Thông điệp này được lãnh đạo Chính phủ nêu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2021 (VCSF 2021), ngày 9/12. Đây là năm thứ 7 VCSF được tổ chức trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống (biến đổi khí hậu, nước biển dâng), nhất là dịch Covid-19 tác động nặng nề tới phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Theo Phó thủ tướng, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung không thể đảo ngược tại các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ.
Trong xu hướng chuyển dịch tăng trưởng xanh, cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về giảm phát thải khí nhà kính ròng về 0 tại hội nghị COP 26 và bối cảnh Covid-19, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh sự góp sức từ cộng động doanh nghiệp cho mục tiêu phát triển bền vững này.
"Đừng coi phát triển bền vững chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn, mà gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tất cả doanh nghiệp dù nhỏ, nên theo đuổi triết lý, giải pháp cụ thể để xây dựng doanh nghiệp theo hướng bền vững ngay từ đầu", ông nhấn mạnh.
Với Việt Nam, hiện mới có 2 mục tiêu phát triển bền vững là giáo dục, tiêu dùng - sản xuất có trách nhiệm được đánh giá là hoàn thành. Số mục tiêu còn lại như về hạ tầng, tài nguyên biển, đất... còn khoảng cách rất lớn để đạt mục tiêu cuối cùng.
Ông nhìn nhận, để hoàn thành tất cả mục tiêu phát triển bền vững là thách thức rất lớn với các quốc gia, ngay cả nước phát triển nhất. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nhiều khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn đưa ra cam kết mạnh mẽ.
"Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững nếu không có sự tham gia của người dân, không có quyết tâm đẩy mạnh hợp tác công - tư với vai trò nòng cốt của doanh nghiệp", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ở khía cạnh này, kết quả khảo sát nhanh của VCCI tại các doanh nghiệp trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, doanh nghiệp theo đuổi triết lý, con đường phát triển bền vững đều phục hồi nhanh hơn.
Dịch Covid-19 là cú hích để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, tập trung nguồn lực thiết kế khung quản trị rủi ro... Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, từ đó phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Khi dịch được khống chế, kinh tế phục hồi, trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã tạo dựng, họ sẽ có nền tảng vững vàng để sớm phục hồi, quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, những doanh nghiệp xây dựng được cho mình các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn và kiên cường hơn so với các doanh nghiệp khác. Thậm chí, không ít doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tìm được cơ hội bứt phá, vươn lên, bảm đảm việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường...
"Áp dụng mô hình kinh doanh, quản trị bền vững chính là vaccine giúp doanh nghiệp tăng hệ thống miễn dịch trước những biến động. Khả năng chống chịu đang trở thành năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và các doanh nghiệp", ông nói.
Thách thức lớn nhất trong phát triển bền vững, "xanh hoá" doanh nghiệp được Chủ tịch VCCI nhắc đến là nhận thức, nguồn lực tài chính và công nghệ lạc hậu, năng suất thấp... Để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, coi phát triển bền vững là con đường tất yếu, duy nhất giúp doanh nghiệp trụ vững.
"Phát triển bền vững là cơ hội tạo ra giá trị môi trường, giá trị xã hội cho doanh nghiệp với hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD. Chẳng hạn, trong kinh tế tuần hoàn mỗi năm có hàng nghìn tỷ USD cơ hội thị trường, đi cùng là hàng triệu việc làm mới, hàng nghìn mô hình kinh doanh mới được tạo ra", ông Công nhìn nhận.
Anh Minh