"Chính phủ Hungary tiếp tục ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Nga bằng nhiều biện pháp kinh tế khác nhau", Đại sứ Mỹ tại Hungary David Pressman phát biểu ngày 12/4, bày tỏ nỗi bất bình với chính quyền Thủ tướng Viktor Orban.
Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày thông báo áp lệnh trừng phạt Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) cùng ba giám đốc, cáo buộc ngân hàng đặt trụ sở ở thủ đô Budapest này có liên kết với Nga. Lệnh trừng phạt đánh dấu mức lao dốc mới trong quan hệ giữa Hungary với các đối tác phương Tây.
Giới quan sát cho rằng lệnh trừng phạt này là "phát súng cảnh báo" nhằm ngăn Hungary, quốc gia thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), xoay trục nhiều hơn về phía Nga và Trung Quốc. "Với lệnh trừng phạt, Mỹ đang cho thấy chúng tôi sẽ hành động để đáp trả các lựa chọn của Hungary", Đại sứ Pressman nói.
Thủ tướng Orban nhiều năm qua đã liên tục chống lại cái mà ông gọi là "sự áp đặt" từ Washington và Brussels đối với chính sách của Hungary. Lập trường của ông là một trong những lý do quan trọng khiến EU đóng băng hàng tỷ USD viện trợ cho Budapest nhằm gây áp lực.
Bất chấp sức ép từ phương Tây, ông Orban vẫn từ chối thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Khi căng thẳng leo thang, ông cùng với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục ngăn cản nỗ lực kết nạp thành viên mới của NATO.
Budapest cho biết họ từ chối phê duyệt Thụy Điển gia nhập NATO vì nước này đã "lan truyền những lời dối trá" về Hungary. Phát ngôn viên của Thủ tướng Hungary Zoltan Kovacs cũng cho biết giới chức Thụy Điển đã kêu gọi EU ngừng tài trợ cho Budapest để "gây áp lực buộc chính phủ Hungary phải phục tùng".
Tuy nhiên, Daniel Hegedus, nhà nghiên cứu tại Quỹ German Marshall ở Mỹ, nói rằng Hungary có một số lý do khác khi trì hoãn phê duyệt Thụy Điển. Thủ tướng Orban hy vọng cho các đối tác EU thấy những lời chỉ trích của họ với Hungary sẽ gây ra hậu quả về chính trị, cũng như coi đây là quân bài mặc cả để thuyết phục EU giải ngân quỹ viện trợ cho Budapest.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng ông Orban cũng duy trì niềm tin rằng sức mạnh phương Tây đang suy yếu. Trong khi Hungary cần EU và NATO để đảm bảo chủ quyền, ông Orban lại coi những cường quốc như Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là tương lai, theo chuyên gia Hegedus.
"Đây là khoản đầu tư dài hạn", ông nói. "Bằng những động thái can thiệp nhỏ vào chính sách của của EU và NATO, ông ấy đang tạo ra lợi ích chiến lược cho Nga. Ông ấy cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng Hungary là một đối tác đáng tin cậy, sẵn sàng 'chịu đòn' để hỗ trợ Ankara".
Kể từ khi Thủ tướng Orban lên nắm quyền năm 2010, các nước phương Tây đã nhiều lần bỏ qua những động thái gây cản trở của ông, theo Hegedus. Họ có thể tin rằng Budapest là một đối tác trung thành, hoặc vì EU và NATO có ít công cụ hữu hiệu để kiềm chế Orban.
EU và Mỹ từ lâu đã hối thúc Hungary tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách tư pháp để nhận các khoản viện trợ của EU. Họ thể hiện sự kiên nhẫn khi cho rằng Thủ tướng Orban chỉ đang hành động vì mục tiêu chính trị trong nước và ông vẫn tuân theo các chính sách quan trọng của liên minh.
Tuy nhiên, sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine cuối tháng 2/2022, họ bắt đầu coi Hungary là một "đồng minh nhiều rắc rối" và tự hỏi lòng trung thành của Thủ tướng Orban đang đặt ở đâu.
Khi EU tung ra loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào lĩnh vực năng lượng Nga, Hungary đã yêu cầu được cấp quyền miễn trừ. Budapest đã tận dụng triệt để quyền miễn trừ này và ngày 11/4 ký thỏa thuận mới về khí đốt với Nga, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước.
