Triển lãm diễn ra từ ngày 4 đến 11/6 tại Art Space, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày 46 trong tổng số hàng trăm tác phẩm được họa sĩ vẽ 5 năm qua, khi chuyển từ tranh hình tượng sang trừu tượng, chất liệu sơn dầu sang acrylic. Họa sĩ nói: "Cái tên 'Mộng du' nhằm chỉ cảm giác hư hư thực thực trong tôi, hành trình nghệ thuật thực chất chỉ là những ảo ảnh đẹp đẽ cùng đau đớn trong đời nghệ sĩ. Mỗi một bức tranh gắn liền với cảm xúc ở thời điểm sáng tác. Vì vậy, lúc tôi sử dụng gam màu mạnh mẽ, tương phản, lúc lại êm dịu, nhẹ nhàng như trong những giấc mơ". Trần Quang Huy sinh năm 1961 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ từng tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế cùng nhóm Five new Faces - gồm: Trần Tuấn, Nguyễn Quốc Hội, Phạm Ngọc Minh, Đinh Quân. Họa sĩ cũng từng thực hiện triển lãm cá nhân tại phòng trưng bày Red River (1995) và Đông Sơn (1998). Bức "Không đề" được vẽ trong ba năm. Những lớp màu chồng chéo lên nhau tạo hình khối như viên đá cẩm thạch, gợi cho người xem không gian ảo ảnh. "Người xem sẽ không hiểu là thạch, đá, nước hay phiến gỗ. Vì vậy rất khó để đặt tên", anh nói. Theo Trần Quang Huy, khó miêu tả chính xác tranh trừu tượng vì đó là tổng hòa các hình khối, màu sắc và cảm xúc của người sáng tác. Khi thưởng tranh, mỗi người xem sẽ chìm vào không gian khác nhau và có cảm nhận riêng. "Dòng chảy" thể hiện cảm xúc, dịch chuyển trong tâm trí, tình cảm con người - những cái mà họ không nhìn, sờ hay kiểm soát được. Họa sĩ cho biết 5 năm qua anh phải xóa bỏ hệ tư duy sáng tác, quan niệm thẩm mỹ cũ để chuyển sang trường phái trừu tượng. Quang Huy không phác thảo, tìm ý tưởng, bố cục mà để tâm thức dẫn dắt mình theo từng vệt màu. "Mùa thu" được họa sĩ thể hiện bằng một khối màu nâu, vàng, trắng. Trần Quang Huy cho biết khi sử dụng chất liệu acrylic nhanh khô để vẽ trừu tượng, họa sĩ phải biết cách diễn đạt đúng ý tưởng, bố cục, độ nặng nhẹ, sáng tối trong tranh. "Đó là vấn đề không hề đơn giản", anh nói. Bức "Không gian" mô tả sự ngột ngạt, chật hẹp nơi phố thị. Anh Nguyễn Ngọc Hạnh (Hà Nội) - khách dự triển lãm - nhận xét các tác phẩm có màu sắc đẹp, bút pháp lạ và có chiều sâu."Có gì đó lôi cuốn tôi dừng bước lâu hơn trước các tác phẩm. Tôi đặc biệt ấn tượng với sắc màu vàng nhẹ, tạo cảm giác nền nã, dễ chịu", anh nói. Với bức "Nham thạch", họa sĩ sử dụng hai gam màu tương phản mạnh: đỏ và xanh, để thể hiện những âm ỉ, suy tư trong lòng người. "Mặt nước" lấy ý tưởng từ chuyến du lịch tới rừng đước ở miền Nam. Họa sĩ mô tả những gốc cây, nước, bùn... bằng những khối màu nâu, xanh, xám đan xen. Những ô màu đỏ khắc họa hình ảnh con cáy sống nơi đây. "Trăng non" là cảm xúc của họa sĩ trong một lần đi du lịch miền núi phía Bắc cùng gia đình. Vào đêm muộn, khi mọi người đã say giấc, Trần Quang Huy ngồi bên ngoài nhà sàn, ngắm khung cảnh núi rừng dưới ánh trăng với sắc xanh kỳ lạ. "Cảm xúc" với gam màu trắng, nâu, xanh và nhấn thêm chút vàng, thể hiện suy nghĩ chồng chất bên trong tác giả. Trần Quang Huy nói: "Người hoạt động sáng tác rất cần cảm xúc, đó là điều quan trọng quyết định bức tranh đẹp hay không". "Ánh sáng" được Trần Quang Huy bắt đầu vẽ từ năm 2020 nhưng đến đầu năm nay mới hoàn thiện. "Tranh có nhiều lớp vẽ khác nhau bởi vì tôi cứ mải nhìn vào đó, có lúc cảm thấy rất bí, đau khổ sao mãi không ra được như ý mình muốn. Trong đầu nghĩ một đằng nhưng thể hiện ra lại khác hoàn toàn, tôi lại úp xuống, khi nào có cảm hứng tôi lại vẽ tiếp", họa sĩ nói. Hiểu Nhân 5 họa sĩ triển lãm tranh về Đà Lạt Ký ức chợ Hà Nội xưa Tranh về những người mê đọc sách