 2012.
Terry luôn muốn anh phải là trung tâm của Chelsea. Trong cuốn hồi ký của Claude Makelele, tiền vệ người Pháp cáo buộc chính Terry là người đứng sau vụ sa thải Jose Mourinho. Theo Makelele, Terry đã tạo ra thứ gọi là "quyền lực đen" trong đội bóng. Trong những năm cuối, Terry luôn đẩy CLB vào tình huống khó xử quanh việc gia hạn hợp đồng với anh. Phải đến khi Antonio Conte đến đây, chấp nhận đánh cược để cho Terry ngồi dự bị, nhưng vẫn tận dụng khả năng lãnh đạo của anh trong phòng thay quần áo, mọi thứ mới thay đổi. Và khi biết anh không thể xoay chuyển tình hình, Terry mới công bố quyết định ra đi vào cuối mùa bóng vừa qua.
Nhưng sau khi bỏ qua những tranh luận ấy, Terry vẫn sẽ ra đi trong tư thế một biểu tượng của Chelsea. Vì với CĐV The Blues, điều quan trọng nhất là Terry là biểu tượng cho một sự vượt thoát về mặt đẳng cấp. Hành trình vươn lên của Chelsea cũng là hành trình vươn lên của cả đội bóng. Terry, với tài năng, đẳng cấp và sự lãnh đạo tuyệt vời, trở thành hạt nhân của đội bóng trong cuộc chuyển giao dưới thời Roman Abramovich.
Mang tấm băng thủ quân của Chelsea là thành tựu tự hào nhất sự nghiệp. Tôi luôn muốn đền đáp lại niềm tin của mọi người với sự quyết tâm và lòng trong thành suốt bao nhiêu năm qua.
John Terry
Và cuộc chia tay của Terry cũng khép lại một thời đại đáng nhớ của bóng đá Anh, khi đồng tiền vẫn còn chưa biến cầu thủ trẻ thành những triệu phú sau một vài trận, và văn hóa huynh trưởng trong đội bóng vẫn còn là một môi trường tuyệt vời để trui rèn những cầu thủ trẻ, từ đó sàng lọc ra những người lãnh đạo bẩm sinh như John Terry.
Thần tượng của Terry chính là Dennis Wise, người mà anh đã kế thừa tấm băng thủ quân để tiếp tục đưa Chelsea lên một tầm cao mới. Giữa hai thủ quân của hai thời đại khác nhau này là một mối nối lịch sử. Wise là người nâng cao chiếc Cup FA trong trận đấu cuối cùng của sân Wembley cũ trước khi đưa vào tu sửa (năm 2000). Và Terry chính là người nâng chiếc Cup FA trong trận chung kết đầu tiên tổ chức tại sân Wembley mới (năm 2007). Nếu Wise là thủ quân giúp Chelsea chạm tay vào danh hiệu đầu tiên sau 27 năm thì Terry là thủ quân mang về danh hiệu Ngoại hạng Anh đầu tiên sau tròn nửa thế kỷ.
Terry là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, nhưng khi mới lên đội một, anh vẫn cực kỳ cung kính với các đàn anh. Dù đã chính thức ra mắt đội một Chelsea vào tháng 10/1998 (vào sân thay Dan Petrescu trong bốn phút cuối trận gặp Aston Villa), cậu nhóc 17 tuổi vẫn vui vẻ làm chân culi sai vặt cho các đàn anh, từ việc pha cà phê, rót nước, lau giày, gấp đồ cho đến... ủ ấm bệ xí cho đàn anh đi vệ sinh vào những ngày lạnh giá.
"Đấy là một kỷ nguyên hoàn toàn khác", David Lee, người cùng với Dennis Wise và Eddie Newton là ba cầu thủ thường xuyên được Terry phục vụ, nhớ lại. "Khi trời lạnh, chúng tôi chỉ cần bảo Terry vào trong lấy ra cho mình cái áo khoác, cái mũ hay cái khăn. Cậu nhóc tuân lời với thái độ rất lễ phép".
Terry đi thu dọn đồ bẩn cho các đàn anh như Zola, Wise... sau mỗi trận đấu.
Thế là ba cầu thủ đàn anh bên cạnh việc truyền nghề còn cho Terry ít tiền. Wise là người sộp nhất. Thủ quân của Chelsea khi ấy còn hứa cho Terry 25 bảng (khoảng gần 30 đôla) cho mỗi bàn thắng Wise ghi được. Terry nhớ lại: "Tôi lau giày của Dennis kỹ nhất. Tôi lấy Vaseline chà cho nó thật bóng và thật đẹp. 25 bảng là phân nửa lương cả tuần của tôi vào thời điểm ấy, nên rất lớn. Tôi cứ vừa lau giày vừa hy vọng Wise có thể dùng đôi giày này để ghi bàn, từ một quả sút xa hay một quả phạt đền gì cũng được".
