Thứ sáu, 20/9/2024
Thứ bảy, 11/6/2022, 06:00 (GMT+7)

5 họa sĩ thể hiện thế giới nội tâm qua tranh lụa

Năm họa sĩ khắc họa thế giới nội tâm qua những bức tranh lụa vẽ mặt nạ, phụ nữ...

Triển lãm "Lụa" kéo dài từ ngày 7/6 đến 7/8 tại Ánh Dương Art Space ở Long Biên (Hà Nội), giới thiệu 39 tác phẩm của các họa sĩ: Nguyễn Thị Hoàng Minh, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Đình Tuấn, Lưu Chí Hiếu. Giám tuyển Dương Thu Hằng cho biết các bức tranh kế thừa kỹ thuật truyền thống, có nét mới trong cách vẽ, mang đậm hơi thở thời đại và thể hiện được đời sống tinh thần cá nhân của nghệ sĩ.

Bức "Minh 01" của Nguyễn Thị Hoàng Minh có kích thước lớn nhất triển lãm, 186x84 cm. Tranh gồm hai mặt: trước (trái) và sau, chất liệu màu nước trên lụa, mô tả hình ảnh cô gái đang đứng trước gương, đeo mặt nạ chú mèo. Họa sĩ cho biết: "Tôi sử dụng mặt nạ để không thể hiện rõ đó là ai, mà mỗi người khi nhìn vào đều có thể thấy mình trong đó. Khi vui, bạn sẽ thấy bức tranh vui, khi buồn sẽ thấy được cảm thông, chia sẻ. Bởi thế, tôi làm lụa hai lớp, căng hai mặt trên khung như một tấm gương để trưng bày", cô nói.

"Minh 06" chất liệu màu nước trên lụa, kích thước 130x82 cm, khắc họa thiếu nữ giấu mặt, cầm mặt nạ phía sau lưng. Hoàng Minh cho biết mặt nạ tượng trưng thái độ, trạng thái khác nhau của con người. "Những trăn trở, tâm tư, tình cảm của chính mình đôi khi phải giấu kín dưới mặt nạ, chỉ trưng ra những điều tốt đẹp mà thôi. Mỗi người đều có bí mật riêng", cô nói.

Bùi Tiến Tuấn dùng lụa thể hiện đề tài phụ nữ mà anh theo đuổi nhiều năm. Bức "Hơi thở nhẹ" chất liệu acrylic và màu nước, kích thước 51x126 cm, mô tả cô gái tưởng như đang ngủ nhưng thực chất suy tư về cuộc đời. Họa sĩ sử dụng lối vẽ lụa tân thời, gam trắng, xanh nhẹ nhàng với chút hồng, đen tạo điểm nhấn. "Tôi không vẽ một hình mẫu phụ nữ cụ thể, mà vẽ hình nhân của cái đẹp. Khi vẽ tranh khỏa thân, tôi muốn khám phá những khía cạnh quyến rũ, nữ tính nhất. Vì vậy, tôi đặt các hình ảnh vào trong những tư thế, không gian khác nhau", Bùi Tiến Tuấn nói.

Bức "Chạm" chất liệu acrylic và màu nước trên lụa, kích thước 52x147cm của Bùi Tiến Tuấn. Họa sĩ lựa chọn bố cục ngang để tạo không gian mở. Nhân vật trong tranh như lơ lửng, bồng bềnh. "Trên nền gam màu nhẹ, tôi mô tả các chi tiết đặc trưng của nữ giới như mắt, môi, bầu ngực, ngón tay bằng những màu nổi hơn, tạo sự khơi gợi, quyến rũ, mời gọi mọi người thưởng thức cái đẹp", anh cho biết.

Bức "Đông trùng hạ thảo 01" kích thước 77x145 cm của Nguyễn Đức Toàn, khắc họa hình ảnh con người đang mắc kẹt trong cái kén, biểu thị thế giới nội tâm của họ. Họa sĩ cho biết màu trắng ma mị trên nền không gian bàng bạc tạo sự buông lơi, vô định.

Với bức "Đông trùng hạ thảo 02" kích thước 145x81 cm, họa sĩ dùng sắc cam làm điểm nhấn nhưng vẫn trung thành với đường nét mỏng manh, tạo sự tinh tế. "Qua các tác phẩm, tôi muốn vẽ nên câu chuyện về thế giới tâm thức trong mỗi người. Chúng song hành, cân bằng cảm xúc bên trong với một thực tại ồn ào, hỗn độn bên ngoài", Nguyễn Đức Toàn nói.

Bức "Vườn Đông Phương 3" chất liệu màu nước trên lụa 78x160 cm của Vũ Đình Tuấn, mô tả mặt người bên những bông lục bình trôi. Họa sĩ cho biết dùng mặt người để thể hiện lát cắt thời gian, hình ảnh thiên nhiên hay một trạng thái cảm xúc. "Bức tranh có thể được hiểu là kiếp người lênh đênh trôi nổi, hay một phụ nữ hồng nhan bạc mệnh hoặc nhiều suy tưởng khác. Gương mặt như một ô cửa, mở ra những cảm nhận khác nhau qua con mắt người xem tranh", họa sĩ nói.

Ở bức "Vườn Đông Phương 4", Vũ Đình Tuấn khắc họa gương mặt không rõ mũi, miệng với họa tiết đồi núi trập trùng và con chuồn chuồn chính giữa.

"Ký ức hiện hữu 01" kích thước 80x120 cm - một trong loạt tác phẩm của Lưu Chí Hiếu giới thiệu tại triển lãm. Bức vẽ mô tả hình ảnh một con người lơ lửng giữa không trung, đan xen họa tiết chạm khắc đình làng màu xanh, đỏ. Họa sĩ cho biết tranh là ký ức, trăn trở của anh về truyền thống. "Với tôi, truyền thống rất quan trọng, là quá khứ nhưng cũng là tương lai. Nếu biết tìm tòi, lưu giữ, bảo tồn, chúng ta sẽ nhận được nhiều giá trị hơn", anh nói.

Lưu Chí Hiếu gửi gắm thông điệp về quyền lực qua hình ảnh quân vua trong bàn cờ được đặt chính giữa chiếc ghế trong bức "Giấc mơ ban ngày". Họa sĩ đan xen yếu tố truyền thống như: điêu khắc đình làng, cây tre... Anh nói: "Chiếc ghế là hình tượng nghệ thuật để kể câu chuyện của xã hội đương thời, đồng hiện với thiên nhiên, những lát cắt truyền thống. Qua đó, mỗi người sẽ có suy tư, cảm nhận khác nhau".

Hiểu Nhân