Bài viết 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt nhận được nhiều phản hồi của độc giả, nhiều ý kiến chỉ ra thành tích sáng chế khoa học của Việt Nam kém vì chúng ta luôn bị động và phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài:
Tác giả là người am hiểu về khoa học, bài viết rất hay. Nhưng tôi phản đối cái tư duy "Thật ra thì nền khoa học Việt Nam hiện nay không cần phát minh ra cái gì hết". Tôi xin nói về nông nghiệp, Nhật Bản và Israel có sản lượng cao hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Nhưng họ có bao giờ thực hiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp cho chúng ta? Một đất nước nông nghiệp mà đến cái máy cày, máy cấy... chúng ta đều phải đi nhập khẩu thì các nhà khoa học nông nghiệp biện minh làm sao đây?
Hay chúng ta phải đi sau họ 100 năm và chúng ta vui vẻ chấp nhận điều đó? Nếu chúng ta không có những phát minh sáng chế mới thì chúng ta mãi chấp nhận một sự thật là chúng ta mãi đi sau các nước phát triển 100 năm hoặc hơn.
Chỉ có sáng tạo ra công nghệ, phát minh ra chúng ta làm chủ được nó mới hy vọng có thể bắt kịp các nước phát triển, không riêng gì nông nghiệp mà gần như tất cả các lĩnh vực khác đều như vậy, các nước phát triển họ sẽ không bao giờ chuyển giao công nghệ phát triển cho chúng ta, họ sẽ đợi khi họ đã có những phát minh, sáng chế khác tiên tiến hơn rất nhiều lần thì họ mới chuyển giao cho chúng ta những công nghệ mà họ cho là đã không cần thiết nữa và lỗi thời. Chúng ta luôn bị động và phụ thuộc vào họ.
Việt Nam có thể không cần các nhà khoa học phát minh ra cái mới. Nhưng cần các nhà khoa học nghiên cứu để áp dụng những cái đã có trên thế giới cải tiến phù hợp với Việt Nam.
Tại sao nông dân họ làm vì họ thấy có nhu cầu trong nước, nước ngoài làm giá đắt và nhiều máy móc vật dụng chưa phù hợp với Việt Nam. Nên cái khuyến khích ở đây không phải là phát minh mà là cải tiến sản phẩm cho phù hợp với giá cả và điều kiện ở Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam cũng có thể phát minh ra những thứ và thế giới cũng cần. Ví dụ bộ kit xét nghiệm Covid- 19 vừa rồi, nghiên cứu và điều chế ra vacxin. Những lĩnh vực nào có điều kiện và môi trường thì nên phát triển. Không thể nói là không cần nghiên cứu và phát mình cái gì, chỉ ngồi chờ thế giới phát mình ra thì giờ chúng ta làm sao thắng được Covid-19 đây?
Một số độc giả cho rằng các nhà khoa học có tâm lý việc to không làm được, việc nhỏ thì không muốn làm:
Nếu không phát minh ra thứ gì to tát thì sao không tập trung nghĩ ra những thứ nhỏ nhặt hữu ích trong cuộc sống. Hoặc ít nhất là làm được những công việc để hỗ trợ những phát minh. Ví dụ như nếu cái xe ba gác, xe thương binh, xe công nông là những thể loại xe do người dân sáng chế thêm, vậy sao các nhà khoa học không tìm cách hoàn thiện nó làm mẫu hoặc đưa ra một tiêu chuẩn kỹ thuật để hướng dẫn người dân chế tạo ra sản phẩm có thể đảm bảo nó có thể an toàn khi di chuyển ngoài đường.
Cái xe chở tôn kẽm hoặc chở mía cho quán nước ở các đô thị có 4 cái cọc sắt chổng lên trời nhìn phát khiếp, vậy tại sao họ không hướng dẫn cho người nông dân phải làm cái cọc sắt như nào cho nó an toàn?
Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm thì quả thật cũng chả cần bình luận gì thêm.
Đối với các nhà máy, dù to hay nhỏ thì thiết bị, dây chuyền hay công nghệ luôn có điểm yếu và luôn phải được cải tiến. Những người trực tiếp tiếp vận hành, quản lý mới thấy rõ được một thiết kế phù hợp sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, nhiên liệu, nguyên liệu, giờ công lao động... Vì vậy thực tiễn sản xuất sẽ thúc đẩy quá trình sáng tạo, tạo ra nhiều phát minh cho công việc hàng ngày. Suy nghĩ "Việt Nam không cần phát minh ..." là hoàn toàn sai lầm. Vì không có những phát minh đó nên những người sản xuất như chúng tôi đang hàng ngày, hàng năm liên tục phải nhập thiết bị từ Trung Quốc, cho dù đó là dây chuyền sản xuất máy bay hay chỉ là chiếc máy làm tăm xỉa răng.
Chỉ có người trực tiếp làm việc, hoặc trực tiếp phải giải nghiên cứu để giải quyết vấn đề hàng ngày thì mới có thể sáng tạo và thúc đẩy phát minh được.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.