Thứ tư, 27/12/2023, 11:59 (GMT+7)

Phong trào chạy bộ - cú huých cho marathon Việt

Số lượng cũng như thành tích trong các nội dung về chạy bộ tăng vọt trong năm 2023, kéo theo những chuyển biến lớn về mặt xã hội, kinh tế và tiềm năng phát triển ở Việt Nam.

Trong năm 2023, 41 giải chạy phong trào có cự ly full marathon (FM) được tổ chức ở Việt Nam, tăng 25% so với năm ngoái. Những giải này thu hút hơn 264.000 người tham dự và diễn ra trên 27 tỉnh, thành.

Thành tích của runner cũng ngày càng cải thiện. Có hơn 29.000 lượt chạy marathon được ghi nhận hoàn thành, tăng 46% so với năm 2022, trong đó Long Biên Marathon ghi nhận con số kỷ lục 4.067 người. Số VĐV đạt sub4 cũng tăng từ 2.009 lên 4.624 (57%).

"Số lượng runner đạt sub4 marathon trong nửa cuối năm 2023 tăng khủng khiếp - gấp đôi trước đó", anh Đỗ Bình, trưởng nhóm Vietnam's Best Marathons - chuyên thống kê PR (kỷ lục thành tích cá nhân) cho các runner sub4 ở Việt Nam, cho biết. "Tốc độ phá kỷ lục cá nhân của họ cũng rất nhanh. Những giải chạy cuối năm được nhiều runner 'chấm' để giành PR do thời tiết lý tưởng. Ở VnExpress Marathon Hải Phòng, 90% VĐV từng đạt sub4 marathon đều đạt PR mới".

Phong trào chạy bộ, thực tế, đã âm ỉ từ 2017 tới 2019 với những sự kiện được tổ chức đều đặn. Tuy chưa đạt quy mô 10.000 người, cũng có giải thu hút 5.000 đến 8.000 VĐV, trong đó có nhiều VĐV nước ngoài.

Đang trên đà nở rộ, chạy bộ Việt Nam trải qua giai đoạn bị kìm nén bởi Covid-19. Giữa 2020, 12 giải chạy bị hủy hoặc hoãn, theo thống kê của iRace. Tới năm 2021 và đầu năm 2022, 28 giải chạy không thể tổ chức như lịch trình công bố trước đó.

Nhưng kể từ 30/4/2022, Việt Nam bỏ khai báo y tế nội địa, người dân không còn gặp rào cản trong việc di chuyển. Đó là phát súng báo hiệu, để phong trào chạy bộ đạp bàn xuất phát trở lại. Đến nay, các giải chạy đã trải rộng nhiều tỉnh, thành trong nước.

Người tham dự VnExpress Marathon Quy Nhơn 2020 chuẩn bị thi đấu ở vạch xuất phát. Ảnh: Ngọc Thành

Phong trào thể thao chưa từng có trước đây ở Việt Nam

Ngày 12/6, giải chạy đầu tiên có quy mô 10.000 người trong năm 2022 diễn ra tại Bình Định - VnExpress Marathon Quy Nhơn 2022. Từ đó đến hết năm, có thêm sáu giải đạt quy mô ít nhất 10.000 người.

Năm 2023, có 13 giải chạy đạt ít nhất 10.000 người tham dự, tăng 46%. Trong số này có bảy giải thuộc hệ thống VnExpress Marathon. Quy mô từng giải cũng tăng dần. Năm 2021, giải chạy lớn nhất Việt Nam có quy mô 13.000 người, năm 2022 là 12.000 người. Năm nay, quy mô tối đa đã tăng lên 15.000 người và hứa hẹn còn tăng nữa trong năm sau.

