Bác sĩ Đoàn Thị Khánh Châm, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết thời tiết miền Bắc đang rét đậm, còn miền Nam chuyển mùa mưa lạnh ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân truyền nhiễm gây viêm phổi sinh sôi và gây bệnh. Trong đó, phụ nữ mang thai là nhóm nguy cơ cao cần chú ý phòng bệnh.
Theo bác sĩ Châm, cơ thể ức chế hệ thống miễn dịch tự nhiên để tránh thải loại, bảo vệ bào thai. Em bé đang phát triển trong tử cung cũng làm giảm dung tích phổi của phụ nữ, gây thêm căng thẳng cho phổi.
Trong khi đó, viêm phổi rất dễ xảy ra. Đa số do nhiễm trùng vi khuẩn, virus lây sang phổi, ví dụ cúm, vi khuẩn Mycoplasma, phế cầu, thủy đậu... Phụ nữ bị thiếu máu, có bệnh phổi mạn tính, suy yếu miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Khi mắc bệnh và không được điều trị kịp thời, viêm phổi ở bà mẹ có thể khiến nồng độ oxy trong cơ thể giảm, dẫn tới em bé thiếu oxy. Nhiễm trùng cũng có thể lây lan từ phổi đến các bộ phận khác của cơ thể như nhiễm trùng máu. Từ đó, thai phụ dễ sinh non hoặc sinh con cân nặng thấp, thai chết lưu...
Theo bài nghiên cứu "Viêm phổi do vi khuẩn khi mang thai" trên ScienceDirect, bệnh được cho là nguyên nhân tử vong sản khoa thường gặp thứ ba tại Mỹ. Ví dụ trong mùa cúm, tỷ lệ nhập viện ở thai phụ tăng cao do rối loạn hô hấp. Các biến chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm khuẩn huyết, tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi... thường gặp nhất ở phụ nữ mắc bệnh. Ở thai nhi, em bé thường bị sinh non hoặc nhẹ cân.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết một số tác nhân gây viêm phổi thường gặp có thể phòng ngừa từ sớm, chủ động nhờ vaccine. Ví dụ bệnh cúm, thủy đậu, phế cầu, ho gà, bạch hầu.
Trong đó, cúm ảnh hưởng đến thai nhi như tăng khả năng sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm cúm có nguy cơ cao dị tật bẩm sinh ở não, cột sống hoặc tim, hở hàm ếch, đục thủy tinh thể...
Thủy đậu gây biến chứng viêm phổi, tổn thương thần kinh. Theo thống kê, khoảng 20% mẹ bầu bị thủy đậu phát triển viêm phổi, trong đó 40% trường hợp sẽ tử vong. Người mẹ mắc thủy đậu trong 5 ngày trước sinh hoặc 2 ngày sau sinh, trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị thủy đậu bẩm sinh với tỷ lệ tử vong lên đến 30% và nhiều di chứng như dị dạng, chậm phát triển.
Phế cầu là một trong các tác nhân có tính xâm lấn cao, dễ đồng nhiễm và bội nhiễm với hầu hết các siêu vi, khiến bệnh dễ trở nặng. Mẹ bầu mắc bạch hầu có thể bị nghẹt thở do lớp giả mạc màu trắng do vi khuẩn bạch hầu tạo ra tại hầu họng. Còn ho gà gây ra các cơn ho kịch phát, kéo dài, có thể dẫn đến giảm cung cấp oxy ở phụ nữ mang thai, từ đó ảnh hưởng đến lượng oxy cung cấp cho thai nhi, làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiền sản giật.
Do đó, phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần lưu ý chủng ngừa đầy đủ để phòng bệnh tốt nhất. Trước khi mang bầu, phụ nữ nên chích ngừa đủ phác đồ hai mũi thủy đậu và một mũi phế cầu.
Mũi tiêm cúm, bạch hầu, ho gà có thể chủng ngừa trước mang thai và ở tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3 của thai kỳ. Vaccine kết hợp có thành phần uốn ván, nên chích trước khi sinh tối thiểu một tháng.
Gia đình và phụ nữ cũng nên kết hợp thêm các biện pháp phòng bệnh khác bên cạnh chủng ngừa, để giảm tối đa nguy cơ viêm phổi. Ví dụ hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại, đến nơi đông người không giữ khoảng cách như hội chợ, lễ hội... Khi tiết trời đang vào mùa rét cuối năm, thai phụ cần chú ý giữ ấm, uống đủ nước, ăn đủ các nhóm chất kết hợp vận động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh các tình huống gây căng thẳng để có thai kỳ khỏe mạnh.
Nhật Linh
9h ngày 30/12, Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn Dược phẩm Pfizer (Mỹ) tổ chức "Lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 17" theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề: "Sự nguy hiểm của viêm phổi thai kỳ và chăm sóc sau tiêm chủng" do BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ.
Lớp học diễn ra tại VNVC Quận 10, địa chỉ số 460 đường 3 Tháng 2, phường 12, quận 10, TP HCM.
Độc giả quan tâm, đăng ký tham gia tại đây.