Sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch, Nhà hát Lớn sáng 21/10 đón hàng trăm nghệ sĩ nhiều thế hệ dự lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam. Nghệ sĩ Doãn Châu cho biết có mặt từ sớm để tận hưởng khoảnh khắc được gặp gỡ đồng nghiệp, ôn kỷ niệm xưa. Ông nói: "Hôm nay, lớp già chúng tôi có quyền được tự hào về những gì mình đã làm được. Lớp trẻ thì nhìn vào để phấn đấu. Tôi gắn bó cả cuộc đời với sân khấu kịch nên hôm nay cũng là ngày kỷ niệm của chính tôi".
Từ những lần đi xem kịch cùng bố mẹ, tình yêu sân khấu trong Doãn Châu nảy nở. Chỉ về hướng cầu thang Nhà hát Lớn, Doãn Châu cho biết năm 10 tuổi, có lần ông cùng bạn thân - cố nghệ sĩ Văn Hiệp - leo qua ống máng để vào nhà hát xem trộm vở diễn vì không có tiền mua vé. Cả hai sau đó đăng ký tham gia đội kịch thiếu niên của thành phố, bắt đầu hành trình sống với nghề.
Doãn Châu từng tham gia một vài tác phẩm có số lượng diễn viên đông đảo như Bài ca Điện Biên khoảng 300 người, Lưu ba tầm 120 người. Nhiều sân khấu không có điện, đoàn phải thắp đèn để diễn. Bên dưới thi thoảng có khán giả mở đèn pin chiếu lên để nhìn rõ mặt nghệ sĩ rồi lại tắt. "Gian khổ nhưng mà vui, chúng tôi được sống hết mình với từng vai diễn", ông nói.
Cũng như Doãn Châu, nhiều nghệ sĩ ôn lại thời xưa cũ. Ngọc Thoa cho biết dù không khỏe, bà vẫn nhờ con chở đến để gặp gỡ bạn bè. Ngồi ở hàng ghế khán giả, bà nhớ ngày mua vé tàu từ Hải Phòng lên Hà Nội thi tuyển diễn viên của Nhà hát Kịch Trung ương. Bà hóa thân người mẹ ở quê ra Hà Nội thăm con nhưng bị trộm hết đồ đạc. Khoảnh khắc nhân vật ngồi bệt xuống vỉa hè, gạt nước mắt rồi tự nhủ "Mình đã nghèo, người khác còn nghèo hơn. Thôi thì của đi thay người vậy!", được ban giám khảo đánh giá cao. Ngọc Thoa trúng tuyển, cùng lứa nghệ sĩ Hồng Đức, Phan Thành.
Nghệ sĩ nói khi đó được diễn là hạnh phúc, không phân biệt vai chính, phụ, hiền hay ác. Không có đồ tẩy trang, mỗi lần diễn xong, bà lấy khăn chà đỏ hết mặt. Chỉ vào lông mi lưa thưa, bà nói đó là hậu quả của việc chùi phấn mạnh tay trong quá khứ. Bà nói: "Bà Song Kim - vợ nghệ sĩ Thế Lữ - tiết kiệm, mua giấy nháp để chùi. Khổ lắm, mặt chúng tôi khi đó có ra làm sao đâu nhưng cứ lên sân khấu, được khán giả cổ vũ là vui hết". Hoàng Cúc nhớ thời đi diễn, cắp cặp lồng đựng chút cơm trắng, cà muối, lạc rang dù trên sân khấu đóng vai quyền quý.
Không thể ra Hà Nội, nghệ sĩ Kim Cương dự sự kiện theo hình thức online. Bà nói những năm 1960, bà đang thành công với cải lương, được khán giả gọi là kỳ nữ, xin phép mẹ qua làm kịch. Nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn khi miền Nam chưa có đạo diễn, tác giả hay rạp diễn kịch. Bà phải đi năn nỉ mấy rạp cho diễn thử. Thậm chí, Kim Cương mượn vàng của mẹ - cố nghệ sĩ Bảy Nam - để đặt cọc thuê rạp, tạo điểm diễn. "Thế mà diễn thành công. Tôi thấy khán giả khóc, cười, lặng đi theo từng câu nói và vỗ tay tán thưởng. Khi đó, tôi mừng quá và biết rằng kịch nói có thể sống trong lòng khán giả", bà bày tỏ.
Nhiều nghệ sĩ mong muốn kịch nói thu hút khán giả như thời hoàng kim. Thu Quỳnh khóc khi đại diện cho thế hệ nghệ sĩ trẻ phát biểu trong sự kiện. Cô cho biết ngày nay để gắn bó với sân khấu, các diễn viên phải có niềm đam mê và tình yêu mãnh liệt, vượt qua những khó khăn về điều kiện kinh tế. Cô mong ước kịch nói được hưng thịnh như vài chục năm trước. "Khi đã yêu sân khấu thì không thể từ bỏ được. Vì vậy, tôi hy vọng tiếp bước các thế hệ đi trước, sáng tạo nên nhiều tác phẩm hay đến gần công chúng".
Theo nghệ sĩ Minh Ngọc, kịch nói đang thiếu những dấu ấn và phong cách sáng tạo riêng, thiếu tính đối thoại, phản biện từ cuộc sống. Ông cho rằng tác phẩm phải chạm đến góc khuất của những tấm gương hy sinh vì cộng đồng và dự báo cuộc sống trong điều kiện bình thường mới người dân. Nghệ sĩ Trần Lực nói: "Khán giả không bao giờ quay lưng với kịch nói. Điều quan trọng nghệ sĩ phải sáng tạo để giữ chân họ".
Nghệ sĩ Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - cho rằng kịch Việt đang rơi vào khủng hoảng "mất trắng khán giả" vì phải đóng cửa phòng dịch. "Việc vực lại sức sống của thể loại kịch sau 100 năm là thách thức của sân khấu Việt Nam hiện đại. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được nhờ thế hệ các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết và tình yêu của công chúng".
Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói (1921-2021) do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 21 đến 27/10 tại Nhà hát Lớn. Dịp này, hội công diễn vở Chén thuốc độc của cố tác giả Vũ Đình Long, đạo diễn Bùi Như Lai. Tác phẩm ra mắt lần đầu ngày 21/10/1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam.
Ngoài ra, tuần lễ còn diễn các vở: Người tốt nhà số 5 (tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn Tạ Minh Tuấn) - Nhà hát Kịch Việt Nam, Ai là thủ phạm (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Chí Trung) - Nhà hát Tuổi trẻ, Bạch đàn liễu (tác giả Xuân Trình, đạo diễn Trần Lực) - sân khấu Lucteam, Phải có ba đồng (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn Lê Hùng) - Nhà hát Kịch Hà Nội. Sự kiện cũng tổ chức hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển", gala Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
Hiểu Nhân