Terry lễ phép, nhưng luôn biết rõ giá trị của mình. Anh vào bóng không biết e ngại là gì dù phải chạm trán với những đàn anh giàu kinh nghiệm hơn. Jimmy Floyd Hasselbaink nhớ lại trong lúc trả lời phỏng vấn cho Telegraph: "Tôi nhìn thấy tiềm năng của John Terry ngay trong buổi tập đầu tiên cùng Chelsea (năm 2000). Vì trên sân, chỉ có mình cậu ấy dám đá tôi".
Nếu tôi có một cơ may nào đó đoạt được quả bóng, tôi sẽ làm mọi cách để đoạt nó, dù bằng đầu, ngực hay bất cứ bộ phận nào. Và nếu nó giúp chúng tôi thoát một bàn thua hoặc ghi được một bàn, tôi sẽ không bao giờ suy nghĩ đến hai lần.
John Terry
Hasselbaink từng tức giận vì những pha vào bóng quá quyết liệt của Terry. Dan Peterscu thậm chí còn từng bóp cổ Terry ngay trên sân tập để hạ nhiệt chú ngựa non háu đá. Những lúc ấy, Wise luôn ra mặt. "Đừng có động đến thằng nhóc", Wise nói với các cầu thủ nước ngoài đang tức giận. Sau khi ra mặt bênh vực đàn em, Wise quay sang, nửa đùa nửa thật với Terry: "Đá nhiệt thế, tính lấy băng thủ quân của anh mày chắc". Terry kể lại trong một bài phỏng vấn cho The Times: "Sau này, tôi và Dan khi gặp nhau vẫn nói về chuyện ấy. Và chúng tôi cùng phá ra cười".
Không một ai nỗ lực và khao khát thành công hơn Terry. Đấy là lý do vào những lúc ngỡ như anh đã mất vị trí chính thức, Terry vẫn có cách giành lại. Chỉ có những HLV cho anh ngồi dự bị mới mất việc (Villas-Boas, Rafael Benitez), còn anh thì vẫn là hạt nhân của hàng thủ.
Terry là tài năng trẻ gần nhất của Chelsea đi lên từ học viện rồi trở thành trụ cột ở đội hình chính.
Và không ai có thể nói Terry giành được vị trí chỉ nhờ vào quyền lực trong phòng thay quần áo. Bởi ở Chelsea, ai cũng biết Terry là tấm gương về tập luyện và thích nghi với hoàn cảnh. Năm 2001, Terry từng được các thống kê chỉ ra là cầu thủ chuyền bóng chính xác thứ ba ở châu Âu. Anh góp phần hỗ trợ hàng tiền vệ để tạo nhịp thi đấu cho các đồng đội.
Trong mùa giải gần nhất mà Chelsea vô địch với Terry còn là trụ cột (2014-2015), anh đá không thiếu trận nào và chỉ phạm lỗi 13 lần. Trung vệ này xoạc bóng chỉ hơn một lần mỗi trận. Kinh nghiệm trận mạc dày dạn khiến cho Terry chơi bóng khôn ngoan và điềm đạm hơn, thay vì sa đà vào những cuộc đấu sức.
Mario Melchiot, cựu hậu vệ Chelsea (1999-2004), viết trên blog cá nhân:
"Khi trời rét căm căm, ai cũng phải phủ kín từ đầu đến chân với bộ đồ tập dài, găng tay và mũ trùm, John Terry vẫn mặc áo cộc tay mà tập. Cuối buổi, ai cũng muốn vào trong cho ấm, chỉ có John đến hỏi tôi: 'Anh giúp em tạt cánh với, em muốn tập thêm mấy bài đánh đầu phá bóng. Nếu còn thời gian thì chuyển sang bài tấn công'. Ban đầu, tôi thật sự nghĩ thằng nhóc này bị điên. Nhưng tất cả buổi tập còn lại trong suốt mùa đông đều như thế: quần soóc, áo cộc tay và lúc nào cũng chỉ muốn tập thêm.
Rồi đến ngày kia, John bị chấn thương cổ sau một vài cú đánh đầu sai tư thế. Có vẻ rất đau vì tôi thấy cậu ta khóc trong lúc được chăm sóc ở phòng y tế. Vậy mà sang hôm sau, vẫn lại là John đến nhờ tôi tạt cánh cho cậu ấy tập. Lần này, Claudio Ranieri phải ra mặt. Ông ấy nói với Terry: "Lần sau cậu còn vào sân mà không mặc áo tập dày, tôi sẽ phạt cậu". Đấy là lúc tôi biết người kế nhiệm tấm băng thủ quân của Dennis Wise chỉ có thể là John Terry mà thôi".
Terry ra mắt ở đội một Chelsea khi vào thay Dan Petrescu trong trận tiếp Aston Villa ngày 28/10/1998.
