- Vì sao hai năm qua, anh quyết tâm làm phim "Cậu Vàng"?
- Tôi dồn tâm huyết thực hiện phim sau khi bố vợ tôi - cố nghệ sĩ Bùi Cường - qua đời. Sinh thời, suốt 10 năm rong ruổi quay phim từ Bắc vào Nam, ông đặt tâm tư viết kịch bản Cậu Vàng, lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nam Cao. Ông cũng muốn tri ân đạo diễn Phạm Văn Khoa - người từng giúp ông ghi dấu với vai Chí Phèo của Làng Vũ Đại ngày ấy. Khi ông mất đột ngột, chúng tôi lao đao như rắn mất đầu, vì danh tiếng nghệ sĩ Bùi Cường bảo chứng cho phim. Tôi ba lần bốn lượt bàn với nhà đầu tư, thuyết phục họ có thêm niềm tin đồng hành cùng tác phẩm.
Cậu Vàng là vai tôi đau đáu nhất. Trong phim, Cậu Vàng là trung tâm kết nối các nhân vật, giúp kịch bản liền mạch. Ban đầu, chúng tôi tìm được khoảng tám chú chó giống Việt, đưa đi đào tạo ở trung tâm. Theo thời gian, chúng không đáp ứng được tiêu chí êkíp đề ra. Cậu Vàng không chỉ là một chú chó bình thường, mà mang đầy đủ cảm xúc: vui buồn, tức giận, cào cấu, cắn xé khi phản kháng... Ngay cả khi tìm được con chó như yêu cầu, việc hợp tác vốn không dễ vì chó thường chỉ nghe lời chủ. Chú chó giống Shiba là lựa chọn hoàn hảo nhất tôi có thể tìm được.
- Nhiều khán giả phản đối Cậu Vàng vì cho rằng tạo hình không đúng nguyên tác. Anh nói gì?
- Khi tạo hình cho Cậu Vàng, tôi nghiên cứu kỹ từng câu trong tác phẩm. Một số khán giả thắc mắc, một con chó sống trong nạn đói năm xưa thì sao lại béo tốt như trong trailer. Trong tác phẩm gốc, lão Hạc từng nói với ông giáo Thứ: "Thì ra cậu Vàng cậu ấy ăn khỏe hơn cả tôi ông giáo ạ. Mỗi ngày cậu ấy ăn thế, bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào đấy (...) Bây giờ cậu ấy béo trùng trục, mua đắt, người ta cũng thích...".
Kịch bản được bố vợ tôi lấy cảm hứng - tức lấy "tứ" và phát triển theo hướng khác - thay vì trung thành với nguyên tác. Tôi nghĩ việc sáng tạo vẫn giữ tinh thần gốc, vì bố vợ tôi đã được cụ Hồng - con gái lớn của Nam Cao - tán đồng về nội dung phóng tác. Chúng tôi không tái hiện cuộc sống nghèo khổ trước năm 1945, mà hướng đến một tác phẩm về luật nhân - quả, bài học đối nhân xử thế.
- Anh bị ảnh hưởng ra sao khi phim gây tranh cãi dù chưa ra rạp?
- Nhiều tháng trước, một bộ phận khán giả đòi tẩy chay phim. Một lần, quản lý fanpage phim đôi co với khán giả không đúng mực, tôi phải đại diện lên tiếng xin lỗi. Nhiều chuyện dồn dập khiến tôi khủng hoảng và mất ngủ. Trằn trọc mãi, tôi vẫn không hiểu vì sao một số người tẩy chay dù chưa biết gì về phim, chỉ vin vào cớ một chú chó không thuần Việt. Tôi khẳng định không có chuyện dùng chó Việt để đóng thay cảnh nguy hiểm cho chó Shiba - như một số tin trên mạng xã hội. Êkíp có hai chú chó Việt và đều phân vai cụ thể, chứ không chỉ đóng thế.
Không ít đồng nghiệp nghĩ tôi cố tình dùng chiêu trò, tạo scandal để phim gây chú ý. Bạn bè hiểu thì an ủi, cho rằng có thể nhiều người kỳ vọng để rồi thất vọng vì thấy phim khác những gì họ mong đợi. Tôi chỉ mong những khán giả đó ra rạp, cho phim một cơ hội để đánh giá khách quan, công bằng hơn với tác phẩm, với Cậu Vàng.
- Anh gặp những khó khăn nào khi quay phim?
