Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và TP HCM, số trẻ em và người lớn mắc các bệnh tiêu hóa trong tuần qua tăng 30% so với tuần trước kỳ nghỉ. Một số bệnh phổ biến được ghi nhận gồm cúm, tiêu chảy do rotavirus, sốt xuất huyết, phế cầu khuẩn... Trong đó, đa phần là trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền đến thăm khám.
Bé Trần Anh Minh (1 tuổi) sốt 39 độ C, đi ngoài phân lỏng toàn nước, nôn ói đã 2 ngày qua. Hôm 4/5, gia đình đưa bé đến BVĐK Tâm Anh TP HCM khám, chẩn đoán tiêu chảy cấp do rotavirus, cho bù nước qua đường uống, hạ sốt. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (32 tuổi, mẹ bé) cho biết bé mệt và nôn sau chuyến đi chơi 4 ngày ở Huế. Sau đó bé bị tiêu chảy, sụt cân, lừ đừ. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.
Trường hợp khác là ông Trần Hoài (55 tuổi) nhập viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, khó thở, người mệt lả. Qua xét nghiệm, ông Hoài được xác định dương tính với bệnh cúm B trên nền bệnh cao huyết áp và phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Bác sĩ điều trị cho biết khi mắc cúm, ông Hoài dễ trở nặng, phải nhập viện theo dõi sát.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC, giải thích thời tiết nắng nóng sau đó mưa nhiều tại Hà Nội và nóng oi ả tại TP HCM là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, ví dụ rota virus, cúm,... Bên cạnh đó, số ca mắc mới Covid-19 đang tăng trở lại, chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, đái tháo đường, COPD... khiến nguy cơ bệnh nặng tăng cao.
Các bác sĩ cảnh báo một số bệnh người dân thường mắc vào thời điểm này và cách phòng tránh.
Cúm mùa
Cúm mùa dễ mắc, dễ lây và dễ bị bỏ qua do nhiều người cho rằng đây là bệnh nhẹ. Khi không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, cúm có thể gây ra các biến chứng như như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tổn thương tim, viêm não, màng não, suy hô hấp ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền.
Trẻ em và người lớn, đặc biệt nhóm nguy cơ cao cần chủ động phòng bệnh cúm, tương tự Covid-19, gồm: rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi đông người, hạn chế tiếp xúc người mắc bệnh, tiêm vaccine phòng bệnh.
Trong đó, biện pháp tiêm vaccine cúm đơn giản và hiệu quả. Vaccine tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) và Influvac Tetra (Hà Lan) giúp phòng ngừa 4 chủng virus cúm gây bệnh nặng gồm cúm A/H1N1, H3N2 và hai chủng cúm B/Yamagata, Victoria, hiệu quả phòng bệnh đạt 70-90%. Một mũi vaccine cúm mỗi năm có thể giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và 68% tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi, giảm 74% tỷ lệ nhập viện ở trẻ em, giảm 15-45% nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp, giảm 46% nguy cơ hen cấp.
Sốt xuất huyết
Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt, truyền bệnh; thường chuyển nặng từ ngày 3 đến ngày 7 sau khi đã hết sốt hoặc giảm sốt nên dễ khiến người bệnh chủ quan. Sốt xuất huyết có thể biến chứng xuất huyết niêm mạc, tiêu hóa, não, nội tạng, sốc xuất huyết, tử vong.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng muỗi đốt. Mọi người nên mặc quần áo dài tay, ngủ màn, loại bỏ khu vực có nước đọng, bụi cây, vệ sinh nhà cửa thường xuyên.
Các bệnh do phế cầu khuẩn
Phế cầu khuẩn thường khu trú tại vùng mũi họng con người và thường tấn công hệ hô hấp khi sức đề kháng suy giảm. Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân đồng nhiễm phế cầu với Covid-19 hoặc các bệnh khác có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao hơn.
Trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn được khuyến cáo tiêm vaccine phòng phế cầu và chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) có thể phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn.
Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất cao. Virus sởi polinosa morbillarum có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt trong tối đa 3 giờ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sởi gây nguy hiểm cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người trưởng thành, đến người lớn tuổi; triệu chứng dễ nhầm với bệnh hô hấp nên dễ trở nặng.
Hiện Việt Nam đang sử dụng vaccine MVVac tiêm chủng cho trẻ từ 9 tháng tuổi; vaccine phối hợp Priorix (Bỉ)/MMR II (Mỹ) phòng sởi - quai bị - rubella; vaccine Priorix.
Tiêu chảy cấp do rotavirus
Tiêu chảy cấp do rotavirus có triệu chứng là tiêu chảy, ói mửa, sốt. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tiêu chảy nặng, mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng...
Hiện tiêu chảy cấp chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh. Bác sĩ Chính khuyến cáo mọi người chú ý rửa tay trước khi ăn, ăn chín uống sôi, bảo quản thức ăn phù hợp khi trời nắng nóng. Gia đình nên cho trẻ tiêm chủng vaccine phòng bệnh từ 6 tuần tuổi, bắt buộc hoàn thành liệu trình tiêm chủng trước 6 tháng tuổi đối với vaccine Rotarix và Rotavin-M1, trước 8 tháng tuổi với vaccine Rotateq.
Viêm màng não do não mô cầu khuẩn
Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu có số ca mắc không nhiều gây ra nhiều di chứng nặng nề. Bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 20% người bệnh qua khỏi nhưng chịu di chứng về thần kinh, bại liệt.
Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, theo bác sĩ Chính. Hiện VNVC đang có hai loại vaccine ngừa viêm màng não do não mô cầu là VA-Mengoc BC (Cu Ba) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người lớn 45 tuổi; vaccine Menactra (Mỹ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người lớn 55 tuổi phòng bệnh não mô cầu do 4 nhóm huyết thanh là A, C, W và Y.
Chi Lê