* Bài viết tiết lộ tình tiết phim
Lấy cảm hứng từ truyện ngắn của cố nhà văn Nam Cao, phim kể về chú chó Vàng, sống cùng Lão Hạc - ông nông dân nghèo - và cậu con trai duy nhất tên Cò tại làng Vũ Đại. Cò thương Cải cùng làng và luôn muốn cưới cô làm vợ. Biến cố xảy đến khi gia đình Cải thiếu thốn, bán cô đi ở đợ cho Bá Kiến. Thương người yêu, Cò ẩu đả với Lý Cường, con trai Bá Kiến. Cậu phải trốn đi làm đồn điền cao su trong miền Nam để tránh bị trả thù và kiếm tiền chuộc Cải. Lão Hạc sống cô quạnh bên Cậu Vàng và rơi vào tầm ngắm trả thù của cha con Bá Kiến.
Đặt tên tác phẩm là Cậu Vàng, đạo diễn Trần Vũ Thủy mở ra một hành trình riêng cho chú chó. Đoạn đầu, Vàng không đóng góp nhiều vào diễn biến chuyện nhưng đến cuối, phim dần thoát khỏi nguyên tác. Vàng phải tìm cách thoát khỏi lũ con buôn, tự tìm cách sinh tồn ngoài thiên nhiên và trở về trả thù cho Lão Hạc, người tự tử vì bị cha con Bá Kiến ép đến đường cùng. Cậu Vàng cũng có nhiều thời lượng để thể hiện khả năng diễn xuất, bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc từ vui vẻ cho đến giận dữ, thân thiện đến thù địch.
Hình ảnh Vàng tượng trưng cho sự phản kháng khi bị đẩy vào đường cùng. Thông điệp này nhiều lần được đạo diễn đưa vào các nhân vật trong phim như cha con Lão Hạc, vợ chồng giáo Thứ, Binh Tư, bà ba... Tuy nhiên, tất cả chỉ là hành động bột phát hoặc không được khai thác triệt để. Trong khi đó, Cậu Vàng trực tiếp giải quyết mâu thuẫn giữa hai gia đình Bá Kiến - Lão Hạc. Chú chó giống một anh hùng trừng trị cái ác, cho cha con địa chủ cái kết xứng đáng vì hành động mất tính người.
Kịch bản phim gần như tương đồng với nội dung truyện ngắn Lão Hạc, xoay quanh xung đột giữa tầng lớp thống trị và bị trị tại làng quê miền Bắc trước Cách mạng Tháng 8. Tuy nhiên, êkíp thay đổi một số tình tiết và tính cách nhân vật. Trái ngược nguyên tác, vợ ông giáo Thứ là người luôn chủ động giúp đỡ Lão Hạc, trong khi chồng luôn tìm cách trốn tránh vì sợ lũ cường hào, địa chủ. Vợ ba của Bá Kiến là người hiền dịu, nhân hậu và giàu lòng thương người...
Điểm sáng của phim là tái hiện thành công bối cảnh xã hội làng quê xưa. Tác phẩm được quay chủ yếu tại hai phim trường ở Đường Lâm và Ninh Bình, nơi nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên, làng cổ còn khá nguyên vẹn. Đạo diễn đem tới cho khán giả nhiều đại cảnh ruộng lúa, đồng hoa và phong cảnh non nước vùng châu thổ sông Hồng. Đôi bạn Cò - Cải vui đùa bên cánh đồng hoa cùng chú chó Vàng vẽ nên sự yên bình, dung dị của chốn làng quê. Ngày đầu đi ở đợ, Cải quỳ trước bậc thềm trong khi gia đình Bá Kiến ngồi ở gian trong. Cảnh phim tạo ranh giới phân biệt hai tầng lớp giàu nghèo trong xã hội...
Cuộc sống làng quê cũng hiện lên qua dàn nhân vật đông đảo của phim. Cậu Vàng tái hiện nhiều nhóm người trong xã hội, từ nông dân, gánh hát, thầy bói cho đến tri thức, địa chủ, chức sắc hay bè lũ tay sai, tội phạm. Các nhân vật không đơn điệu, chứa đủ các mảng sáng - tối trong tính cách. Lý Cường là tên ác bá vô nhân đạo nhưng si tình và luôn tự ti vì không được cha coi trọng. Binh Tư là tên côn đồ nát rượu, sẵn sàng làm mọi thứ vì tiền nhưng không phải kẻ vong ơn, bạc nghĩa.
