Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, chiều 8/4 cho biết Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành...
Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. Việc phòng bệnh là rất quan trọng đối với người cao tuổi.
Thống kê nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính có nguy cơ cao hơn mắc Covid-19, bệnh cảnh nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc COPD; 6,0% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư. Tám trong số 10 ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ là người cao tuổi.
Tại Việt Nam, có 17 trong 245 trường hợp bệnh nhân nhiễm nCoV đều là người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền mạn tính.
Theo ông Khuê, phòng ngừa lây nhiễm bệnh Covid-19 không chỉ giúp phòng tránh lây lan bệnh ở một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong chung và còn góp phần trì hoãn đỉnh dịch, tránh nguy cơ quá tải cho hệ thống y tế.
Bởi vậy, Chính phủ và ngành Y tế luôn coi người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hôm nay quyết định ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch bệnh. Tài liệu này được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đề nghị người già, người có các bệnh lý nền, hạn chế tối đa việc ra ngoài, đến khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.
Những người này khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sĩ gia đình. Trong trường hợp thực sự cần thiết, diện cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (như hết thuốc, cần chỉnh liều...). Luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài.
Các địa phương thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ đầy đủ, ưu tiên khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác. Các cơ sở y tế cấp phát thuốc điều trị cho bệnh mạn tính cho nhóm người này với thời gian dài hơn so người khác, tối thiểu 2 tháng.