Tối 7/11, phòng trà Vừng - một trong những tụ điểm ca nhạc đầu tiên mở lại - đón lượng khách giới hạn, khoảng 60 người. Anh Hà Thanh Phúc - chủ quán - cho biết khi mở cửa từ ngày 4/11, các đêm nhạc liên tiếp "cháy" vé. Anh nói: "Ban đầu, tôi dự kiến chỉ làm hai đêm cho Văn Mai Hương vì ca sĩ hát phòng trà mỗi buổi 15 bài rất mệt. Vé hết chỉ sau 24 giờ mở bán, tôi quyết định làm thêm một đêm nữa". Sắp tới, phòng trà này tổ chức loạt đêm nhạc tái ngộ cho Phương Thanh, Ưng Hoàng Phúc, Trịnh Thăng Bình...
Để đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng dịch, các nhạc công, nhân viên đều phải tiêm hai mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Anh Phúc cho biết khách đến nghe nhạc đều được kiểm tra thẻ xanh (tiêm đủ hai mũi). Với khách có thẻ vàng (tiêm một mũi), phòng trà cho xét nghiệm nhanh tại chỗ. Theo quy định, khung giờ show ca nhạc được đôn lên sớm: bắt đầu 19h và kết thúc 21h, so với giờ cũ là 21h hoặc trễ hơn.
Chủ phòng trà chấp nhận bù lỗ khi chi phí quảng cáo tăng cao nhưng số khán giả mỗi đêm bị giới hạn còn 50%. Anh Phúc nói: "Với lượng khách như vậy, hòa vốn đã là may chứ đừng nói tới lãi, song tôi vẫn mở bán, thậm chí giảm giá vé vì sợ lâu ngày, công chúng mất dần thói quen đi nghe nhạc live". Giữa tháng 10, anh Phúc đóng cửa Chợ Gạo - một phòng trà từng tổ chức nhiều đêm nhạc của Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, Lệ Quyên, Lam Trường... - sau nhiều tháng chật vật xoay xở tiền mặt bằng, tiền trả lương cho nhân viên.
Đa số phòng trà ở TP HCM như We, Đồng Dao, Không Tên... chưa lên kế hoạch trở lại. Anh Đức Huy - chủ quán Không Tên - cho biết dự kiến sang tháng 12 mới cập nhật lịch biểu diễn. Anh nói: "Tôi chưa nóng vội vì lo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời muốn thăm dò thị hiếu khán giả thay đổi ra sao sau nhiều tháng đóng cửa".
Chung tâm lý dè dặt, nhiều sân khấu kịch chưa chốt ngày mở cửa, chỉ tập dượt dần để hâm nóng không khí. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vừa phúc khảo vở rối cạn Lòng mẹ. Tác phẩm kể về hành trình người mẹ đi tìm con, kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn rối, âm nhạc và ánh sáng. Vở vốn định công diễn dịp Tết Trung thu vừa qua nhưng hoãn vì dịch. Nhà hát cũng đang hoàn thiện vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tập vở Ngược gió (chuyển thể từ tác phẩm kịch nói cùng tên), nội dung ca ngợi tình người miền Tây, dự kiến diễn vào tháng 12. Vở Khát vọng ngày mai - xoay quanh câu chuyện xây dựng tuyến Metro số 1 ở TP HCM - cũng được đưa lên sàn tập để công diễn vào tháng sau.
Khác các sân khấu nhà nước, nhiều sàn diễn tư nhân chưa tập vở mới để bán vé. Mỹ Uyên - giám đốc sân khấu 5B - cho rằng việc mở cửa vào thời điểm này là không khả thi vì bị giới hạn 50% khán giả. Nhiều sàn diễn đang thiếu nhân lực, do đợt dịch vừa qua các diễn viên trẻ phải về quê. Một số chuyển sang nghề shipper, bán hàng online... vì không còn thu nhập từ nghề diễn. Nhiều "bầu" khác cũng lo lắng về tương lai của sân khấu xã hội hóa. Hồng Vân dự đoán phải tầm nửa năm sau giai đoạn bình thường mới, sân khấu mới đông vui trở lại.
Một số sàn diễn vẫn "án binh bất động". Nghệ sĩ Thành Hội - đồng sáng lập sân khấu Hoàng Thái Thanh - nói: "Tôi nghĩ mất mát, đau buồn vì dịch bệnh vẫn còn đó, hiếm ai có tâm trạng đi mua vé xem kịch trong thời điểm này. Chúng tôi đang chờ đến dịp Tết mới tái khởi động phục vụ công chúng".
Một số đơn vị đang tập để thi Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 (đợt hai dành cho các đoàn tại TP HCM, dự kiến vào đầu năm sau). Nghệ sĩ Hồng Vân cấp tốc chuẩn bị hai vở chính kịch là Ngã rẽ và Ngôi nhà trên thuyền. Chị cho biết tập trung toàn lực cho sân khấu do tháng 1/2022, chị phải sang Mỹ để chăm cháu ngoại đầu lòng. Hồng Vân nói: "Tôi mời các nghệ sĩ trẻ đóng trong hai vở vì muốn nhường sân chơi này cho họ có 'đất' dụng võ".
Từ đầu tháng 5, các sân khấu tại TP HCM đóng cửa khi dịch bùng phát trở lại. Nhiều sàn diễn như 5B, Phú Nhuận, Idecaf, Thế giới trẻ không còn doanh thu, một số "bầu" bỏ tiền túi để nuôi nhân viên. Nghệ sĩ Mỹ Uyên, ông Anh Tuấn - giám đốc Kịch Idecaf - phải thế chấp nhà, cầm sổ đỏ để trả lãi ngân hàng. Đầu tháng 10 đến nay, sau khi nới lỏng giãn cách, các sân khấu vẫn chưa có lịch hoạt động trở lại. Chiều 24/10, TP HCM công bố cấp độ dịch ở 22 quận huyện. Ở cấp 1, bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, thể dục, thể thao được phép hoạt động. Cấp 2 và 3 giảm công suất, số người tham dự. Cấp 4 ngừng hoạt động.
Tam Kỳ