Lão Hạc bị Lý Cường - con trai Bá Kiến (Will đóng) - ép bán mảnh vườn. Chứng kiến cảnh người trong làng bị lính tráng đánh đập, giam cầm vì không có tiền nộp thuế, lão nói với vợ giáo Thứ (Thanh Hoa): "Sao họ ác thế hả bà giáo? Cùng người làng với nhau mà cư xử như loài ác thú".
Đối lập với sự cùng khổ của dân là cuộc sống giàu sang của gia đình Bá Kiến (Hữu Châu). Những người vợ chính, vợ lẽ đấu đá, cạnh khóe nhau qua câu thoại: "Nề nếp nhà này, không biết đẻ là bị tống ra ngoài đường". Con trai Bá Kiến còn nảy sinh ý đồ xấu với một người vợ lẽ (Băng Di) của cha dù cô đang mang thai. Cuối video, Cậu Vàng tấn công Lý Cường khi bị dồn đến chân tường.
Phim do cố nghệ sĩ Bùi Cường - từng đóng Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy - chấp bút, là tâm nguyện cuối đời của ông. Đạo diễn Trần Vũ Thủy tuyển chọn dàn diễn viên ở hai miền, như Chiều Xuân (vợ cả Bá Kiến), Khánh Huyền (vợ hai Bá Kiến), Trần Lê Nam (giáo Thứ), Bích Ngọc (Cải, người yêu Cò - con trai Lão Hạc), Thanh Bình (Lê Văn), Chiến Thắng (thầy Hoàng).
Đoàn làm phim gây tranh cãi khi chọn chó Shiba - giống chó đặc trưng của Nhật Bản - đóng vai Cậu Vàng. Đại diện êkíp cho biết họ không tìm được chú chó nào phù hợp hơn. Ban đầu, êkíp định chọn chó thuần Việt, tuy nhiên, sau quá trình huấn luyện, con vật không đáp ứng được nhiều kỹ thuật khó của vai do quen lối sống tự nhiên. Ngược lại, chú chó Shiba thỏa mãn các yêu cầu của đạo diễn như: chó đực, thông minh, phản ứng nhanh nhẹn, thân thiện... đồng thời vượt qua nhiều bài kiểm tra. Khi lên màn ảnh, con vật được tạo hình để giống chó Việt hơn, mang lại cảm giác gần gũi.
Lão Hạc được Nam Cao sáng tác năm 1943, nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn. Tác phẩm là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Năm 1982, Lão Hạc, cùng hai tác phẩm khác của Nam Cao là Sống mòn và Chí Phèo, được dựng thành phim Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn: NSND Phạm Văn Khoa). Vai Lão Hạc được giao cho diễn viên - nhà văn Kim Lân.
Tam Kỳ