Chị Lê Thị Vân Anh, phó ban tổ chức VnExpress Marathon, nói: "Ban đầu, chính quyền địa phương tương đối dè dặt với kế hoạch đăng cai các giải chạy quy mô lớn, nhất là những tỉnh, thành chưa có kinh nghiệm. Họ ngại phản ứng từ người dân khi những tuyến đường quan trọng ở trung tâm bị phong tỏa. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch là những con số biết nói. Giải chạy với 11.000 người tham gia có thể kéo theo lượng khách du lịch gấp bốn hoặc năm lần".

Nhìn từ góc độ VĐV, chạy bộ là phương thức phổ biến nhất để người dân Việt Nam duy trì sự năng động. Đây vốn là môn cá nhân, không cần tiếp xúc bên ngoài. Tập một mình giúp VĐV cảm nhận cơ thể tốt hơn, qua đó điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp.

Hà Thị Hậu, cô hướng dẫn viên du lịch quê Lào Cai, nhân lúc công việc gián đoạn, tập chạy để giảm cân và rèn sức khỏe. Sau đó, cô trở thành hiện tượng khi vô địch bảy giải trail liên tiếp. Đến nay, Hà Hậu đã là cái tên "số má" trong làng chạy bộ - top 1 runner nữ phong trào với thành tích cá nhân tốt nhất (PR) 2 giờ 56 phút lập tại VnExpress Marathon Hồ Chí Minh Midnight vào tháng 2/2023.

Hà Thị Hậu chiến thắng cự ly marathon nữ tại VnExpress Ho Chi Minh City Midnight 2023. Ảnh: VM

Tuy là môn thể thao cá nhân, chạy bộ lại giúp người tham gia giải chạy kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Đây cũng là cách hữu hiệu để chữa lành tổn thương tâm lý. Ngoài ra, với những người thích chinh phục, thành tích chạy bộ có thể là một trong những mục tiêu cá nhân quan trọng, khiến họ không tiếc đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc.

Nhu cầu tăng dẫn đến sự ra đời các dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn kỹ thuật chạy bộ, các CLB chạy trên cả nước. Tại TP HCM, ngày càng nhiều người theo đuổi công việc HLV chạy bộ. Nhiều công ty huấn luyện mới xuất hiện, mở ra thêm cơ hội không chỉ cho VĐV chuyên nghiệp mà cả những runner nghiệp dư muốn theo đuổi chạy bộ nghiêm túc.

"Số lượng HLV chạy bộ ở TP HCM tăng nhanh trong năm qua, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Tuy kiến thức về chạy bộ có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng, những hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật chạy hay làm chủ cơ thể trong thời gian tập luyện và thi đấu không dễ tiếp cận ở Việt Nam. HLV còn là người đồng hành, động viên và đặt mục tiêu hợp lý cho runner, giúp họ đặt lịch trình chạy bộ phù hợp với khả năng và tránh chấn thương", HLV Thắng "Gao" tại TP HCM chia sẻ.

Đánh thức nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe

Phong trào chạy bộ còn phản ánh tác động của suy thoái kinh tế tới hành vi tiêu dùng. Theo nghiên cứu về xu hướng và chuyển biến hành vi của người tiêu dùng Việt Nam do NIQ thực hiện, nhu cầu chi tiền cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn khi người dân lựa chọn lối sống "lạc quan trong cẩn trọng".

Theo đó, hai nhóm người tiêu dùng "thận trọng" và "phục hồi", chiếm 70% tiêu dùng Việt Nam trong năm 2023, dành khoảng 50% khoản chi để đảm bảo tình trạng sức khỏe, công việc và lập kế hoạch cho tương lai - cũng là những giá trị chạy bộ mang lại. Họ giảm tiêu dùng những mặt hàng không cần thiết như đồ ăn vặt và đồ uống có cồn - những sản phẩm cần tránh khi tập luyện thể thao.

Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, người Việt vẫn móc hầu bao cho những đôi giày chạy, đồng hồ thể thao giá hàng triệu đồng, hay các loại sản phẩm chức năng như gel chạy bộ, nước điện giải... Theo báo cáo của hãng đồng hồ thể thao Garmin, hoạt động chạy bộ của người dùng Việt Nam tăng 86% từ 2020 đến 2022. Trong năm 2022, số người dùng dòng sản phẩm mới của hãng này tăng 35%.

