Tôi là một người con dâu, ngay từ đầu đã nhận được sự ưng ý, tác thành của bố mẹ chồng. Bản thân tôi luôn muốn xây dựng một gia đình vui vẻ, anh em hòa thuận. Vậy nên, trong bất cứ khó khăn nào của anh em nhà chồng, tôi luôn động viên anh bằng mọi giá phải giúp đỡ người nhà với tất cả những gì mình có, dù muốn hay không?
Thời điểm anh Ba của chồng bị tai nạn, tôi cũng đưa cho chồng ngay 28 triệu đồng, yêu cầu nghỉ làm để đưa anh đi khám suốt hai tuần (dù lúc đó tôi và con đều đang sốt siêu vi, phải nằm viện). Khi anh chồng bình phục, tôi nhắc chồng đưa bác về quê ít bữa để tiện chăm sóc (vì bác không có vợ con gì).
Rồi tới anh Hai của chồng, lần nào cần tiền cũng tới hỏi vay. Tôi vẫn luôn giúp đỡ anh nhiệt tình. Đến lúc không còn đồng nào trong túi, kể cả vàng hồi môn (1,4 cây) tôi cũng đưa cho anh. Mãi sau này, anh trả lại được 50 triệu đồng nhưng cũng không hề nói lý do.
Dù nghèo nhất, công việc không ổn định nhất, trong khi tất cả anh chị đều có học vấn cao, chức quyền, danh tiếng, nhưng tôi chưa bao giờ xin ai một thứ gì, cũng chưa nhờ vả ai phải giúp đỡ mình. Vậy mà tôi không biết vì sao các anh chồng mỗi khi về nhà luôn có thái độ hách dịch, bề trên, quan cách, khiến tôi vô cùng áp lực.
Ngần ấy năm làm dâu, chồng luôn đi làm từ sáng sớm, một mình tôi phải gồng gánh cả gia đình. Bố ốm, mẹ ốm, rồi các con cũng ốm theo, tôi chăm sóc họ đến sức cùng lực kiệt. Thế nhưng, không dưới ba lần nhờ tới sự giúp đỡ của anh chị chồng, tôi đều chỉ nhận lại thái độ im lặng tuyệt đối. Tôi nhận ra rằng, mình và những con người này vốn là nợ mà không có duyên. Đó là lý do sau này khi các anh chị về, tôi chỉ chào hỏi qua loa rồi tránh mặt, cũng không có kết nối với bất cứ ai.
>> Con trai làm loạn vì cha mẹ già không chia thừa kế sớm
Khi còn sống, bố chồng vô cùng yêu quý tôi. Những ngày cuối, dù đau đớn cùng cực, nhưng khi thấy tôi, bố luôn nén đau, vừa hỏi, vừa trêu, vừa âu yếm: "Con gái nhà ai mà xinh thế này? Bố ôm con được không?". Có lẽ vì tôi là người gần gũi nhất với bố, từ miếng ăn, giấc ngủ, lau chùi, tắm táp mỗi ngày. Tôi cũng không bao giờ chê bai bố mẹ. Đồ ăn thừa của họ, tôi vẫn ăn lại. Tôi dùng tất cả tình yêu thương để đối đãi tử tế với bố mẹ chồng, chẳng có gì phải hổ thẹn.
Thế mà sau này, tôi lại đau đớn khi nghe chị cả và anh Hai của chồng vặn hỏi "tiền lương của bố mẹ đi đâu?". Tôi tuy sống chung, nhưng trước năm 2015, bố mẹ giao hết lương hưu cho anh Hai cất giữ, cần tiêu gì mới hỏi (theo như bố nói vì anh mới xây nhà và vợ chồng còn đi học). Từ năm 2015, bố đòi lại sổ tiết kiệm và giao cho tôi quản lý.
