Sáng sớm, tranh thủ trời còn chưa nắng, Lê Xuân Vương, 26 tuổi, cùng người thân ra đồng làm việc. Mấy ngày trước gặt lúa, phơi rơm rạ, nay lại tranh thủ xới đất cho ruộng ngô mới trồng. Ít ai nhận ra anh - trong trang phục lao động, tay cầm cuốc nhanh thoăn thoắt - là diễn viên chuyên vai lính, kép phụ trong các vở của Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Xuân Vương cho biết hôm 29/4, sau khi nhà hát thông báo dừng biểu diễn, anh gấp vội vài bộ quần áo rồi về quê vì biết khó trụ lại ở Hà Nội với đủ loại chi phí. Xuân Vương ký hợp đồng với nhà hát từ tháng 11/2019 với thu nhập mỗi tháng khoảng hơn 3,5 triệu đồng. Số tiền không lớn nhưng biết cách vun vén, anh vẫn đủ chi tiêu trong một tháng, quan trọng là được làm nghề. Đầu năm 2020, Covid-19 ập đến khiến cuộc sống anh gặp nhiều khó khăn. Những lần trước, khi nghỉ diễn, anh tìm kiếm cơ hội đóng phim, làm âm thanh hoặc làm thợ nhôm kính cho các công trình. Công việc bấp bênh, thu nhập cũng chẳng đáng là bao. "Tôi không biết tương lai nghề nghiệp của mình rồi sẽ trôi về đâu nếu dịch cứ kéo dài. Sắp tới, tôi phải tìm kiếm một công việc cố định nào đó để làm, chứ không thể cứ ăn bám bố mẹ mãi được", anh nói.
Giống Xuân Vương, nhiều nghệ sĩ trẻ phải về quê vì không đủ sức bám trụ ở thành phố. Gần tháng nay, Hồng Phong - bộ môn Cầu bật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam - cũng đã quen với việc chà nhám cho các sản phẩm đồ nội thất trong một xưởng mộc ở quê nhà Đan Phượng. Thời tiết gần 40 độ C, người anh ướt sũng trong bộ quần áo lao động dày, khẩu trang, mũ kín mít. Chưa đến ngày lĩnh lương, mọi chi tiêu của anh phụ thuộc vào cha mẹ và số tiền hỗ trợ ít ỏi của liên đoàn.
Hồng Phong ký hợp đồng biểu diễn từ đầu năm 2019 với mức lương khởi điểm 1,4 triệu đồng. Nếu chăm chỉ, có chương trình đều đặn, tổng thu nhập của anh khoảng 3-4 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống do được cung cấp chỗ ở. Dịch bệnh khiến chàng trai 20 tuổi lo lắng về tương lai nghề nghiệp. Bộ môn cầu bật không thể tập luyện tại nhà vì thiếu dụng cụ, lúc rảnh, anh rèn thể lực mong ngày trở lại sân khấu.
Thanh Tùng - nghệ sĩ nhào lộn, đánh vòng, xiếc ngựa - hiện đi làm thợ bảo dưỡng máy lọc nước cho các hộ gia đình. Công việc không cố định, có người gọi thì đi. Tháng rồi, tổng số tiền anh kiếm được khoảng hơn 2 triệu đồng, cộng thêm gần 2,9 triệu lương cơ bản của nhà hát, anh cho là "dư dả" hơn nhiều đồng nghiệp.
Do đặc thù nghề nghiệp, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có nhiều diễn viên hoạt động theo hợp đồng. Hôm 26/5, Phó Giám đốc Tống Toàn Thắng cho biết năm 2020, liên đoàn phải đi vay nhiều nguồn để trả lương cho anh em. Tuy nhiên, đợt dịch mới khiến đơn vị "kiệt sức". Nhiều nghệ sĩ về quê nghỉ lễ, ông nhắn họ ở nhà tự luyện tập. Ông Toàn Thắng cho biết: "Đến giờ bữa trưa cho các em chúng tôi cũng không lo được. Cuộc chiến với Covid-19 lần này, ngành xiếc đã bị hạ đo ván".
Nhiều diễn viên chọn cách xoay xở mưu sinh ở thành phố. Quê nhà Bắc Giang hiện là tâm dịch, Nguyễn Quang Hưng - 23 tuổi, diễn viên của Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội - không thể về quê, phải ở lại Hà Nội. Trước dịch, thu nhập được tầm gần 5 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, hiện nhà hát cắt hết các khoản, anh không có tiền. Quang Hưng nhận quay một số phim ngắn, video quảng cáo với tiền công ít ỏi. Mỗi ngày, anh chỉ ăn bữa trưa, nhịn sáng, tối để tiết kiệm chi phí. Điều anh thấy may mắn là được người thân cho ở nhờ, bớt được một khoản không nhỏ. Ở tuổi 23, anh thấm nỗi khổ cơm áo gạo tiền khi ngày mai chẳng có một đồng trong túi.
Nghệ sĩ Nhật Linh - kép chính của Nhà hát Cải lương Hà Nội - chạy xe ôm công nghệ. Mai Anh - nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long - chạy vạy đủ nghề, từ tổ chức show nhạc nhỏ, biên tập chương trình để có thêm tiền. Vợ chồng nghệ sĩ xiếc Thùy Dương và Đức Thắng chuyển sang bán đồ ăn online để lo cho con nhỏ. Không ít diễn viên trẻ làm nhân viên giao hàng, làm thuê cho các cửa hàng, công trình.
* Diễn viên bỏ nghề, nhà hát tìm đường sống
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến hôm 26/5, nhiều đơn vị nhà hát ở Hà Nội cho biết đợt dịch thứ tư khiến sân khấu miền Bắc lao đao. Hiện theo quy định, các đơn vị không được dùng ngân sách nhà nước mà dùng nguồn thu bên ngoài (tiền hợp đồng biểu diễn, bán vé) để trả lương cho các nghệ sĩ có hợp đồng ngắn hạn. Tuy nhiên, sân khấu đóng cửa, họ không có nguồn thu. Vì vậy, những nghệ sĩ đó không có lương. Các đơn vị công lập phía Bắc mong muốn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hỗ trợ tạm ứng kinh phí trả trước cho nghệ sĩ, để họ làm điểm tựa tiếp tục gắn bó với nghề trong lúc đang phải ngừng diễn.
Hiểu Nhân