Hungary, một thành viên Liên minh châu Âu (EU), được coi là đồng minh của Ukraine trong xung đột với Nga. Budapet tuyên bố ủng hộ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Kiev, đồng thời cung cấp một số khoản hỗ trợ tài chính song phương cho Ukraine.
Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài hơn 10 tháng, Hungary dưới chính quyền Thủ tướng Viktor Orban lại có quan hệ ngày càng căng thẳng với Ukraine, quốc gia có chung biên giới dài hơn 136 km. Ông Orban không lên án chiến dịch quân sự của Nga, liên tục cản trở các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) với Moskva và nhấn mạnh rằng cần thúc ép Kiev tiến hành đàm phán hòa bình.
Dù là thành viên NATO, Hungary vẫn từ chối cho phép vũ khí phương Tây được chuyển vào Ukraine qua lãnh thổ nước này. Thủ tướng Orban được coi là mắt xích yếu nhất trong mặt trận phương Tây nhằm duy trì ủng hộ với Ukraine.
Andras Racz, chuyên gia về Hungary và Nga tại Hội đồng Đối ngoại Đức, cho biết lý do rất đơn giản: Hungary, quốc gia không giáp biển, phụ thuộc vào nguồn dầu khí giá rẻ của Nga, cho phép chính phủ ông Orban giữ được giá năng lượng thấp và nhận được ủng hộ của người dân.
"Những động thái của Thủ tướng Orban kể từ tháng 2 chủ yếu được thúc đẩy bởi tính toán chính trị trong nước", Racz nói. "Nói đơn giản là họ không muốn chọc tức người Nga để bị cắt dòng dầu và khí đốt, bởi điều đó sẽ gây thảm họa kinh tế với Hungary".
Khi xung đột Ukraine leo thang, ông Orban và Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày càng lạnh nhạt và công khai chỉ trích nhau. Ông Zelensky cáo buộc lãnh đạo Hungary thờ ơ trước đau khổ của người dân Ukraine, nhưng ông Orban phủ nhận.
Hồi tháng 3, một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, căng thẳng nổ ra khi ông Zelensky chỉ trích Thủ tướng Orban chần chừ áp lệnh trừng phạt Moskva.
Trong video gửi tới lãnh đạo EU khi đó, ông Zelenky nói "Thủ tướng Viktor, ông có biết chuyện gì đang xảy ra ở Mariupol không? Ông định tiếp tục chần chừ áp lệnh trừng phạt hay sao? Không có thời gian để do dự. Đã đến lúc phải quyết định rồi".
Thủ tướng Orban khi đó đang đối mặt với cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 và ông tranh cử với khẩu hiệu không can thiệp vào xung đột Ukraine. Sau khi giành chiến thắng áp đảo và tái đắc cử, ông Orban đã gọi Tổng thống Zelensky là "đối thủ", cùng với "giới quan liêu Brussels".
Hồi tháng 11, Tổng thống Hungary Katalin Novak, thành viên trong đảng Fidesz của ông Orban, tới thăm Kiev và thể hiện ủng hộ nước láng giềng. Nhưng tháng này, Hungary chặn khoản vay khẩn cấp 19 triệu USD của EU cho Kiev. Budapest cũng ngăn EU từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ Nga.
Trên Twitter, ông Orban tuyên bố thông tin cho rằng ông không muốn giúp Ukraine là "giả" và chỉ muốn các khoản hỗ trợ tài chính cho Kiev được chuyển theo hình thức song phương, không phải bởi EU.
Trong cuộc họp báo cuối năm ngày 21/12, Thủ tướng Orban cho rằng "hầu hết châu Âu" đã bị kéo vào cuộc xung đột Ukraine và nhắc lại lời kêu gọi Kiev đàm phán với Nga. "Đó không phải là cuộc chiến của chúng tôi", ông nói, cho rằng các quốc gia châu Âu chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã đạt tới giới hạn hoặc chịu gánh nặng hỗ trợ tài chính quá lớn.
Trong giai đoạn đầu xung đột, Hungary đã tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn Ukraine. Tuy nhiên, Thủ tướng Orban đang làm dấy lên nghi ngờ rằng ông có thể muốn giành lại vùng đất ở Ukraine được cho là từng thuộc về Vương quốc Hungary trước năm 1920, bao gồm các phần lãnh thổ của Ukraine, Romania, Croatia, Slovakia, Serbia và Áo ngày nay.
Tháng trước, Thủ tướng Viktor Orban chụp ảnh tại một trận bóng đá, đeo khăn quàng cổ in bản đồ lịch sử của Vương quốc Hungary. Giới chức Ukraine đã triệu đại sứ Hungary ở Kiev để yêu cầu giải thích và phàn nàn rằng hành động của ông Orban "không giúp phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp".
