Đọc nhiều bài viết đòi hỏi công bằng cho phụ nữ Việt thời gian gần đây, tôi cho rằng nhiều người đang chưa hiểu đúng, có cái nhìn hơi cực đoan về khái niệm bình đẳng giới. Ở đâu thì phụ nữ cũng phải làm việc để kiếm sống, chỉ có những người chồng có khả năng làm một mình nuôi cả gia đình thì vợ mới không cần đi làm. Nên yêu cầu người phụ nữ chia sẻ gánh nặng tài chính với chồng là điều dễ hiểu. Xét về phương diện này, tôi thấy phụ nữ Việt nói chung còn đỡ "khổ" hơn phụ nữ Hàn Quốc hay Nhật Bản nhiều.
Còn nói về chuyện nội trợ, làm việc nhà, thực ra khi yêu, chúng ta thường đi ăn uống ở quán, đi chơi này nọ, nên ít khi quan tâm tới cuộc sống gia đình, phân định xem ai sẽ làm việc gì, thích làm hay có khả năng làm việc nhà hay không...? Một số cặp chọn cách sống chung, nhưng cũng đem lại hậu quả rất khác so với tưởng tượng ban đầu.
Ngoài ra, hoàn cảnh thay đổi thì hành vi của con người cũng sẽ thay đổi theo môi trường sống. Như người sống ở thành phố, gần hàng quán sẽ có xu hướng ăn ở ngoài, hay mua thức ăn chế biến sẵn về để tiết kiệm thời gian nấu nướng. Thậm chí có người còn không cần rửa chén đũa vì việc nhà ngày nay cũng có các loại máy móc hỗ trợ nhiều.
Thế nên, việc nhà ngày nay không phải thứ gì quá to tát, chuyện mâu thuẫn giữa vợ chồng chủ yếu xảy ra khi:
Thứ nhất, một bên cảm thấy không công bằng (đi làm kiếm tiền như nhau nhưng một người phải làm nhiều việc nhà hơn người kia). Điều này chứng tỏ cả hai không yêu thương, hy sinh vì nhau quá nhiều.
Thứ hai, một người phải phụ giúp việc nhà cho người kia, nhưng thấy không hợp, dẫn tới xảy ra mâu thuẫn. Ví dụ người muốn làm cách này, người muốn làm cách khác; người muốn sạch sẽ, người chấp nhận phiên phiến...
Thứ ba, một hoặc cả hai người đều lười làm việc nhà, nhưng một người vì trách nhiệm phải làm hết, nên cảm thấy không công bằng.
Thứ tư, vì không biết làm việc nhà nên thấy bất công khi mình phải lo nội trợ. Ngày nay, không chỉ nam giới mà nhiều phụ nữ cũng không biết nấu ăn, nên coi chuyện bếp núc là gánh nặng, cảm thấy khó chịu khi phải làm.
Thứ năm, một người có thu nhập rất cao, là người đem lại thu nhập chính cho gia đình, nên không muốn hoặc không có sức để làm việc nhà, dẫn tới xung đột hai bên.
>> 'Phụ nữ Việt khổ vì tiêu chuẩn kép'
Tóm lại, dù ở bất cứ trường hợp này thì cũng có thể thấy một điểm chung, đó là ngày nay mọi người có khuynh hướng sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Các bạn trẻ muốn sự công bằng, nhưng lại ít muốn bản thân hy sinh, cống hiến vô tư cho gia đình, xã hội như ngày xưa. Thế nên, càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ ly hôn vì nhiều lý do khác nhau (không chỉ vì liên quan tới phân chia việc nhà mà có khi là chuyện tiền bạc...). Một bộ phận khác ngại xung đột nên không muốn kết hôn. Đây là những thực trạng rất đáng buồn ở xã hội hiện đại.
Thực ra, không phải bây giờ mới nảy sinh câu chuyện phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ giữa hai vợ chồng. Từ xa xưa, cả nam giới lẫn nữ giới cũng đều phải đi làm để kiếm sống: đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm. Tới thời nông nghiệp thì đàn ông cày cuốc, đập lúa; đàn bà cấy mạ, làm cỏ... Nói chung, việc nội trợ hay dạy dỗ con cái cũng chỉ mất ít thời gian. Nhà nghèo chỉ nấu cơm ăn đơn giản; đâu có dọn dẹp, lau rửa gì mấy; con cái cũng sẽ tự chơi với anh chị, trẻ hàng xóm hay theo cha mẹ ra đồng. Chỉ có một vài nhà có điều kiện thì vợ mới hoàn toàn không phải đi làm, ở nhà lo nội trợ.
Thời nay, xã hội đã thay đổi nhiều, có nhiều công việc không cần sức mạnh cơ bắp nên phụ nữ có thể làm tốt. Bên cạnh đó, nhu cầu kinh tế của các gia đình cũng tăng nhiều hơn (nhà cửa, xe cộ, các thiết bị, đồ ăn, quần áo, học hành, y tế...) thế nên cả hai giới đều phải bỏ ra nhiều thời gian hơn để làm việc kiếm tiền.
Quan niệm phụ nữ làm việc nhà chủ yếu thừa hưởng từ cách sống trước đây. Nhiều phụ nữ bây giờ đâu muốn làm hay đâu biết làm việc nhà, thậm chí họ còn không muốn sinh con, đó là sự lựa chọn của mỗi người, sống sao không vi phạm pháp luật là được.
Nhưng thú thật, cũng có nhiều phụ nữ có tiêu chuẩn kép, việc nhà thì muốn chia đôi, tiền chồng làm ra cũng muốn giữ, hay khi có việc gì lấy cớ "phụ nữ phải được ưu tiên", lúc nào cũng viện cớ "vì sinh con mà mất cơ hội thăng tiến hay mất việc'.
D Hiền
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.