Theo số liệu của Statista, doanh thu thị trường giày thể thao Việt Nam tăng từ 191,9 triệu USD năm 2021 lên 257,7 triệu USD năm 2022 (30%). Tới năm 2023, con số này nhảy vọt lên 332,2 triệu USD (tăng 28,9%) và được dự báo sẽ tăng ổn định ở mức 5% từ năm 2024 đến 2028. Tổng cộng, người Việt Nam tiêu thụ 2,02 triệu đôi giày trong năm 2022 và 2,51 triệu đôi trong năm nay.

"Tuy Mỹ là quốc gia dẫn đầu về doanh thu giày thể thao, doanh thu bình quân đầu người của Việt Nam ở mặt hàng này (3,33 USD) rất đáng chú ý. Nhìn về tương lai, doanh số giày thể thao ở Việt Nam dự kiến chạm mốc 2,7 triệu đôi vào năm 2028, với tốc độ tăng 1,6% trong năm 2024", trang này bình luận.

Runner Việt Nam thích rủ bạn bè, người thân tham gia chạy bộ. Trong cộng đồng, mọi người nói đùa môn này dễ "nghiện", dễ "lây". Các sản phẩm của thị trường chạy bộ, vì thế, cũng len lỏi qua kênh truyền miệng. Ban đầu, một vài runner tự tìm hiểu cách mua giày, quần áo chạy... rồi trở thành người bán lẻ vì được nhiều "đồng run" nhờ mua. Một vài người nhìn thấy cơ hội kinh doanh ở mảng này.

Lâm Thị Kim Cương, cô giáo tiểu học mê chạy bộ ở Tây Ninh, khai trương shop đồ chạy bộ online sau Tết Nguyên Đán 2023. Vừa tập chạy, đi dạy, cô còn bận rộn kiểm tra tin nhắn của khách đến mức tính chuyện nghỉ việc để tập trung cho mảng này.

Không như mặt hàng khác, đồ chạy bộ không cần "Black Friday" hay những dịp flash sale nào để kích cầu. Người tiêu dùng có xu hướng chi mạnh tay trước mỗi giải chạy, vốn đang tăng nhanh về số lượng. Theo Kim Cương, dù quy mô kinh doanh không lớn, mỗi dịp cao điểm cô có thể chốt 10 đơn trong ngày, lãi khoảng hai triệu đồng.

Một nhóm runner khi về đích tại VnExpress Marathon Hải Phòng 2023. Ảnh: Hiếu Lương

"Đa số runner thích nhanh, gọn, không mặc cả nhiều. Có admin của một group chạy mua cả lô giày về làm phần thưởng cho thành viên, rồi họ chỉ nhau, tiếp tục ủng hộ tôi. Có khách hàng mua làm quà tặng cho nhân viên, khuyến khích họ chạy bộ. Các nữ runner cũng có nhu cầu chưng diện, nên thích những màu độc, lạ", cô tiết lộ.

Hiện, để tham dự cự ly dài một giải chạy, runner thường bỏ ra trung bình khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng để mua bib cho full marathon và 1 triệu đồng cho half marathon. Chưa kể chi phí di chuyển, ăn ở khi tham dự giải, chi phí cho tập luyện. Nhưng số lượng người đăng ký các giải chạy vẫn tăng đều. Thành viên ban tổ chức của một giải chạy lớn tiết lộ, doanh thu từ bán bib không thấm vào đâu so với chi phí tổ chức, nhưng cơ hội thu hút tài trợ cao.

