Trò chuyện nhân ngày giỗ thứ 23 của Trịnh Công Sơn (1/4/2001-1/4/2024), ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết gần đây, bà quan sát kỹ hơn về đời sống nhạc trẻ, trong đó có nhiều ca sĩ gen Z làm mới nhạc Trịnh. Trước nhiều ý kiến khán giả cho rằng âm nhạc của ông "dần bị phá nát", pha trộn với rap, nhạc điện tử (EDM), ca sĩ cho rằng bản thân bà có cái nhìn cởi mở hơn về cách tiếp cận nhạc Trịnh trong thời đại mới.
"Nhạc Trịnh không thể chỉ hát mãi theo cách của Khánh Ly. Khán giả trẻ hiện tại chuộng thưởng thức nhạc Trịnh với bản phối, màu sắc khác, nhiều người trong số họ không thích nghe bản thu của các danh ca thế hệ trước. Chúng tôi nhận ra rằng nên mở rộng tấm lòng để đón nhận, trao cho các ca sĩ trẻ cơ hội, để âm nhạc Trịnh Công Sơn tiếp tục có đời sống mới", bà Trịnh Vĩnh Trinh nói.
Trong các nghệ sĩ thử nghiệm nhạc Trịnh gần đây, bà Trịnh Vĩnh Trinh ấn tượng Hà Lê, khen những nỗ lực cách tân của anh khi phối lại các ca khúc kinh điển theo thể loại World Music, EDM, Reggae. Bà từng xem anh biểu diễn trên một show tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, hát các ca khúc Ở trọ, Mưa hồng, Biển nhớ theo phong cách vui tươi, tung tẩy, tạo sự hứng khởi cho người nghe. "Khi Hà Lê cất giọng, cả gia đình tôi 'ồ' lên, cảm nhận được sự mới mẻ chưa từng có với nhạc Trịnh", ca sĩ cho biết.
Năm 2022, dự án Gen Z với nhạc Trịnh gây chú ý khi nhiều giọng ca đôi mươi làm mới nhạc Trịnh, như Nhìn những mùa thu đi (Mỹ Anh), Tuổi đá buồn (Juky San), Nắng thủy tinh (Avin Lu và Suni Hạ Linh). Dù một số bản thu bị chê hời hợt, không rõ lời, bà tôn trọng phong cách trình bày của các nghệ sĩ trẻ. "Tôi nghe qua và thấy mới lạ, cảm nhận được nỗ lực của các em. Khi đưa bài Mỹ Anh cho con của tôi - cũng đồng trang lứa với ca sĩ, cháu khen cô bé hát hay", bà Trịnh Vĩnh Trinh nói.
23 năm Trịnh Công Sơn qua đời, gia đình đau đáu việc nối tiếp di sản âm nhạc ông để lại. Trịnh Vĩnh Trinh nói một trong những dự án mới gia đình tâm huyết là sự kết hợp với Đại học Fulbright Việt Nam thành lập Nhóm nghiên cứu và biểu diễn nhạc Trịnh.
Tiến sĩ Nguyễn Nam, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu nhạc Trịnh, cho biết dự án bao gồm việc đi sâu tìm hiểu cuộc đời lẫn âm nhạc của ông, từ bối cảnh lịch sử đến văn hóa - nghệ thuật, triết học, tôn giáo. Thành viên nhóm là các sinh viên khát khao tìm hiểu về nhạc Trịnh, mong khoác "chiếc áo mới" cho những tác phẩm bất hủ của ông, từ đó lan tỏa các giá trị tích cực đến thế hệ trẻ. Họ dự định tổ chức một concert vào tháng 3/2025 mang tên Cùng về vòng tay mẹ, gồm các bài hát về mẹ của Trịnh Công Sơn.
Nhóm đang lên kế hoạch thực hiện podcast Trịnh Công Sơn của tôi và chúng ta, với các mẩu chuyện từ ký ức người thân, bạn hữu về cố nhạc sĩ. Họ cũng dự định tổ chức các tọa đàm theo chuyên đề, dựa trên chương mục của sách Trịnh Công Sơn và Bob Dylan - Những tiểu luận về chiến tranh, tình yêu, viết nhạc và tôn giáo, do giáo sư John Schafer thực hiện, phát hành tháng 12/2023.
Theo Trịnh Vĩnh Trinh, để nhạc Trịnh được tiếp cận thế hệ mai sau, cần có những người đi đầu trong việc hệ thống, nghiên cứu triết lý trong kho tàng hơn 600 ca khúc. Trịnh Vĩnh Trinh khuyến khích các ca sĩ trẻ tìm hiểu về ý nghĩa, lời ca của ông trước khi quyết định thu âm. Trái suy nghĩ nhiều người cho rằng ca từ ông sâu xa, trừu tượng, nhạc Trịnh thực chất bình dân và gần gũi. Trịnh Vĩnh Trinh từng cùng anh và bạn thân ông - nhà văn Nguyễn Quang Sáng - về các vùng quê, nghe các ca khúc Nối vòng tay lớn, Hãy yêu nhau đi vang lên từ những người dân đang gặt lúa, cày ruộng. "Tôi nghĩ nhạc Trịnh có sức phổ biến đến vậy nhờ bởi những lời ca mà khi hát lên, đông đảo khán giả đều cảm nhận những gì gần gũi, thân thương và thấy mình trong đó", em gái nhạc sĩ nói.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, mất ngày 1/4/2001. Ông có khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình.
Nhiều tên tuổi gắn liền nhạc của ông. Trong các ca sĩ từng hát nhạc Trịnh, Khánh Ly được xem là giọng hát biểu tượng. Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn lần đầu năm 1964, khi bà đang hát ở Đà Lạt. Năm 1967, hai người gặp lại ở Sài Gòn. Với chất giọng khàn, sâu lắng, lên cao vẫn vang sáng cùng lối hát bạch thanh, bà ghi dấu trong phần lớn bài nhạc Trịnh, đặc biệt là loạt ca khúc Da Vàng. Từ đây, hai nghệ sĩ bắt đầu một trong những sự hợp tác nghệ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Sự kết hợp không chỉ giúp tên tuổi cả hai vang danh trong nước, mà còn gây chú ý ở nước ngoài, với hai triệu đĩa ca khúc Ngủ đi con được bán ra tại Nhật.
Mai Nhật