- Hầu hết cảnh với chú chó đều là thử thách. Phân đoạn Cậu Vàng tấn công bọn cường hào ác bá, êkíp phải quay lại hơn 10 lần. Nếu làm không tới, đoạn này sẽ không ra được ý tưởng. Chúng tôi đặt tiêu chí an toàn lên trên hết, không chỉ với chú chó mà còn cả diễn viên. Nếu nghệ sĩ Viết Liên - vai lão Hạc - và con vật không hợp tác ăn ý, bác sẽ gặp nguy hiểm.
Cả tháng trời đi quay, êkíp phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý chú chó. Có lúc, gần bấm máy, nhìn quanh không thấy con vật đâu, té ra đã chui vào hàng rào ngủ. Chúng tôi chỉ biết lắc đầu cười khổ, để tâm trạng "cậu" thoải mái nhất mới dám quay. Một đội ngũ khoảng bảy người theo sát Cậu Vàng, trong đó có bác sĩ thú y, chuyên gia động vật, huấn luyện viên hiện trường cùng ba, bốn chăm sóc viên lo chuyện ăn uống, nghỉ ngơi...
- Anh chọn diễn viên dựa trên tiêu chí nào?
- Tôi không lựa diễn viên theo độ nổi tiếng hay vùng miền, mà xem họ có hợp vai không. Lão Hạc là gương mặt khó tìm thứ hai, sau Cậu Vàng. Tôi kiếm nhiều diễn viên gạo cội nhưng không hợp. Qua nhiều lần trò chuyện, tôi nhận ra bác Viết Liên sẽ là người diễn lão Hạc tốt nhất. Tôi đề nghị ông nuôi râu suốt sáu, bảy tháng - thay vì gắn râu, trông sẽ rất giả khi lên màn ảnh lớn. Ông còn phải giảm năm cân, xuống dưới 60 kg để thân hình còm cõi như lão Hạc. Tôi biết ơn ông vì sự hy sinh đó.
Nhiều người thắc mắc vì sao phim có nhiều diễn viên miền Nam dù lấy bối cảnh miền Bắc. Nghệ sĩ Hữu Châu - vai Bá Kiến và Will - vai Lý Cường, con trai Bá Kiến - là hai diễn viên tôi chấp nhận phải lồng tiếng lại vì không thể tìm được ai diễn tốt hơn. Tôi chọn người lồng tiếng cũng gắt gao không kém vì phải khớp về đài từ. Hữu Châu khi xem bản dựng phải ngỡ ngàng vì người lồng cho ông quá giống, đến mức ông phải xin số điện thoại của diễn viên đó để gọi cảm ơn.
- Tuyến nhân vật quá đông dễ khiến phim bị dài dòng. Anh nghĩ sao?
- Sinh thời, bố vợ tôi muốn xây dựng phim theo một bức tranh tổng thể, thay vì lát cắt về thân phận người nông dân như truyện gốc. Phim như một xã hội thu nhỏ, mỗi nhân vật như lão Hạc, vợ chồng giáo Thứ, Binh Tư, nhà Bá Kiến, Cậu Vàng... đều tượng trưng cho một số phận. Khi phóng tác, chúng tôi lường trước những tranh cãi và chấp nhận. Tôi không so sánh vì mỗi phim có một giá trị nhất định, chỉ cố gắng làm theo kịch bản tâm huyết của nghệ sĩ Bùi Cường, việc đánh giá ra sao là ở khán giả.
- Anh kỳ vọng gì về doanh thu phim?
- Tôi không đặt nặng lợi nhuận dù kinh phí lên đến vài chục tỷ đồng. Nhiều bối cảnh ở Ninh Bình chúng tôi phải dựng vì không có sẵn ở tự nhiên. Ví dụ, cánh đồng cải của bố con lão Hạc do chúng tôi thuê người trồng, vì khi tìm được mảnh đất gần sông, hoa lại không có sẵn do trái mùa. Trồng rồi, êkíp phải rào lại, thuê người trông hàng ngày để tránh gia súc ăn. Chúng tôi chở cây từ Hà Nội về để dựng ngôi nhà, vườn tược của lão Hạc.
Tôi mang ơn bố vợ tôi. Ông là người thầy dẫn dắt tôi vào nghề. Trước khi làm rể ông, tôi từng đóng một vai phụ trong phim ông. Thấy tôi thích mày mọ, ông đưa tôi học nghề đạo diễn. Những năm sát cánh cùng ông, ngoài chuyên môn, tôi học được tính kiên nhẫn khi làm phim. Nhờ vậy, tôi mới theo chân Cậu Vàng đến nay. Lúc này, khi phim ra rạp, có lẽ ở suối vàng, bố tôi đã nở được nụ cười mãn nguyện.
Mai Nhật