Vương quốc Hungary đã mất gần 2/3 lãnh thổ sau Thế chiến I và chấm dứt sự tồn tại sau Thế chiến II. Hiện tại, hơn 2 triệu người Hungary sống ở nước ngoài. Khoảng 130.000 người trong đó định cư tại Ukraine, chủ yếu ở Zakarpattia, vùng nông thôn nghèo ở phía tây dãy núi Karpat, từng thuộc Hungary.
Họ là một nhóm thiểu số trong 1,3 triệu cư dân của Zakarpattia, nhưng khu vực này đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Kiev và Budapest.
Trong khi chính quyền ông Orban đề cao chính sách bảo vệ và hỗ trợ các cộng đồng người Hungary ở nước ngoài, trong đó có vùng Zakarpattia, khoảng 40% người Ukraine xem Hungary là "quốc gia thù địch", đứng thứ ba sau Nga và Belarus, theo khảo sát của Rating hồi tháng 10.
Giới chức thành phố Mukachevo ở vùng Zakarpattia, cách biên giới Hungary khoảng nửa giờ lái xe, hồi tháng 10 dỡ bức tượng lớn về loài chim ưng trong thần thoại Hungary trên đỉnh tháp tại lâu đài Palanok, nơi giới quý tộc Hungary từng sống. Đó là biểu tượng của Vương quốc Hungary ở Zakarpattia và lời nhắc nhớ về quan hệ nồng ấm một thời giữa Budapest và Kiev.
"Chỉ nên có những bức tượng của Ukraine", thị trưởng Mukachevo Andriy Baloha nói. "Zakarpattia đã, đang và mãi là đất của Ukraine. Đây là thông điệp gửi tới chính phủ Hungary".
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto gọi đây là "hành động khiêu khích không cần thiết" và triệu tập đại sứ Ukraine để phản đối.
"Họ đang xúc phạm linh hồn của mỗi người dân Hungary", Sandor Shpenik, người đứng đầu Hiệp hội Dân chủ Hungary ở Ukraine, có trụ sở tại Uzhgorod, thành phố lớn nhất ở Zakarpattia, nói.
Căng thẳng quanh động thái tháo dỡ tượng chim ưng ở Mukachevo cho thấy mối quan hệ đồng minh mong manh giữa Kiev và Budapest có thể trở nên tồi tệ vì hành động của các quan chức địa phương, hay chỉ là chiếc khăn quàng cổ của một lãnh đạo. Nó cũng nhấn mạnh thách thức của Tổng thống Zelensky trong nỗ lực duy trì thống nhất ở đất nước Ukraine đa dạng về sắc tộc, tôn giáo và chính trị, theo giới quan sát.
"Tôi thực sự lo ngại rằng nó có thể được sử dụng như một vấn đề chính trị", Dmytro Tuzhanskyi, giám đốc Viện Chiến lược Trung Âu ở Uzhgorod, nói.
Budapest cũng cấp hộ chiếu cho hơn một triệu người Hungary ở nước ngoài, được coi là nền tảng ủng hộ quan trọng của ông Orban. Nhưng việc sở hữu hai quốc tịch là bất hợp pháp ở Ukraine. Năm 2018, giới chức Ukraine đã trục xuất lãnh sự Hungary tại Zakarpattia và mở cuộc điều tra về "tội phản quốc" sau khi đoạn video quan chức này cấp hộ chiếu Hungary cho người dân ở Berehove bị rò rỉ.
Quan chức Budapest cáo buộc Kiev hạn chế quyền của người Hungary và tìm cách đồng hóa họ, khi ban hành luật hạn chế giảng dạy các ngôn ngữ khác như tiếng Nga hay Hungary trong các trường học Ukraine từ năm 2017.
Vì vấn đề này, Hungary đã chặn Ukraine tham gia các cuộc họp của ngoại trưởng NATO tại Bucharest tháng trước. Szijjarto nói trên Facebook rằng Budapest sẽ tiếp tục chặn Ukraine ở các cuộc họp như vậy "cho tới khi Ukraine trả lại quyền cho người Hungary ở Zakarpattia".
Ông Orban tuyên bố một trong những lý do ông phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine là vì lo ngại cho cuộc sống của người Hungary ở quốc gia láng giềng. Ông cho rằng người Hungary "không nên bị mắc kẹt trong xung đột giữa Ukraine và Nga".
Tại Zakarpattia, Christian Shkiryak, 30 tuổi, lại cảm thấy bị mắc kẹt vì các chính sách của ông Orban. "Tôi lớn lên và được nuôi dưỡng bởi văn hóa Hungary, nói tiếng Hungary và yêu truyền thống, lịch sử của dân tộc này", Shkiryak nói. "Nhưng tôi không có cảm tình với Hungary của Thủ tướng Orban".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)