Ngày 17/9, nghệ sĩ Mỹ Uyên đi bộ một km từ nhà đến sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, quận 3, để chuẩn bị giỗ tổ nghề (12/8 âm lịch). Vừa mở cửa, chị thấy chùng xuống vì nghe mùi cũ kỹ, ẩm mốc, còn ngoài ban công, lá khô trút đầy sau những trận mưa giông. Mọi năm, Mỹ Uyên - giám đốc sân khấu - và các nghệ sĩ rộn ràng đưa tượng ông tổ từ phòng hóa trang ra sân khấu chính để chuẩn bị nghi thức tạ ơn. Năm nay, vì giãn cách, chị chỉ đặt mua online một con heo quay, vài bó hoa rồi cùng đàn em lau dọn sân khấu.
Chị nói: "Nhiều diễn viên - một số người đã tiêm hai mũi vaccine - xin lên sân khấu phụ trang trí nhưng tôi không cho. Chụp xong tấm hình cúng tổ, tôi cũng không dám đăng lên Facebook hay gửi vào nhóm chat chung, sợ các bạn ấy buồn, lại càng thêm nhớ nghề".
* Mâm cúng tổ của nghệ sĩ thời dịch
Đa phần nghệ sĩ năm nay thực hiện lễ cúng tại gia. Hồng Vân cho biết, của ít lòng nhiều, chị chỉ làm ít bánh, hái hoa ngoài sân để bày biện mâm cúng. Dù vậy, trong ngày của giới sân khấu, chị thấy cô đơn, nhớ bầu không khí nô nức, hàn huyên cùng đồng nghiệp. Giờ này năm ngoái, chị đôn đáo lo một lúc hai lễ giỗ cho sân khấu Phú Nhuận và Thuận Kiều (quận 5), tất bật từ sáng đến tối với hai mâm cúng chay - mặn. "Nhớ sàn diễn quá nhưng không thể lên thăm", chị cho biết.
Sáng 18/9, tất bật hướng dẫn con cách ngâm hoa, nghệ sĩ Ái Như - sân khấu Hoàng Thái Thanh - cho biết cùng gia đình chuẩn bị lễ từ trước một hôm. Dù chỉ cúng ở nhà, chị muốn mọi thứ phải được tươm tất, đầy đủ món chay - mặn. Chị dặn các diễn viên mỗi người chuẩn bị riêng một mâm, ít hay nhiều cũng là tấm lòng hướng đến tiền nhân. Ái Như nói: "Ngày này luôn là dịp đặc biệt nhất trong năm với chúng tôi, là Tết nghề, tri ân người đi trước để thế hệ sau có thể kế tục".
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi nhờ người quen dọn dẹp bàn thờ bên sân khấu ở quận 6, làm một mâm chay, xin phép cho các nghệ sĩ được cúng tại nhà. "Chúng tôi cũng có hương, hoa, trà, quả đầy đủ, cái thiếu duy nhất là không khí rộn ràng, sum vầy của các anh chị em như các năm", chị cho biết.
Ngày giỗ tổ năm nay, buồn nhiều hơn niềm vui vì sân khấu "đóng băng". Sáng nay, "bầu" Idecaf - ông Huỳnh Anh Tuấn - chỉ thắp hương, khấn vái, không làm mâm cúng. Ông cho biết một phần vì quan niệm thờ cúng vốn ở cái tâm, phần nặng lòng vì sàn diễn đã đóng cửa thời gian dài chưa từng có. Là người chèo lái Idecaf nhiều năm qua, ông canh cánh gánh nặng chi phí duy trì sân khấu. Dù không phải trả tiền mặt bằng thời gian ngưng diễn, Idecaf vẫn chi một phần lương cho nhân viên phòng vé, công nhân hậu đài, nghệ sĩ múa rối - những đối tượng chịu nhiều tổn thương thời dịch. Ông Tuấn nói: "Chỉ chi mà không thu, tôi phải thế chấp nhà để trả lãi ngân hàng. Đến thời điểm này, chúng tôi gần như kiệt quệ".
Tương tự, "bầu" Hồng Vân cho biết vẫn phải bỏ tiền túi "nuôi" nhân viên. Hồi đầu tháng 5, tái diễn vở Người vợ ma, chị chưa kịp mừng vì khán giả đông nghẹt, phải kê thêm ghế phụ, thì hôm sau đã đóng cửa hai điểm diễn. Năm ngoái, chị nhiều lúc nản lòng vì sàn diễn chỉ hoạt động cầm chừng, công chúng ngày một rơi rụng. Chị nói: "Đến nay thì sân khấu như một võ sĩ bị hạ gục hẳn". Diễn viên mới tốt nghiệp từ khóa đào tạo của Hồng Vân đành phải về quê, một số trụ lại thành phố bằng nghề shipper, bán hàng online... Số khác gia nhập nhóm thiện nguyện của nghệ sĩ Đại Nghĩa, tiếp tế lương thực, bình oxy cho các vùng dịch.
Hồng Vân cho rằng khi sân khấu được mở cửa trở lại, có lẽ phải mất tầm nửa năm các sàn diễn mới phục hồi như trước. Chị nói: "Ngày giỗ tổ, tôi nói với các diễn viên, chỉ ước một buổi sáng, mở mắt ra và đọc được tin toàn dân được tiêm vaccine đủ liều, nhịp sống trở lại như xưa". Nghệ sĩ Ái Như nói những ngày này, chị không còn tâm trí để viết kịch bản, chỉ mong gia đình, đồng nghiệp luôn khỏe mạnh. "Tôi không dám nghĩ đến ngày sân khấu sáng đèn vì có khi chưa kịp đến lúc đó, chúng tôi đã phá sản", nữ nghệ sĩ cho biết.
Một số đơn vị tận dụng giai đoạn nghỉ ngơi để lên ý tưởng cho kịch mục. Trịnh Kim Chi đang chuẩn bị kịch bản lấy cảm hứng về tuyến đầu chống dịch, hiện tập dượt online với các nghệ sĩ. Chị cho biết: "Dù sao, ai cũng mong một ngày sàn diễn mở cửa, bởi đứng trên sân khấu là niềm hạnh phúc khó thể diễn tả. Tôi chỉ mong lúc ấy, khán giả trở lại và vẫn thương chúng tôi như xưa".
Ở Hà Nội, một số nhà hát vẫn tổ chức lễ cúng tổ, giới hạn lượng người tham gia. Nghệ sĩ Lan Hương khóc khi vào Nhà hát Lớn Hà Nội thắp hương, thấy bàn thờ tổ được bày biện như mọi năm nhưng khán phòng vắng vẻ. Chị nói: "Tôi xin tổ nghiệp phù hộ mọi người đều khoẻ mạnh, bình an, cầu mong Covid-19 biến mất để diễn viên chúng tôi được cống hiến cho khán giả, những tràng pháo tay lại vang lên khắp sân khấu cả nước". Nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cho biết đơn vị anh làm lễ sáng 18/9. Để đảm bảo yêu cầu giãn cách, chỉ thành viên ban lãnh đạo có mặt trực tiếp, tham gia nghi thức dâng hương.
Nhật Thu