Tại cuộc họp báo ở thủ đô Budapest hôm nay, Gergely Gulyas, Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, được hỏi rằng theo lệnh mà Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) mới ban hành, liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có bị bắt nếu ông đến Hungary hay không.
"Chúng tôi có thể dựa vào luật pháp Hungary và trên cơ sở đó, chúng tôi không thể bắt Tổng thống Nga, bởi quy chế của ICC chưa được đưa vào hệ thống pháp luật ban hành ở Hungary", Gulyas cho hay.
Ông cũng cho biết chính phủ "không đưa ra lập trường" về lệnh bắt đối với Tổng thống Putin. Theo ông, lệnh bắt ông Putin của ICC không có giá trị ràng buộc và sẽ là vi phạm hiến pháp nếu Hungary thực thi quyết định đó.
"Theo tôi, quyết định này không phải phương án tốt vì nó khiến mọi thứ leo thang, thay vì hướng tới hòa bình", Gulyas nói thêm.
Hungary ký Quy chế Rome về ICC năm 1999 và phê chuẩn năm 2001, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Viktor Orban.
ICC hôm 17/3 phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "di chuyển bất hợp pháp" trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.
Động thái này của ICC sẽ buộc 123 quốc gia thành viên bắt ông Putin và chuyển đến The Hague để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng lệnh bắt ông Putin là "quyết định chính đáng" và Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi tất cả thành viên ICC tuân thủ lệnh bắt của tòa.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann hôm 18/3 tuyên bố Đức tuân thủ lệnh của ICC và có nghĩa vụ bắt Tổng thống Nga, bàn giao cho tòa nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ Đức. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm nay cũng bày tỏ ủng hộ đối với ICC, khẳng định "không ai đứng ngoài vòng luật pháp".
Nga không phải thành viên ICC và Moskva coi lệnh bắt của tòa án là "vô hiệu". Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya nói nước này sơ tán các em nhỏ khỏi vùng chiến sự Ukraine vì lo ngại nguy hiểm có thể xảy ra và sẽ đưa các em trở về khi đủ điều kiện an toàn.
Ông Orban được nhận định là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong số 27 nước thành viên EU. Sau khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022, ông Orban từ chối chỉ trích đích danh Tổng thống Nga, cũng như không đồng ý gửi vũ khí cho Ukraine như những nước thành viên EU khác, thay vào đó kêu gọi các bên tham chiến lập tức ngừng bắn và ngồi vào đàm phán.
Huyền Lê (Theo Reuters, Bloomberg)