Chia sẻ với VnExpress sau hội nghị Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp ngày 8/8, ông Trương Gia Bình - trưởng Ban nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết đã kiến nghị Chính phủ cần có quan điểm về "doanh nghiệp xanh" để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Theo đó, quan niệm về "doanh nghiệp xanh" gồm doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về an toàn người lao động, sản xuất. Chẳng hạn, với doanh nghiệp sản xuất xanh thì tiêu chí là toàn bộ nhân viên, người lao động được tiêm đủ vaccine; mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp ngoài doanh nghiệp. Quy trình ứng xử với Covid-19 tại đây áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất.
Còn với khối dịch vụ như vận tải, logistics, doanh nghiệp xanh là có lái xe, nhân viên logistics làm việc tại hiện trường (kho, bãi, cảng...) được tiêm đủ vaccine, được cấp QRcode về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K để đi lại, giao tiếp. Việc này giúp vận chuyển, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Ngoài ra ông Bình nói, việc hình thành các loại hình doanh nghiệp sản xuất xanh, vận tải, logsitics xanh là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, các trang trại xanh...
Nhưng muốn thiết lập được "doanh nghiệp xanh", Trưởng ban IV cho rằng, Chính phủ cần giao chỉ tiêu, trách nhiệm cho từng địa phương về tỷ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn trên cơ sở chủ động tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vaccine tiêm cho người lao động...
Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan cấp QRcode cho tất cả đối tượng hoàn thành tiêm phòng trên nền tảng công nghệ để làm điều kiện vận hành cho doanh nghiệp xanh, mà không đòi hỏi các giấy tờ, yêu cầu thủ tục có tính hành chính như hiện nay.
Các bộ cần rà soát, tháo gỡ ngay các quy định không còn phù hợp với khó khăn thời dịch, như phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp 2020 để nhận hỗ trợ vay trả lương, thời gian làm thêm trong tuần, ngày hay yêu cầu người lao động phải không còn đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận hỗ trợ ngừng việc...
Để có cơ chế giám sát hiệu quả, ông Bình đề xuất Chính phủ sử dụng nguyên tắc huy động giám sát toàn dân kết hợp chế tài nghiêm để đảm bảo mọi việc trong những giai đoạn khó khăn này không diễn biến bất cập như những ngày qua.
Một trong số giải pháp là Chính phủ chỉ đạo một cơ quan đầu mối triển khai nhanh chóng hệ thống đường dây nóng với đội ngũ tổng đài chuyên trách 24/7 tiếp nhận các vấn đề từ doanh nghiệp.
"Việc thiết lập các doanh nghiệp xanh tiến tới hình thành các vùng xanh tại Việt Nam sẽ giúp duy trì sản xuất kinh doanh trong nước, tăng niềm tin từ các đối tác quốc tế", Trưởng ban IV nhấn mạnh.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 tại nhiều tỉnh, thành khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp chờ giải thể là 28.038, tăng gần 29% so với cùng kỳ 2020. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 11.384, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2020. Bình quân mỗi tháng có khoảng 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế, hết tháng 7, tổng số tiền bị nợ do ngành này quản lý ước trên 116.800 tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2020 và tăng 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6.
Anh Minh