Giàu hay nghèo, đa phần nhân vật đều chịu một bi kịch riêng trong xã hội phong kiến lạc hậu, nhiễu nhương. Bà ba vốn là cô thôn nữ mơ mộng, bị gia đình gả cho nhà giàu có lấy tiền. Số phận của cô cũng không khác cô hầu Cải khi được đặt cạnh nhau. Bá Kiến giàu có, quyền lực nhưng lận đận chuyện gia đình, con cái. Tất cả tạo nên một dàn nhân vật đa dạng về ngoại hình, chức danh và tính cách. Khán giả có thể phần nào hiểu hoặc đồng cảm với cả những phản diện trong phim.
Đạo diễn tập trung diễn tả cái nghèo của tầng lớp nông dân. Hình ảnh Lão Hạc đi chân đất, quần áo rách rưới, bụi bặm trong căn nhà lụp xụp cũng tăng tính chân thật, trái ngược những nhân vật quần là áo lượt được hé lộ ở trailer trước đó. Phim cũng mang đến nhiều phân đoạn giàu cảm xúc về số phận bi thảm của Lão Hạc hay tình làng xóm, tương trợ lẫn nhau khi khó khăn.
Bên cạnh đó, Cậu Vàng tái hiện nhiều phong tục tập quán, loại hình nghệ thuật dân gian. Các chàng trai, cô gái hát đối đưa tình trong ngày mùa. Gánh rối nước dọc theo dòng chảy con sông đến các ngôi làng biểu diễn mua vui cho người dân bản địa...
Dàn nhân vật đông đảo phần nào khiến mạch phim rời rạc, dài dòng. Êkíp phải dành nhiều thời lượng triển khai các câu chuyện phụ về Lý Cường, bà ba hay Binh Tư. Một số câu chuyện nhỏ không được triển khai hết. Vụ kiện của giáo Thứ với tầng lớp quan lại chưa đi đến hồi kết. Xung đột giữa cha con Bá Kiến - Lý Cường bị bỏ ngỏ. Cuộc chiến "hậu cung" của ba bà vợ ít được nhắc tới trong phim. Các vai vợ chồng ông giáo Thứ, Bá Kiến cùng hai bà vợ đầu không tạo nhiều điểm nhấn.
Tiết tấu phim chậm, không có nhiều nút thắt bất ngờ. Cách kể chuyện theo hướng liệt kê sự việc, không tạo kịch tính hay hứng khởi cho người xem. Các cú hích trong phim chưa đủ lớn để phát triển câu chuyện một cách hợp lý. Chuyển biến tính cách các nhân vật diễn ra có phần đột ngột, ngẫu hứng, chưa đủ thuyết phục. Tác phẩm còn nhiều tình tiết không liên quan đến diễn biến chính.
Chọn nhân vật chính là động vật, một số cảnh tương tác giữa chó và người còn gượng gạo, chưa thể hiện hết được ý đồ của đạo diễn, biên kịch. Nửa đầu bộ phim, Cậu Vàng giống vai phụ hơn khi phim chủ yếu khai thác cuộc đời những nhân vật khác. Tuy nhiên, chú chó tỏa sáng ở đoạn cuối khi đóng đạt nhiều cảnh khó, đòi hỏi khả năng biểu đạt nội tâm hay hành động.
Tác phẩm do cố nghệ sĩ Bùi Cường - từng đóng Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy - chấp bút trước khi qua đời. Đạo diễn Trần Vũ Thủy - con rể ông - thực hiện di nguyện và làm phim. Tác phẩm quy tụ dàn diễn viên đông đảo ở hai miền, như Viết Liên (Lão Hạc), Hữu Châu (Bá Kiến), Will (Lý Cường), Chiều Xuân (vợ cả Bá Kiến), Khánh Huyền (vợ hai), Băng Di (Vợ ba), Trần Lê Nam (giáo Thứ)...
Đạt Phan