"Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rõ Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên theo hiệp ước phòng thủ chung, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào tàu hoặc máy bay Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của chúng tôi", Sung Kim, đại sứ Mỹ tại Philippines, hồi giữa tháng 6 tuyên bố.
Ông nhắc đến cam kết của Mỹ theo các điều khoản trong Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (MDT) mà Washington và Manila ký năm 1951. "Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào, kể cả từ lực lượng tàu dân quân được chính phủ nước ngoài hậu thuẫn", ông giải thích về phạm vi điều chỉnh của hiệp ước MDT.
Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai đề cập đến khả năng can thiệp quân sự để bảo vệ đồng minh khi tàu chiến, tàu công vụ Philippines bị nước ngoài tấn công, trong đó có cả các tàu dân quân vũ trang, dù không nói loại hành vi nào sẽ cấu thành "tấn công có vũ trang". Mỹ trước đây thường tuyên bố chỉ can thiệp khi đồng minh Philippines bị tàu hải quân nước ngoài tấn công.
Động thái này cho thấy Washington đang gia tăng áp lực nhằm vào Bắc Kinh theo hướng hạ thấp ngưỡng cho phép nổ ra xung đột ở Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đang tận dụng tối đa "dân quân biển" để hỗ trợ các lực lượng chấp pháp và hải quân.
Tuyên bố được đại sứ Mỹ đưa ra sau khi một tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông, làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước và phản ứng giận dữ của người dân Philippines. Manila và Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu tình hình và mở cuộc điều tra chung, nhưng sự cố này phần nào cho thấy nguy cơ bùng lên căng thẳng từ những va chạm bất ngờ trên Biển Đông.
Dân quân biển là lực lượng bán quân sự trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển Trung Quốc, ban đầu được thành lập với mục đích cứu hộ cứu nạn. Những năm gần đây, lực lượng này đã phát triển khá tinh vi và được nâng cao vai trò, chuyên thực hiện các nhiệm vụ từ vận tải đến thu thập thông tin tình báo và thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
"Bình thường họ là ngư dân, nhưng khi mặc đồng phục màu xanh, các thuyền viên Trung Quốc sẽ trở thành dân quân biển. Họ núp dưới danh nghĩa tàu cá để tiến hành hoạt động do thám, hoặc tấn công tàu cá nước khác rồi phủ nhận khiến hải quân nước ngoài không thể cản trở hay đe dọa. Tuy nhiên, giờ họ không thể che giấu lực lượng như trước đây", Andrew Erickson, phó giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, đánh giá.
Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu kêu gọi chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh đang sử dụng hạm đội tàu cá thương mại để xâm lấn "vùng xám", thực thi yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán ở dưới ngưỡng khơi mào xung đột quân sự.
Các hành động này không gặp trở ngại cho đến khi Washington bắt đầu gia tăng áp lực lên dân quân biển Trung Quốc trong năm nay. Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson đầu năm nay tuyên bố sẽ coi tàu hải cảnh và dân quân biển là tàu chiến, đồng thời áp dụng cách phản ứng với hành vi khiêu khích tương tự chiến hạm Trung Quốc.
Các chuyên gia quốc tế nhận định Mỹ đang muốn buộc Trung Quốc thay đổi toan tính chiến lược ở các vùng biển tranh chấp.
"Washington hy vọng sẽ ngăn chặn hành vi gây bất ổn trên biển của Bắc Kinh, trong đó có việc sử dụng lực lượng hải cảnh và tàu dân quân biển để bắt nạt các nước láng giềng", Bonnie Glaser, chuyên gia Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, nhận định.
Động thái này cũng có thể khiến "tranh chấp mức độ thấp" giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng dễ leo thang, đặc biệt trong bối cảnh các biện pháp răn đe của Mỹ và vai trò của dân quân biển Trung Quốc chưa thực sự rõ ràng.
"Một số sự cố gần đây có liên quan đến tàu cá Trung Quốc, không loại trừ khả năng đó là lực lượng dân quân biển trá hình. Dù vậy, chưa rõ sự việc như thế nào mới kích hoạt nghĩa vụ bảo vệ đồng minh của Mỹ", chuyên gia quân sự Ryan Pickrell đánh giá.
Duy Sơn (Theo Business Insider)