Trong không gian Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, 45 bức tranh lụa của bốn họa sĩ: Nguyễn Thị Thiền, Tạ Hùng Việt, Đỗ Thu Hương, Hoàng Quốc Tuấn, được trưng bày từ ngày 18 đến 23/6. "Thiếu nữ Lô Lô 6" nằm trong loạt tác phẩm vẽ phụ nữ dân tộc Lô Lô ở Hà Giang của Đỗ Thu Hương. Họa sĩ sử dụng chất liệu màu nước trên lụa. "Khi đi du lịch tới vùng cao, tôi ấn tượng nhất trang phục của người dân tộc, từ hoa văn, họa tiết, màu sắc... Bây giờ, xã hội phát triển, nhiều giá trị văn hóa dần mai một nên tôi muốn lưu giữ một chút qua các tác phẩm", họa sĩ nói. "Thiếu nữ Lô Lô 7" được Đỗ Thu Hương vẽ trong hơn một tháng. Cô mất nhiều thời gian để quan sát thực tế, tìm ảnh chụp để tham khảo và chọn lọc màu sắc thể hiện lên tranh. "Vẽ lụa phải chồng rất nhiều lần, khi nào đạt hiệu quả về độ thẩm thấu, màu sắc ngấm vào từng thớ lụa, rửa không ra thì mới đạt", họa sĩ nói. Bức "Quà chợ" được Đỗ Thu Hương vẽ năm 2020, ghi lại khoảnh khắc phụ nữ vùng cao khi đi chợ phiên mua đồ. Họa sĩ cho biết dành trọn tình yêu cho lụa vì mang đến vẻ đẹp nhẹ nhàng, êm ả. Cô cũng không chú trọng phong cảnh mà đặc tả vào nhân vật. Đỗ Thu Hương sinh năm 1979, là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ từng tổ chức nhiều triển lãm cá nhân và các triển lãm nhóm trong nước, khu vực. Nguyễn Thị Thiền khắc họa hình ảnh phụ nữ dân tộc Dao Thanh Phán ở Bình Liêu, Quảng Ninh trong ngày hội kiêng gió. Họ mặc trang phục truyền thống màu đỏ, tay vẫn cầm kim, chỉ để may vá, thêu thùa. Theo tục lệ, ngày 4/4 âm lịch hàng năm, người Dao Thanh Phán ở khắp các bản làng đều ra khỏi nhà từ rất sớm và trở về khi mặt trời đã xuống núi. Họ có thể tụ tập ở bất kỳ đâu ngoài trời. Họ tin rằng thần gió sẽ vào nhà, mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem đến sự tốt lành, ấm no trong năm mới. Nguyễn Thị Thiền sinh năm 1970, tốt nghiệp khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ từng tham gia triển lãm chuyên đề tranh lụa toàn quốc năm 2007, triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005, 2010, 2015... Tạ Hùng Việt miêu tả khoảnh khắc đôi trai gái dân tộc H'Mông đang múa khèn dưới đêm trăng, trong tác phẩm "Múa khèn", kích thước 80x120 cm. Họa sĩ cho biết trên nền chất liệu lụa truyền thống, anh muốn lưu giữ những giá trị văn hóa qua hình ảnh nhạc cụ dân tộc, chàng trai và cô gái. Kỹ thuật dệt lụa kết hợp lối vẽ bay bổng, màu sắc đậm nhạt đan xen của họa sĩ khiến tác phẩm thi vị hơn. Bức "Cung nữ cùng tiếng sáo" . Họa sĩ nói: "Chất liệu lụa và màu nước khiến hình ảnh thiếu nữ trở nên trong trẻo, mềm mại. Khi ngắm tranh, tôi muốn trong đầu quan khách vang lên tiếng sáo réo rắt, sâu lắng trong một đêm trăng thơ mộng". Tạ Hùng Việt sinh năm 1975, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Họa sĩ từng góp mặt trong nhiều triển lãm do Trung tâm UNESCO Mỹ Thuật Hà Nội tổ chức. Họa sĩ Hoàng Quốc Tuấn mang đến sự khác biệt với hình ảnh phụ nữ trong các tác phẩm văn học, tích truyện dân gian. Bức "Xe hồng tan mộng" kích thước 100x80 cm, lấy cảm hứng từ bài "Cây tam cúc" của nhà thơ Hoàng Cầm, vẽ thiếu nữ cùng em bé chơi bài bên hồ sen. "Giữa hội họa và văn học có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là tính thơ mộng trong đó. Tôi chú trọng vào đôi mắt, môi để thể hiện được hồn nhân vật", họa sĩ nói. Bức "Vọng Ô Thước" thể hiện mong mỏi của nàng Chức Nữ đến ngày Thất tịch. Họa sĩ cho biết ngoài các kỹ thuật vờn, tỉa... cơ bản khi vẽ tranh lụa Việt Nam, anh đan xen phong cách của dòng tranh cổ điển Trung Quốc khi vẽ cây, chim. Hoàng Quốc Tuấn sinh năm 1990, tốt nghiệp ngành Hội họa hoành tráng của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Anh từng gia triển lãm "Xuân 2022", "Vòng lặp"... Hiểu Nhân5 họa sĩ thể hiện thế giới nội tâm qua tranh lụa Mộng và thực trong tranh trừu tượng của Trần Quang Huy Tranh về những người mê đọc sách