Tiềm năng xã hội hóa

Cho tới nay, sự bùng nổ của chạy bộ rõ ràng không đến từ bất kỳ chính sách nào, mà bắt nguồn từ động lực xã hội - khi người dân thực sự có nhu cầu tập luyện và thi đấu. Nhiều năm qua, bài toán xã hội hóa thể thao chưa tìm được lối ra. VĐV marathon, cũng như các môn khác, tập luyện theo tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý nhà nước. Họ sinh hoạt ở các khu huấn luyện thể thao quốc gia hoặc đội tuyển điền kinh các tỉnh. Điều này dẫn đến chất lượng tập luyện và thành tích của VĐV có thể bị ảnh hưởng nếu nguồn lực từ nhà nước giảm sút. Ngoài ra, ở trong biên chế các đội tuyển có thể giới hạn khả năng tiếp cận cơ hội từ bên ngoài, khiến đời sống VĐV trở nên bấp bênh trước và sau khi giải nghệ.

Phạm Thị Bình, nhà vô địch marathon ở SEA Games 27, từng khiến mọi người tiếc nuối khi giải nghệ ở tuổi 25 vì không tìm thấy tương lai. Cô lấy chồng, sinh con rồi làm HLV ở đội điền kinh Quảng Ngãi. Có lúc gia đình VĐV này phải sống trong căn phòng nhỏ dưới gầm khán đài sân vận động Quảng Ngãi. Năm 2022, khi phong trào chạy bộ nở rộ, Phạm Thị Bình thi đấu marathon trở lại và lập tức gây tiếng vang.

Phạm Thị Bình chạy chân đất khi vô địch VnExpress Marathon Quy Nhơn 2022. Ảnh: VM

"Chạy bộ bùng nổ mang lại, không chỉ cho tôi mà mọi người, cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong môn này cũng như cuộc sống", Phạm Thị Bình chia sẻ. "Hồi còn là VĐV, tôi hiếm khi thi đấu ở một cuộc thi nào có hơn 15 VĐV, nhưng giờ, mỗi dịp tôi đi race, có hàng nghìn người bên cạnh. Tôi cảm giác không khí đó khiến mọi người muốn bùng cháy và khám phá thêm giới hạn của bản thân. Hiện nay, các giải chạy giúp VĐV chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư kiếm thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần".

Nguyễn Văn Lai, nhà vô địch SEA Games 2013, 2015, 2017 và 2022 ở cự ly chạy 5.000m và 10.000m, chuyển qua marathon sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia. Anh mong muốn tìm giới hạn mới cho bản thân và hy vọng có thể đại diện Việt Nam thi marathon ở SEA Games trong tương lai. Ở VnExpress Marathon Hà Nội Midnight, Văn Lai đã trở thành người Việt Nam chạy marathon nhanh nhất trong năm 2023, với thành tích 2 giờ 25 phút.

Không nhiều VĐV Việt Nam có động lực để theo đuổi con đường như Văn Lai, nhưng điều này khá phổ biến với các VĐV điền kinh trên thế giới. Mo Farah, Genzebe Dibaba, Sifan Hassan chuyển từ cự ly sở trường 1.500m lên marathon. Mới nhất, Jakob Ingebrigtsen - người đang giữ kỷ lục thế giới ở các cự ly chạy 1.500m, 2.000m và hai dặm - cũng chia sẻ dự định tương tự.

Kỷ lục marathon Việt Nam 2 giờ 21 phút do huyền thoại Nguyễn Chí Đông lập ở SEA Games 22 vào năm 2003 tại Hà Nội, đến nay vẫn chưa bị phá. Tuy nhiên, với đà phát triển như hiện nay, marathon Việt Nam có lẽ sẽ chào đón kỷ lục mới trong tương lai gần.

"Sự phát triển của chạy bộ gần đây tác động tích cực đến phong trào tập luyện, rèn luyện thể thao nói chung, và marathon nói riêng. Kỷ lục Việt Nam hiện thuộc về Nguyễn Chí Đông - 2h21 phút. Với đà đi lên hiện tại, tôi tin marathon Việt Nam sẽ sớm giành thêm nhiều thành tích tốt ở đấu trường quốc tế. Sẽ có VĐV sớm chạm hoặc vượt mốc kỷ lục của Chí Đông", phó Chủ tịch Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Lê Trung Hinh nói.

