"Vợ chồng cái Loan con ông Phúc ở xóm mình ly hôn rồi bà có biết không?", người phụ nữ bán bánh cuốn vừa tráng bánh vừa tám chuyện với một bà hàng xóm đang đợi mua ở quê tôi - một vùng nông thôn hẻo lánh. Tôi cũng nghe phong thanh chuyện này từ mấy hôm trước, nhưng hôm nay nghe bà nói tôi mới tin là thật.
Bà bán bánh cuốn chép miệng tuôn một tràng: "Rõ khổ cho ông Phúc, con trai đi làm thợ xây, khỏe mạnh, hiền lành, không cờ bạc, rượu chè, không ăn chơi đua đòi, hết mực thương yêu vợ con, tiền làm được đâu về đưa hết cho vợ. Ấy vậy mà vợ nó vẫn cương quyết đòi ly hôn. Thời bây giờ chúng nó ly hôn dễ dàng quá, nghe nói chỉ vì chồng con bé quá hiền lành, không biết quan tâm chăm sóc đến vợ, hàng ngày chỉ biết có đi làm, tiền được bao nhiêu đem hết về cho vợ, ngày sinh nhật vợ cũng không biết mua hoa tặng, 8/3 cũng không có quà, nên vợ nó mới chán, mới bỏ. Đúng thật là chẳng ra làm sao".
Trường hợp này là cặp vợ chồng trẻ thứ năm ly hôn ở cái làng này trong thời gian ngắn. Người trẻ bây giờ có vẻ bỏ nhau dễ quá, chỉ một cái lý do ngớ ngẩn cũng đem nhau ra tòa ly hôn. Ngày xưa, thời chúng tôi, chỉ nghe đến chuyện vợ chồng nào ở trong xã ly dị đã là thứ gì đó kinh khủng, ghê gớm lắm rồi,. Nhưng bây giờ, người trẻ xem ra chuyện ly hôn chẳng là vấn đề gì quá nặng nề nữa. Có những cặp vợ chồng có với nhau được hai, ba đứa con nhưng vẫn dễ dàng ly hôn. Sau khi chia tay, họ chia luôn tài sản, chia cả con cái, rồi người vợ sẵn sàng đi lấy chồng mới.
Tình trạng ly hôn trong cái thôn nhỏ bé nơi tôi đang sinh sống nói riêng và ở nhiều nơi nói chung đang rất đáng báo động. Chỉ tính sơ sơ ở cái thôn mới hơn một trăm nóc nhà mà đã có tới 15 cặp vợ chồng đã ly hôn. Trong đó, phần nhiều là do chị em phụ nữ chủ động viết đơn ra tòa. Hay nói nôm na là "bỏ chồng".
>> Ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo các nhà phân tích, có một số nguyên nhân là khởi nguồn của nạn ly hôn thời 4.0:
Thứ nhất, phụ nữ ngày nay không còn phụ thuộc kinh tế vào người chồng, do Việt Nam đang trên con đường phát triển "công nghiệp hóa – hiện đại hóa", các nhà máy, công ty tư nhân, cũng như các doanh nghiệp nước ngoài mọc lên như nấm. Chị em phụ nữ vì thế cũng có nhiều cơ hội lựa chọn cho mình một công việc hợp lý, có thu nhập ổn định. Không giống như ngày trước phụ nữ chỉ chủ yếu làm nông nghiệp, không có công việc ổn định, không được tự chủ về tài chính. Thế nên, dù có ly hôn, phụ nữ thời nay cũng chẳng phải lo về chuyện thất nghiệp hay cơm, áo, gạo, tiền.
Thứ hai, hiện nay, một số chị em phụ nữ có tư tưởng "chỉ sống một lần, sống để hưởng thụ, không việc gì phải cam chịu". Do đó, trong cuộc sống hôn nhân, khi phải đối diện với những khó khăn, mâu thuẫn, thay vì cùng nhau tìm cách tháo gỡ, khắc phục thì cái tôi của người phụ nữ hiện đại sẵn sàng chế ngự, làm cho họ không vượt qua nổi và đi đến kết cục ly hôn.
Thứ ba, ở công ty hay nơi công sở, phụ nữ được gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp khác giới, thời gian làm việc tiếp xúc với nhau nhiều hơn người chồng ở nhà. Chỉ một sự quan tâm, chăm sóc, dẫu chỉ là một cử chỉ nhỏ, cũng làm cho chị em rất dễ cảm nắng, hay so sánh với người chồng xuề xòa của mình với các đồng nghiệp bảnh bao, tâm lý, khéo chiều chuộng.
Thứ tư, sự chênh lệch về giới tính hiện nay (nam nhiều hơn nữ) khiến tỷ lệ nam giới ế vợ tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân tạo cơ hội cho phụ nữ ly hôn dễ lấy chồng mới, mặc dù người vợ đã có hai đến ba đứa con. Do vậy, tình trạng ly hôn hiện nay phần nhiều do chị em phụ nữ là người chủ động viết đơn ra tòa án.
Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới văn minh, thịnh vượng. Hệ lụy của ly hôn là các vấn đề nảy sinh hậu ly hôn, con cái của họ bị tổn thương về tinh thần, phần đời tiếp theo của chúng sẽ phải sống trong gia đình mới với "con anh, con tôi, con của chúng ta...". Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như thế sẽ có cái nhìn không mấy tốt đẹp về hôn nhân, và một điều chắc chắn là tổn thương này sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân của chúng sau này.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.