Lễ nhậm chức ngày 20/1/2021 của Joe Biden và lễ nhậm chức ngày 20/1/2017 của Donald Trump rất khác nhau, vì những lý do rõ ràng. Các diễn văn nhậm chức của họ cũng tập trung vào những chủ đề khác nhau. Trump thề chấm dứt "cuộc tàn sát người Mỹ", còn Biden cam kết "toàn bộ tinh thần" của ông là đoàn kết đất nước.
Bài phát biểu của Trump năm 2017 bị nhiều nhà bình luận lúc đó coi là "đen tối", nhưng diễn văn của Biden ít lạc quan nhất trong nhiều thập kỷ qua, theo nhà tâm lý học xã hội James Pennebaker của Đại học Texas.
Sử dụng phần mềm xử lý ngôn ngữ tự nhiên LIWC để phân tích các bài phát biểu nhậm chức từ thời Ronald Reagan, Pennebaker nhận thấy Biden có nhiều biểu hiện cảm xúc tiêu cực hơn mức trung bình, đặc biệt là nỗi tức giận. Biden ít nói về tiền bạc hoặc công việc hơn Trump hoặc bất kỳ tổng thống nào kể từ những năm 1970. Ông đề cập nhiều về cái chết, điều không ngạc nhiên trong bối cảnh Covid-19, đề nghị người Mỹ cùng ông cầu nguyện cho những người đã mất vì đại dịch.
Một phân tích sử dụng công cụ Diction cho thấy Biden thích sử dụng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất như "tôi", "của tôi" và các từ thông dụng hàng ngày như "xa lộ", "cửa hàng tạp hóa" trong diễn văn nhậm chức.
Trump và Biden sử dụng ngôn ngữ đơn giản trong các bài phát biểu của họ hơn các tổng thống gần đây. Ngôn ngữ diễn văn của Trump tương ứng với trình độ đọc lớp 10 trên thang đo khả năng đọc Flesch-Kincaid, còn của Biden là lớp 8.
Có sự tương phản rõ nét hơn giữa các bài phát biểu của họ. Biden có xu thế hướng về quá khứ khi đề cập đến 4 nhân vật lịch sử, gồm George Washington, Abraham Lincoln, Martin Luther King Jr. và St. Augustine, trong khi Trump không đề cập bất cứ ai. Biden sử dụng từ "dân chủ" 11 lần, nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào tại lễ nhậm chức. Trump hoàn toàn không đề cập từ này.
Huyền Lê (Theo Bloomberg)