Những năm qua, nhờ có môi trường tập luyện và thi đấu, thành tích của VĐV chạy bộ phong trào Việt Nam được cải thiện đáng kể. Tại VnExpress Marathon Hải Phòng ngày 17/12 vừa qua, nhà vô địch Hứa Thuận Long chinh phục kỷ lục mới của hệ phong trào 2 giờ 34 phút. Ở nội dung nữ, Hà Thị Hậu đang là runner phong trào có PR tốt nhất 2 giờ 56 phút, kém 12 phút so với kỷ lục 2 giờ 44 phút do VĐV chuyên nghiệp Lê Thị Tuyết lập hồi tháng 10.

Hiện nay, chưa có cơ chế cho phép VĐV phong trào tranh suất thi đấu quốc tế tại SEA Games hay Asiad. Để tham gia các cuộc thi tuyển chọn, VĐV cần thuộc quản lý của một tỉnh, thành. Tất nhiên, để cạnh tranh thành tích với VĐV chuyên, các runner phong trào cần cải thiện rất nhiều. Nhưng mở cơ hội để mọi công dân tập luyện và đại diện cho đất nước có thể mở đường cho xã hội hóa thể thao, giúp giải bài toán kinh phí và quản lý ở nhiều cấp.

"Nhiều VĐV phong trào, dù đủ năng lực, không muốn vào tuyển vì cách thức và thời gian tập luyện khắt khe. Ở đó, họ chỉ nhận tiền hỗ trợ hàng tháng của nhà nước khoảng bốn triệu đồng. Là VĐV phong trào, tôi khẳng định bản thân có thể tự trang trải chi phí và tập luyện để đạt thành tích tốt. Nhưng để tham gia SEA Games hay Đại hội thể dục thể thao quốc gia thì phải đăng ký làm VĐV cho một đội tuyển nào đó. VĐV của các CLB chạy phong trào không được phép", Hà Thị Hậu nêu vấn đề.

Tại Nhật Bản, một trong những quốc gia có nền marathon hàng đầu thế giới, các giải chạy được chia làm hai hạng mục. Hạng phong trào gần như không có tiền thưởng. Nhưng hạng chuyên nghiệp có tiền thưởng rất cao, quy tụ những VĐV hàng đầu trong nước và quốc tế. Các marathoner chuyên nghiệp ở Nhật Bản thuộc quản lý của các công ty chạy bộ. Họ đi chạy như đi làm và được trả lương như lao động bình thường.

Trước mỗi Olympic, Nhật Bản tổ chức giải Grand Marathon để tuyển chọn VĐV. Tiêu chuẩn tham dự giải này là 2:08 cho nam và 2:24 cho nữ. Năm nay, Grand Marathon để chọn VĐV dự Olympic Paris 2024 thu hút 29 VĐV nữ và 67 VĐV nam. Hiện, một số CLB chạy ở Việt Nam sẵn sàng đài thọ cho các VĐV tiềm năng để họ tập trung nâng cao thành tích.

Phong trào chạy bộ phát triển nhanh tạo bức tranh muôn màu. Có gia đình kéo nhau 11 người, qua ba thế hệ, cùng tham dự một giải chạy, có runner Việt kiều 74 tuổi xem chạy bộ là cơ hội để về thăm quê. Tháng 4/2023, cộng đồng LGBTQ dậy sóng với màn cầu hôn trên vạch đích của một cặp đôi tại Huế.

Tinh thần lạc quan đó cần sự tiếp nối và mọi người chạy cần được tháo bỏ giới hạn để vươn tới mục tiêu cao hơn. Chạy bộ ở Việt Nam đã vượt khỏi ranh giới một môn thể thao. Nguồn lực xã hội lớn của môn này có thể là động lực để đưa marathon thoát khỏi khuôn mẫu và cung cấp giải pháp cho bài toán xã hội hóa thể thao với những người quản lý.

Quang Huy