Sự phản đối của Hungary tại EU cũng khiến các khoản viện trợ tài chính khẩn cấp của khối cho Ukraine bị trì hoãn. Thủ tướng Orban còn từ chối cho phép các nước chuyển vũ khí cho Kiev qua lãnh thổ Hungary.
Hungary, quốc gia thành viên Tòa Hình sự Quốc tế (ICC), ngày 23/3 tuyên bố sẽ không bắt Tổng thống Nga Putin nếu ông đến thăm và cho rằng lệnh của tòa "không có cơ sở pháp lý".
Trong bối cảnh đó, việc Budapest lần lữa không phê duyệt đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển đã làm dấy lên lo ngại về quan điểm của họ với liên minh, khiến căng thẳng nội bộ leo thang.
"Các đồng minh phương Tây ngày càng ít tin tưởng chúng tôi hơn. Chính phủ đã tự cô lập mình trong liên minh xuyên Đại Tây Dương", Istvan Ujhelyi, nghị sĩ đảng Xã hội đối lập ở Hungary, nói.
Chuyên gia Hegedus cảnh báo khi chiến sự Ukraine kéo dài, Budapest có thể phạm sai lầm với tính toán của mình.
"Các thành viên EU đã phớt lờ quan điểm của Hungary về lệnh bắt ông Putin, nhưng sức ép với Budapest giờ đây đang tăng lên đáng kể, cho thấy nỗ lực buộc các đối tác phương Tây phải nhượng bộ của Thủ tướng Orban không hiệu quả", ông nói.
NATO cũng bắt đầu tỏ ra không quan tâm đến những động thái cản trở của Hungary. Trong 5 năm qua, ông Orban đã ngăn NATO tổ chức họp cấp cao với đại diện Ukraine, với lý do Kiev đối xử bất công với những người thiểu số Hungary ở nước láng giềng. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, liên minh đã triệu tập hội nghị Ủy ban NATO - Ukraine, bất chấp sự phản đối của Hungary.
Lệnh trừng phạt ngân hàng IIB được coi là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy phương Tây đang có cái nhìn khác về Hungary. Mỹ cũng có thể đang chuẩn bị các biện pháp tiếp theo nhắm vào chính phủ của Thủ tướng Orban.
Một nguồn tin liên quan tới các cơ quan an ninh Mỹ chia sẻ Washington đã thảo luận trong vài tháng qua về nhắm mục tiêu vào các thành viên nội các Hungary theo Đạo luật Magnitsky, một dạng trừng phạt với những người bị cáo buộc vi phạm nhân quyền hoặc liên quan tới tham nhũng.
"Đây là tín hiệu ngoại giao nhỏ nhưng quan trọng gửi tới Hungary rằng sự kiên nhẫn của Mỹ có giới hạn đối với các chính sách khác biệt của đối tác này. Trong các trường hợp quan trọng, họ không thích bất kỳ ai thách thức các vấn đề an ninh của họ", Attila Mesterhazy, cựu chủ tịch Hội đồng Nghị viện NATO, nói.
Áp lực ngày càng tăng từ phương Tây đã khiến Thủ tướng Orban phải hành động. Chỉ một ngày sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố, Hungary thông báo sẽ rút khỏi ngân hàng IIB.
"Họ đã hiểu được thông điệp", Mesterhazy nói.
Nhiều nhà quan sát cũng dự đoán rằng Budapest sẽ sớm phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến làm vậy sau cuộc bầu cử vào tháng 5 và Hungary sẽ khó có thể đi một mình trong vấn đề quan trọng này. "Làm như vậy không khác gì tự sát trong chính sách đối ngoại", Hegedus nói.
Tuy nhiên, cho tới lúc đó, ông Orban nhiều khả năng sẽ tiếp tục thể hiện lập trường xích lại gần các đối tác ở Ankara, Moskva và Bắc Kinh, cũng như thuyết phục cử tri trong nước rằng ông là lãnh đạo mạnh mẽ, sẵn sàng đứng lên vì đất nước chống lại các cường quốc lớn nhất thế giới.
Sau đó, Thủ tướng Hungary sẽ chờ đợi cơ hội tiếp theo để tạo đòn bẩy với quyền phủ quyết của ông ở EU và NATO. "Khi vấp bức tường lớn, ông ấy sẽ lùi bước, nhưng sau đó sẽ bắt đầu lại", chuyên gia Mesterhazy nói.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)