Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ họp với các giám đốc ngành công nghiệp quốc phòng từ các nước đồng minh vào cuối tháng này để lên kế hoạch hỗ trợ Ukraine về dài hạn và bù đắp kho dự trữ vũ khí đang hao hụt. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm vũ khí Bill LaPlante cho biết cuộc họp sẽ diễn ra tại Brussels, Bỉ, ngày 28/9.
Mục tiêu cuộc họp là xác định "chúng tôi có thể tiếp tục phối hợp cùng nhau thế nào để tăng cường sản xuất khí tài quan trọng, giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng và tăng khả năng tương tác, thay thế lẫn nhau", ông LaPlante trả lời báo giới tại Lầu Năm Góc hôm 9/9.
Lầu Năm Góc đã cung cấp khoảng 800.000 viên đạn pháo 155 mm cho Ukraine, trong khi Mỹ chỉ có một nhà máy sản xuất của General Dynamics ở Scranton, bang Pennsylvania, với sản lượng 14.000 viên đạn/tháng.
"Chúng tôi dự định nâng sản lượng tại nhà máy lên 36.000 viên/tháng trong vòng ba năm", ông LaPlante nói thêm.
Tuy nhiên, với sản lượng này, số đạn pháo Mỹ sản xuất mỗi năm chỉ đủ cung cấp cho Ukraine trong khoảng 6 tháng. Do đó, Lầu Năm Góc muốn các đồng minh cũng tăng cường sản xuất để giúp bù đắp vào kho vũ khí.
Quân đội Mỹ gần đây công bố loạt hợp đồng mới với các công ty quốc phòng cả trong và ngoài nước để sản xuất 250.000 viên đạn pháo 155 mm, tên lửa phòng không vác vai Stinger, tên lửa chống tăng Javelin cùng các hệ thống vũ khí, đạn dược khác.
Vũ khí của các thành viên NATO không giống nhau hoàn toàn, nhưng chúng có sự tương thích. Do đó, đạn pháo do một quốc gia trong NATO sản xuất có thể được một nước khác trong liên minh sử dụng.
Khi xung đột nổ ra cuối tháng 2, quân đội Ukraine sử dụng chủ yếu vũ khí và đạn dược theo chuẩn Liên Xô, nhưng nhanh chóng cạn kiệt, đặc biệt là pháo và tên lửa. Kiev sau đó phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh phương Tây với vũ khí theo chuẩn NATO.
Điều này đồng nghĩa các đồng minh NATO phải rút lượng lớn đạn trong kho dự trữ chiến lược để cung cấp cho Ukraine. Việc bổ sung nguồn dự trữ đó có vai trò rất quan trọng với chiến lược phòng thủ của các nước.
Hồi tháng 7, Liên minh châu Âu (EU) thông báo chi 500 triệu USD để mua khí tài trong hai năm tới, bù đắp cho lượng đã chuyển tới Ukraine, trong đó ưu tiên các hệ thống tên lửa chống tăng, phòng không và đạn pháo 155 mm.
Như Tâm (Theo AFP)