Xung quanh xu hướng hát nhạc Trịnh theo phong cách R&B hay rap của một số ca sĩ trẻ, nhiều độc giả VnExpress đánh giá là "mất chất":
Đặc điểm tuyệt vời của dòng nhạc Trịnh là nội dung bài hát, và ý nghĩa cốt lõi nằm ở những "ca từ đặc biệt" mà tác giả dùng, rất gần gũi, giản dị nhưng ý nghĩa sâu xa, rất nhiều màu sắc. Chỉ cần chất giọng tốt, biết cảm nhận và hòa mình vào câu chuyện trong mỗi bản nhạc của tác giả thì hát chay, hát mộc cũng rất tuyệt. Chứ hòa âm, phối nhạc, rồi bắn ráp ầm ầm, dùng nhạc cụ bừa bãi thì mất hết chất.
Cảm xúc tình cảm của con người là liên tục, đâu phải lúc có lúc không như hát kiểu ca sĩ trẻ bây giờ. Thế nên, nghe xong người ta không thấy hay vì không cảm được nội dung tinh thần của bài hát. Mà bây giờ có nhiều ca sĩ "chơi" nhạc, không còn là "hát" nhạc nữa. Họ hiểu lầm đổi mới sáng tạo nghĩa là muốn hát sao thì hát bất chấp giai điệu nhạc luôn gắn liền với lời ca tạo nên cảm xúc nội dung, cũng là tinh thần của bài hát.
Nhạc Trịnh là lời tự tình mộc mạc, chân chất. Người hát bình thản, tự nhiên như kể chuyện, không lên gân, lên cốt, và đặc biệt giọng hát nhạc Trịnh phải có độ chậm lạ, thong thả, trải đời. Không phải cứ đưa kỹ thuật luyến láy vào là sáng tạo, là thành công với nhạc Trịnh. Nếu muốn sáng tạo, bạn phải tìm ra một góc nhìn, một cách tự tình chân chất khác... Những bài hát được phối lại bây giờ không dở, nhưng cũng không đủ để người ta phải tìm nghe lần thứ hai.
Với nghệ thuật, anh làm gì cũng được, nhưng sáng tạo là khác biệt chứ không phải dị biệt, ranh giới đó rất mong manh. Chìa khóa ở chỗ anh làm gì nhưng nó vẫn phải kết nối được giữa cái cũ và cái mới, cái cổ với cái kim, truyền thống với hiện đại, để lúc đó mọi tầng lớp đều tìm thấy giá trị riêng nào đó cho riêng họ. Lúc đó, anh mới thành công.
>> 'Thà hy sinh nghệ thuật còn hơn đánh mất văn hóa'
Trong khi đó, với quan điểm trái chiều, không ít ý kiến lại ủng hộ việc làm mới nhạc Trịnh bằng các phong cách khác nhau:
Tôi rất tôn trọng những giá trị đã làm nên sự bất tử và đi vào lòng người của nhạc Trịnh với những bản phối trước đây. Nhưng tôi cũng rất trân trọng những bản phối mới, phá cách được làm lại bằng chính sự tâm huyết của nghệ thuật sáng tạo của thế hệ đương đại, hiện tại. Chúng ta hãy để âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung được sáng tạo và đa dạng trên tinh thần cởi mở và đón nhận. Nghe là để cảm, cảm là để thấy mình được thoải mái với những điều mà âm nhạc mang lại. Nếu hoài cổ và thích chất thơ mộc, chất đời, bạn có thể tìm lại những bản phối đã gắn liền bao thế hệ qua năm tháng. Còn muốn đổi khẩu vị thì hãy thử chọn dòng nhạc đương đại mới mẻ này. Áp đặt và mặc định cái suy nghĩ cá nhân là điều không nên.
Người lớn tuổi thích nghe Khánh Ly, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc... hát nhạc Trịnh. Người trẻ như chúng tôi cũng yêu nhạc Trịnh, cũng thích và tôn trọng các nghệ sĩ thời trước, nhưng điều đó không có nghĩa là không ai được hát nhạc Trịnh kiểu mới. Bản thân tôi thấy bản phối lại rất hay, ít nhất là đem lại thứ cảm xúc lạ, sâu và nồng nàn mà có khi thế hệ gần 30 tuổi như tôi lại dễ cảm nhận, dễ thấy, dễ phù hợp hơn. Và đó không phải bẻ cong quá khứ.
Điều gì sẽ ở lại nếu không có những người trẻ tiếp nối? Thế hệ trước đừng quá khắt khe với những điều mới mẻ, đừng cố gói âm nhạc Trịnh Công Sơn trong miền ký ức của mình, để rồi một ngày nó không thể nào thoát ra khỏi lịch sử để đi đến tương lai.
Nghệ thuật là sáng tạo, cảm thụ, và mỗi thế hệ có một cách suy nghĩ khác nhau. Không nên đóng khung một giá trị nào đó. Có thể bạn cho rằng hát thế là làm hỏng tác phẩm, nhưng chúng tôi lại cho rằng đó là góc nhìn mới mẻ. Thế hệ trước có thể không thấy hay, nhưng thế trẻ không sống trong thời bao cấp khổ ải, lại thấy phù hợp với góc nhìn của họ trong thế giới hiện tại. Không nên đóng khung theo suy nghĩ của bản thân.
>> Bạn nghĩ gì về việc hát nhạc Trịnh theo phong cách R&B, rap? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net