Trong một chia sẻ mới đây nhân ngày giỗ thứ 23 của Trịnh Công Sơn (1/4/2001-1/4/2024), ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - nói cổ vũ lớp trẻ làm mới nhạc Trịnh với rap, EDM thay vì chỉ hát theo kiểu Khánh Ly. Nổi bật nhất trong thế hệ nghệ sĩ trẻ muốn làm mới nhạc Trịnh có thể kể đến Hà Lê khi phối lại các ca khúc kinh điển theo thể loại World Music, EDM, Reggae. Nhiều ca sĩ Gen Z cũng thử sức mình với nhạc Trịnh như như Mỹ Anh với Nhìn những mùa thu đi, Juky San "cover" Tuổi đá buồn, hay Nắng thủy tinh (Avin Lu và Suni Hạ Linh).
Ủng hộ nỗ lực cách tân nhạc Trịnh của các nghệ sĩ trẻ, độc giả Minh Phương chia sẻ: "Không nên đóng khung nhạc Trịnh trong một cách thể hiện duy nhất. Muốn nhạc Trịnh sống lâu bền, tiếp cận nhiều người nghe và cả thu được tác quyền tương xứng thì âm nhạc của Trịnh Công Sơn cần được vang lên nhiều hơn nữa. Khán giả quá khó tính thì ca sĩ cũng không dám hát nhạc Trịnh nữa và dần mai một. Cá nhân tôi thích nhạc Trịnh phối bossa nova.
Nhạc Trịnh cũng là âm nhạc bình thường, rất giản dị, không cấu trúc phức tạp hay thách thức gì về kỹ thuật thanh nhạc, rất bình dân và gần gũi... Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng thoải mái với những cách thể hiện khác nhau của các ca sĩ. Thế nên, chúng ta cũng phải để cho các ca sĩ trẻ làm mới nhạc Trịnh theo phong cách riêng của họ. Âm nhạc phải được sống động thì mới được bảo tồn. Chứ âm nhạc không thể đóng khung, treo trong bảo tàng, làm thế là giết chết âm nhạc. Sao có thể bắt giới trẻ nghe những hòa âm cũ kỹ với chất lượng âm thanh từ thời xưa được".
Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Quốc Việt nhận định: "Với góc nhìn người nghe nhạc, tôi nghĩ việc làm mới nhạc Trịnh sẽ là xu hướng tất yếu, cũng giống như với cải lương, chèo, sẩm... Xu hướng này chắc chắn sẽ khiến những người theo tư tưởng bảo thủ (kiểu người hoài cổ, không muốn thay đổi) phản đối. Nhưng đó là quy luật chung, xã hội thay đổi, mọi thứ sẽ thay đổi theo, mà trong quá trình đó ắt sẽ phát sinh mâu thuẫn. Vấn đề ở đây là chúng ta cần nhìn nhận sản phẩm âm nhạc là để phục vụ khán giả, phục vụ thị hiếu, cung cấp món ăn tinh thần và nó sẽ phải ngày càng đa dạng. Khán giả sẽ quyết định sản phẩm nào còn tiếp tục tồn tại, sản phẩm nào bị đào thải".
"Lớp trẻ luôn ưa thích sự sôi động, đơn giản, phá cách... nên họ làm mới các ca khúc cũ, không những chỉ là nhạc Trịnh, mà còn của nhiều nhạc sĩ khác, nhiều thể loại âm nhạc khác, và đó là điều bình thường (tất nhiên là có giới hạn). Không thể cứ bắt họ ngồi nhìn mưa rơi bên phin cà phê tí tách để nghe Khánh Ly mãi được. Nó quá già cỗi", độc giả HN bổ sung thêm.
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc KA nhấn mạnh: "Âm nhạc lúc nào cũng cần đổi mới cho kịp thời đại. Với những người không thích nhạc Trịnh phối kiểu mới, thì cứ việc nghe các bản thu cũ của Khánh Ly. Còn tôi ủng hộ các nghệ sĩ trẻ tìm ra những công thức mới để làm mới những điều đã cũ. Ngày xưa Khánh Ly hát nhạc Trịnh, rồi đến Hồng Nhung, Cẩm Vân, Quang Dũng... Đó cũng đều là những thế hệ ca sĩ trẻ tiếp nối bước chân của tiền bối. Thế nên, hãy để dòng chảy đó được diễn ra tự nhiên, ai không thích thì có thể bỏ qua. Nghệ thuật không có biên giới, không có cưỡng cầu".
>> Nhạc Trịnh 'mất chất' khi phối rap?
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm với những bản phối làm mới nhạc Trịnh của các ca sĩ trẻ bây giờ, thậm chí còn coi hành động đó làm mất đi cái chất vốn có của dòng nhạc này. Độc giả Long long nêu ý kiến: "Nhạc Trịnh tồn tại mãi với thời gian không phải do được làm mới, không phải do phù hợp với thời đại mới. Không ai cần hay đòi hỏi bạn phải đeo cà vạt, đi giày Tây, ngồi máy bay, quán bar mà nghe nhạc Trịnh cả.
Chỉ khi tâm tưởng của bạn ngập chìm trong dĩ vãng, trong hoài niệm, suy tưởng nhân sinh, ngồi trong một quán nhỏ lúc chiều tà với một ly cà phê, hay dạo bước trên đường vắng với lá rơi... thì những ca khúc của Trịnh Công Sơn mới thực sự đúng chất. Đừng lôi rap hay EDM vào nhạc Trịnh vì nó rất khiên cưỡng, gượng ép. Cũng như không ai cần phải nghe nhạc Trịnh mỗi sáng thức dậy với lý do muốn bài hát sống mãi với thời gian".
Lo ngại việc làm mới vô tình khiến mất đi cái chất riêng nhạc Trịnh, bạn đọc Người Việt cho rằng: "Âm nhạc là sự đồng cảm của người sáng tác và người nghe về mặt âm điệu, ca từ và trên hết là cảm xúc. Không loại trừ những thay đổi nhỏ để đề cao phương diện cảm xúc nhưng mỗi từ, mỗi âm đều là một sự chắt lọc, tinh túy để mang đến sự giao hòa của âm, thanh và dẫn đến cảm. Tôi không phản đối ca sĩ cover lại nhạc Trịnh nhưng tôi cực ghét những thay đổi phá vỡ cảm xúc".
"Quan điểm làm mới nhạc Trịnh để phù hợp với một bộ phận lớp trẻ bây giờ là một sai lầm. Thử tưởng tượng phố cổ Hà Nội mà người ta mở đường cho to rộng, xây những cao ốc cao chót vót, sang trọng thì liệu có còn gọi là phố cổ nữa không? Nếu sợ âm nhạc xưa không tồn tại nổi với thời gian thì người ta đã pha rap và nhạc điện tử vào Opera từ lâu rồi", độc giả Lexuanthach bày tỏ quan điểm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.