Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam với mục tiêu tiêm 150 triệu liều vaccine, cho 70% dân số trưởng thành nhằm đạt miễn dịch chống Covid, đang vào giai đoạn gấp rút. Quá trình tiêm từ tháng 3, bắt đầu từ nhóm nhân viên y tế và những người tham gia tuyến đầu chống dịch. Đến chiều 15/6, hơn 1,6 triệu liều đã được triển khai, chiếm hơn 2% số người cần tiêm chủng.
Bộ Y tế đã đàm phán được 120 triệu liều vaccine từ các nguồn cung cấp như cơ chế Covax, các hãng sản xuất vaccine AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Sputnik.
Đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 3 triệu liều Astra Zeneca. Thêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 nữa dự kiến về Việt Nam cuối tháng này qua Covax.
Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã quan tâm phát triển vaccine, kết quả là Nanocovax hiện được thử nghiệm giai đoạn 3, nếu kết quả tốt có thể được phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Tuy nhiên hiện vẫn thiếu 30 triệu liều để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế đang cố gắng tiếp cận tất cả nguồn cung ứng đồng thời "mở tất cả các cánh cửa" để tạo điều kiện cho địa phương, doanh nghiệp chủ động mua vaccine, nhằm nhanh chóng khống chế dịch và đảm bảo phát triển kinh tế.
Quá trình tiếp cận vaccine đã diễn ra như thế nào? Các doanh nghiệp hoặc địa phương hiện nay muốn chủ động nguồn vaccine sẽ được hướng dẫn từng bước cụ thể ra sao? Tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam hiện nay có đáp ứng đủ chặn lây nhiễm? Liệu người dân có thể tiêm theo cơ chế dịch vụ, hay lần lượt chờ vaccine của chính phủ cung cấp? Các lưu ý trước và sau tiêm cho mỗi người như thế nào? Những câu hỏi và các mối quan tâm liên quan vaccine mà độc giả đặt ra sẽ được giải đáp trong phỏng vấn trực tuyến với các khách mời, gồm:
- Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế;
- Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Thời gian diễn ra phỏng vấn: 20h, thứ năm, ngày 17/6.
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho khách mời tại đây.
VnExpress