Tư lệnh hải quân Philippines Giovanni Carlo Bacordo hôm 13/10 thông báo kế hoạch triển khai hai đại đội dân quân với quân số 240 người ra Biển Đông nhằm "phản ứng với Trung Quốc và lực lượng dân quân biển của họ".
Phó đô đốc Barcado cho biết dân quân biển sẽ hoạt động theo mô hình Đơn vị Địa lý Lực lượng Vũ trang Công dân (CAFGU) của lục quân, được trang bị xuồng cao tốc và súng trường, chịu sự quản lý của Bộ tư lệnh miền Tây và Bộ tư lệnh miền Bắc quân đội Philippines. Ngoài bảo vệ ngư dân, họ cũng có nhiệm vụ trinh sát, do thám và thu thập tin tức tình báo để phục vụ hoạt động của quân đội.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang vấp phải nhiều phản đối từ giới lập pháp và ngư dân Philippines.
Nghị sĩ Antonio Trillanes, cựu sĩ quan hải quân, cảnh báo kế hoạch này có thể làm tăng nguy cơ bùng phát xung đột quân sự, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông gia tăng. "Dân quân biển sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng", ông nói, cho hay mối lo ngại hàng đầu là khả năng mất kiểm soát lực lượng này, dẫn tới tăng "nguy cơ tính toán sai lầm, có thể châm ngòi cho chiến tranh nóng".
Trillanes cũng cho rằng khi không được kiểm soát tốt, dân quân biển có thể dễ dàng biến tướng thành hải tặc.
Các quan chức quốc phòng Philippines hồi đầu tuần cho biết đang nghiên cứu kế hoạch tuyển chọn ngư dân và tổ chức họ thành những đơn vị dân quân biển tương tự mô hình của Trung Quốc.
Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển, ban đầu được thành lập với mục đích cứu hộ cứu nạn. Những năm gần đây, lực lượng này đã phát triển khá tinh vi và được nâng cao vai trò, chuyên thực hiện các nhiệm vụ từ vận tải đến thu thập thông tin tình báo và thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Bình thường họ là ngư dân, nhưng khi mặc đồng phục màu xanh, các thuyền viên Trung Quốc sẽ trở thành dân quân biển. Họ núp dưới danh nghĩa tàu cá để tiến hành hoạt động do thám, hoặc tấn công tàu cá nước khác rồi phủ nhận khiến hải quân nước ngoài không thể cản trở hay đe dọa", Andrew Erickson, phó giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 12/10 cho biết nước này đang theo đuổi ý tưởng "biến ngư dân thành dân quân thuộc hải quân Philippines". "Chúng ta cần mua sắm nhiều trang bị lớn như tàu biển để có thể hoạt động trong vùng biển của mình", ông nói.
Nghị sĩ Ruffy Biazon, phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Philippines, cho biết vấn đề quan trọng nhất khi thành lập lực lượng dân quân biển là xây dựng chính sách quy định nhiệm vụ của họ.
"Một trong những khái niệm chiến lược hải quân là triển khai lực lượng tác chiến ven bờ, với những chiến hạm cỡ nhỏ để tuần tra đường bờ biển, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Dân quân biển được xây dựng theo chiến lược này, đó được coi là hạm đội ven bờ của nước nghèo, sử dụng các lực lượng dự bị thay vì tiêu tốn nguồn lực của hải quân chính quy", ông nói.
Dù vậy, nhiều nhóm ngư dân đã đặt dấu hỏi về việc họ phải nhận trách nhiệm bảo vệ vùng biển Philippines, cho rằng chính phủ cần đảm bảo hoạt động tuần tra và ưu tiên bảo vệ ngư dân.
"Hải quân Philippines chưa bao giờ chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc và giờ họ muốn ngư dân trở thành bia đỡ đạn với vai trò dân quân biển? Đáng lẽ họ nên thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trước khi đề xuất ý tưởng mạo hiểm mạng sống của ngư dân", Pamalakaya sa Pilipinas, liên đoàn đại diện cho nhiều tổ chức ngư dân nhỏ ở Philippines, ra thông cáo cho hay.
"Chúng tôi hy vọng các ngư dân sẽ không phải trang bị vũ khí, thay vào đó hải quân và cảnh sát biển sẽ được tăng cường lực lượng để hộ tống ngư dân ở những khu vực tranh chấp", nghị sĩ Risa Hontiveros nói trong cuộc điều trần của Bộ trưởng Lorenzana.
Vũ Anh (Theo SCMP)