Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết cơ thể người hoạt động tốt nhất ở 25 độ C. Khi nhiệt độ dao động trong khoảng 20-30 độ C, hệ thống điều hòa thân nhiệt sẽ hoạt động, giúp cơ thể thích nghi với môi trường.
Vượt quá hai ngưỡng này, cơ thể sẽ bị rối loạn, không thể điều hòa nhiệt độ. Khi ở môi trường quá nóng, cơ thể có thể bị phù, phát ban, chuột rút, nặng hơn là ngất, kiệt sức và sốc nhiệt. Trong đó, sốc nhiệt gây tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận, hệ thần kinh... và có tỷ lệ tử vong tương đương đột quỵ. Tình trạng này có thể xảy ra với mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi.
Vì vậy bác sĩ khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hoặc môi trường có nhiệt độ cao để phòng bệnh mùa nóng. Nếu phải ra ngoài khi trời nắng gay gắt, nên mặc quần áo dài tay đảm bảo thoáng mát, đội nón rộng vành.
Trong trường hợp bắt buộc phải làm việc hoặc hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, cứ mỗi giờ dành ra 15 phút nghỉ ngơi trong môi trường có không khí mát mẻ, sau đó trở lại làm việc. Cần chủ động uống nước, không nên đợi khát nước mới uống và chọn uống các loại nước có muối khoáng, tốt cho cơ thể như nước chanh có pha muối, đường.
Khi thời tiết nóng bức hoặc trong thời điểm giao mùa, người dân cần lưu ý các bệnh về đường hô hấp. Bệnh xảy ra khi mọi người sử dụng máy lạnh hoặc quạt mạnh quá lâu, dùng thức ăn, thức uống lạnh, có đá khiến đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng ngoại lai xâm nhập gây bệnh.
Nhiệt độ môi trường cao cũng dễ làm hỏng thức ăn gây ngộ độc, đồng thời khiến các loài trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián phát triển. Vì vậy nên bảo quản thức ăn đúng cách, tăng cường vệ sinh nơi ở, diệt các loại côn trùng nói trên.
Thời tiết nắng nóng làm tăng tiết mồ hôi và bã nhờn nên cần chú ý vệ sinh thân thể, đặc biệt ở các vùng kẽ da như nách, bẹn của trẻ nhỏ hoặc người già có bệnh phải nằm lâu, tránh để vi nấm mọc nhiều hoặc tồn đọng vi khuẩn gây lở loét.
Không tắm ngay sau khi đi nắng hoặc thường xuyên tắm rửa vì thời tiết nóng nực. Khi cơ thể ở ngoài nắng, có nhiệt độ cao, việc tắm ngay sẽ gây thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây đột quỵ. Tắm nhiều lần trong ngày cũng gây thay đổi nhiệt độ cơ thể liên tục, không có lợi cho sức khỏe. Một số phụ nữ có bệnh lý thần kinh như đau đầu căng cơ, đau đầu migraine (đau nửa đầu) không nên gội đầu trước khi đi nắng, tránh bị đau đầu, chóng mặt.
Bác sĩ Lê Thế Dũng, Phó trưởng khoa Hô hấp dị ứng, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột trước khi vào hè khiến các bệnh đường hô hấp phát triển, cần chủ động phòng bằng các biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc khi ra đường, tới những khu vực đông người. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, rửa tay thường xuyên để giữ cho bàn tay sạch sẽ.
Ngoài ra thường xuyên vệ sinh nơi ở, tạo không gian thoáng mát, tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển. Tăng cường các chất dinh dưỡng và thường xuyên tập thể dục, thể thao để nâng cao sức đề kháng.
Khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp, người bệnh thường bị sốt, ho, đau họng, hắt hơi, chảy nước mũi, khạc đờm, khó thở... cần được khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách. Nếu sốt cao hoặc ho khạc đờm có màu xanh, vàng, người bệnh cần làm xét nghiệm chẩn đoán bị nhiễm loại vi khuẩn hay virus nào để được điều trị phù hợp.
Chi Lê