Theo số liệu của trang Box Office Vietnam, sau tuần đầu công chiếu, Cậu Vàng thu khoảng hai tỷ đồng, đứng thứ tư phòng vé. Phim không tạo được hiệu ứng tích cực và nhiều khả năng chịu lỗ nặng, khi ngân sách được đoàn tiết lộ khoảng "vài chục tỷ".
Nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm có nhiều sạn, kịch bản chưa hợp lý. Tài khoản Nguyễn Tuấn Duy bình luận trên fanpage Facebook của bộ phim: "Phim quá nhiều lỗi. Âm thanh, hình ảnh, ánh sáng làm ẩu. Nhiều đoạn kỹ xảo không xóa hết phông xanh, phông vàng. Binh Tư mặc quần bò, đi giày da...".
Tính chân thực của tác phẩm là điểm bị chê nhiều nhất. Êkíp đầu tư phục dựng bối cảnh làng quê Bắc Bộ nhưng không tái hiện được đời sống kham khổ của người dân trong thời kỳ nạn đói hoành hành. Một vài đoạn về cuộc sống Lão Hạc nhắc đến cái nghèo nhưng lạc lõng giữa hàng loạt phân cảnh làng mạc, đình đền khang trang, sạch sẽ và dàn diễn viên vui tươi. "Tạo hình diễn viên bóng bẩy quá. Ví dụ cô gái nông thôn xưa mà da trắng mịn, khuôn trăng đầy đặn. Phim không tạo cảm giác nghèo khó của nông thôn thời xưa", khán giả Chu Việt Phương bình luận trên VnExpress.
Trên mạng xã hội, một số khán giả chỉ ra nhiều phân đoạn chưa hợp lý. Binh Tư suốt ngày uống rượu nhưng thân hình sáu múi, một mình có thể đối đầu cả đám đông. Cậu Vàng trong phim cao chưa quá đầu gối người nhưng có thể dọa, đuổi cả đám tay sai của Lý Cường. Bà ba nhà Bá Kiến sợ bị hai vợ trước đuổi khỏi nhà nếu không thể sinh con. Tuy nhiên, bà hai cũng không đẻ cho ông Bá đứa trẻ nào...
Đa phần khán giả bày tỏ thất vọng khi phim có bối cảnh, hình tượng các nhân vật Lão Hạc, cậu Vàng... khác nguyên tác truyện của Nam Cao. Đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết phim chỉ lấy cảm hứng từ truyện Lão Hạc và phát triển theo hướng khác, thay vì trung thành nguyên tác. "Tôi nghĩ việc sáng tạo vẫn giữ tinh thần gốc, vì bố vợ tôi đã được cụ Hồng - con gái lớn của Nam Cao - tán đồng về nội dung phóng tác. Chúng tôi không tái hiện cuộc sống nghèo khổ trước năm 1945, mà hướng đến một tác phẩm về luật nhân - quả, bài học đối nhân xử thế", anh cho biết.
Tác phẩm cũng bị phê bình ở các khâu kỹ thuật làm phim. Độc giả Doun nhận định êkíp nhập nhằng giữa thể loại điện ảnh và truyền hình. Kịch bản Cậu Vàng không có cấu trúc rõ ràng về mặt chương, hồi. Đạo diễn chỉ kể lần lượt các tình tiết khiến mạch phim vốn nhiều nhân vật trở nên lộn xộn. Ngôn ngữ hình ảnh trong phim bị nhận xét khá đơn điệu, nặng về mặt tả thật và không ấn tượng. Nửa đầu phim tạo cảm giác giống các tiểu phẩm hài chủ đề làng quê thường được phát hành mỗi dịp Tết cuối năm.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến chê màu sắc của phim thiếu hài hòa, nhất là ở những cảnh hồi tưởng quá khứ. Một số đoạn tiếng động bị lệch khỏi hình, khi Lý Cường tát tay sai vài giây sau mới có âm thanh. Nhiều đoạn thoại nhân vật nói thầm thì tiếng to, nhân vật hét tiếng lại nhỏ. Nhạc nền bị sử dụng không hợp lý, khi Lão Hạc vui mừng Vàng không ăn phải bả chó, êkíp vẫn sử dụng một bản nhạc buồn khiến khán giả bối rối về cảm xúc.
Bên cạnh những lời chê, phim cũng chịu làn sóng phản đối từ một bộ phận khán giả không hài lòng với khâu tuyển chú chó đóng Cậu Vàng. Nhiều ý kiến không hài lòng về tạo hình Vàng. "Nghệ thuật đúng là tự do sáng tạo. Nhưng tôi vẫn thích trong phim là một chú chó vàng thân quen của Việt Nam. Chó ta đẹp đẽ, thông minh, tình cảm. Đưa giống chó Nhật vào phim, nó bị lệch tông thế nào ấy", độc giả Lê Nam nhận xét. Trước khi phim ra mắt, nhiều người phản đối việc chọn chó giống Shiba vào vai chính vì sợ ảnh hưởng tới giá trị hiện thực của tác phẩm. Đại diện êkíp cho biết không tìm được chú chó nào phù hợp, thỏa mãn các yêu cầu của đạo diễn hơn.
Đạo diễn Trần Vũ Thủy nói: "Không ít đồng nghiệp nghĩ tôi cố tình dùng chiêu trò, tạo scandal để phim gây chú ý. Bạn bè hiểu thì an ủi, cho rằng có thể nhiều người kỳ vọng để rồi thất vọng vì thấy phim khác những gì họ mong đợi. Tôi chỉ mong những khán giả đó ra rạp, cho phim một cơ hội để đánh giá khách quan, công bằng hơn với tác phẩm".
Đạt Phan