Terry còn kế thừa phẩm chất thủ lĩnh từ một người đàn anh khác: Gianfranco Zola. Khi đến đầu quân cho Stamford Bridge, Zola đã 30 tuổi và có 12 năm thi đấu chuyên nghiệp. Ngay lập tức anh trở thành một tấm gương, một thần tượng cho các cầu thủ trẻ của Chelsea. Và trong số những cầu thủ trẻ ấy, Zola "chấm" nhất là Terry, vì ông nhìn thấy ở cậu nhóc này tinh thần cầu tiến vượt xa những người cùng trang lứa.
Và thế là từ các pha đá phạt, những tình huống một chọi một, những lời khuyên về dinh dưỡng và cả việc tri ân người hâm mộ, Zola đều tận tình chỉ bảo cho Terry. Từng bước một, trung vệ trẻ người Anh vươn lên thành một cầu thủ hàng đầu, và một thủ lĩnh. Và vì nhận được sự bảo bọc của Dennis Wise và sự tận tình truyền nghề của Zola, Terry luôn dành rất nhiều thời gian cho những cầu thủ trẻ sau này.
Zola (phải) và Wise là hai đàn anh gây ảnh hưởng lớn nhất đến tính cách và phong cách lãnh đạo của Terry ở Chelsea.
Tammy Abraham, cầu thủ trẻ của Chelsea đang chơi ở Bristol City theo diện cho mượn, tiết lộ anh rất xúc động trước sự quan tâm của Terry. Chelsea là CLB có đến trên 30 cầu thủ đang đá cho các CLB khác theo dạng cho mượn. Nhưng theo Abraham tiết lộ, Terry gọi và nhắn tin cho từng người sau mỗi cuối tuần, hỏi han họ thi đấu có thành công không và cho vài lời khuyên.
Terry lãnh đạo CLB cả trong lẫn ngoài sân cỏ, ngay từ khi ra mắt đội một. Anh ấy tạo ra quy chuẩn cho mọi người, để hết mình trên sân tập và chiến đấu đến cùng trong mọi trận đấu.
Frank Lampard
Terry dành rất nhiều thời gian tại sân tập Coham để tập cùng và coi sóc các cầu thủ trẻ. Đấy không phải là việc CLB yêu cầu, nhưng Terry luôn xem Chelsea như là mái nhà của anh. Và Terry cảm thấy anh phải có trách nhiệm với mái nhà ấy.
Và Terry cũng có trách nhiệm với các CĐV, đúng với lời khuyên mà Zola dành cho anh ngày trước: "CĐV bỏ thời gian đến ủng hộ chúng ta, hãy luôn dành chút thời gian cho họ". Dù là cầu thủ lớn tuổi nhất ở Chelsea, Terry luôn tỏ ra năng động hơn hầu hết các đồng đội trẻ trên mạng xã hội. Anh trả lời từng câu hỏi của các CĐV với sự nhiệt tình. Terry là cầu thủ duy nhất mang CĐV về nhà, thông qua Instagram.
Tất cả điều đó biến Terry thành một tượng đài ở Chelsea. Dù mất vị trí dưới thời Conte, anh vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn phòng thay quần áo, giúp các cầu thủ trẻ tự tin hơn khi lên đội một. Thế nên khi báo chí bàn về việc trở thành "người thay thế John Terry", Gary Cahill lập tức chối ngay, cứ như sợ... phạm thượng. "Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc sẽ thay thế Terry, dù chỉ một phút nào. Terry là thủ lĩnh bất khả xâm phạm. Và dù có bao nhiêu cầu thủ tới đây đi nữa, họ cũng sẽ không bao giờ làm được những gì Terry đã làm ở đây".
Cahill có được tin tưởng, đề cao đến mấy, cũng không dám tự nhận đã chạm đến tầm vóc thủ lĩnh vốn thuộc về Terry.
40 - Terry đã ghi nhiều bàn hơn bất kỳ hậu vệ nào trong lịch sử Ngoại hạng Anh (David Unsworth xếp thứ nhì, 38 bàn).
488 - Ở Ngoại hạng Anh, John Terry giữ kỷ lục khoác áo Chelsea nhiều nhất (người xếp thứ nhì là Frank Lampard, 429).
578 - Số lần Terry vào sân với băng thủ quân trên tay. Một kỷ lục.
713 - Số lần khoác áo Chelsea trên mọi đấu trường, kể từ trận đầu tiên vào năm 1998.
307 - Chỉ có Ryan Giggs (407), Lampard (349) và Paul Scholes 321) là thắng nhiều trận đấu Ngoại hạng Anh hơn Terry.
109 - Trong các cầu thủ Anh, chỉ Scholes (124) là chơi nhiều trận Champions League hơn Terry (109).
78 - Số lần khoác áo đội tuyển Anh. Chỉ một lần trong số này là vào sân thay người. Anh thắng 50 trận (tỷ lệ 64%).
38 - Terry góp mặt trong tất cả trận đấu của Chelsea trong mùa bóng gần nhất trước mùa vừa qua mà họ vô địch Ngoại hạng Anh (2014-15). Chelsea chỉ thua có ba trận mùa ấy.
Hoài Thương tổng hợp