Đến năm 2016, nhà dột không có góc nào yên ổn, nên tôi nói rằng "dù có chết cũng phải xây nhà cho bố mẹ ở". Thực sự mà nói, để làm được ngôi nhà khang trang như hiện tại, tôi đã nhận thêm sự giúp đỡ của các anh chị ruột và tiền bạc của bố mẹ đẻ. Lực của tôi khi này chỉ đủ xây một ngôi nhà nhỏ cho một gia đình sáu thành viên sinh sống.
Vậy mà anh Hai của chồng nghi ngờ: "Tiền làm nhà, chúng mày làm gì có, hay là tiền của bố mẹ?". Những lời nói ấy như vết dao cắt sâu vào lòng tôi. Tôi ở lại miếng đất từ đường này để tiện thờ cúng gia tiên. Bố chồng luôn dặn tôi rằng: "Các con ở đây có trách nhiệm thờ cúng ông bà sau này thay cho các anh chị ở xa. Chúng nó cũng có nhà riêng, nhưng tổ đường chỉ có một, và cuối cùng tất cả cũng sẽ chỉ tề tựu tại miếng đất này mà thôi".
Nhưng rồi biến cố xảy đến vào năm 2019, bố quyết định không sang tên miếng đất cho bất cứ ai, mà chỉ nói miệng rằng để cho hai vợ chồng tôi quản lý. Sau khi bố mất, các anh chồng đi khắp nơi để lật lại hồ sơ, xem việc sang tên này có trái pháp luật không, sẵn sàng kiện nếu không để quyền sở hữu chung cho tất cả. Chị cả còn thắc mắc vì sao tôi là con dâu mà lại đứng tên trong đất nhà chồng, phải chăng là lợi dụng sự yêu quý của bố mẹ để dụ họ sang tên?
Trong khi từ khi tôi về làm dâu cho đến khi bố mất, chưa từng có anh chị nào hỏi han về giỗ chạp, thờ cúng tư rằm ra sao? Hoạ chăng đến Tết các anh chị biếu bố mẹ được dăm ba đồng. Chị cả từng nói: "Chị là phận con gái, khi nào về thì mua hộp bánh là được, việc góp tiền thờ cúng là sai trái". Đây là lý do tôi trả lại chị 500.000 đồng tiền chị góp giỗ bố. Cái cách chị đưa chuyện này ra toàn họ để nói về việc em nhận tiền góp giỗ bố từ chị chẳng khác nào cái tát, nói rằng tôi là đứa tham lam, có giỗ bố cũng bắt chị phải góp.
Việc miếng đất hương hỏa tại quê, anh chị cũng đã thừa nhận việc bố mẹ sang tên cho hai vợ chồng tôi là hoàn toàn phù hợp về mặt pháp luật. Nó không hề có ý nghĩa gì về kinh tế, nhưng giá trị tinh thần rất lớn. Để giữ hòa khí anh em và hướng về một thế hệ mai sau yên ấm, tương trợ nhau, cuối cùng tôi đã đồng ý rằng tất cả đều có phúc phần ở đó. Nếu không vì tình nghĩa, có lẽ tôi sẽ không bao giờ làm việc này.
>> Mẹ vợ khư khư giữ đất vì sợ con cái bất hiếu sau khi chia thừa kế
Tuy nhiên, khi việc sang tên vẫn chưa hoàn thiện. Anh Ba đã yêu cầu chia tách đường điện giữa nhà mới và nhà cũ, làm hệ thống bếp riêng tại nhà mới. Chị cả yêu cầu đóng cửa nhà mới, chỉ khi nào có ai về thì mới ở, còn chúng tôi sẽ về nhà cũ để ở. Rồi chị nhắc nhở chúng tôi: "Phải tự biết mình là ai ở cái nhà này, phận làm út thì phải biết an phận, biết nghe lời". Tôi tự thắc mắc rằng liệu sau này mọi người có cho tôi thờ cúng gia tiên như bao năm vẫn làm hay không? Thế nên việc sang tên cứ bị trì hoãn.
Việc sống trong nhà của mình mà lại bị coi như khách trọ, không có quyền quyết định, thì có lẽ giữ nguyên ý chí ban đầu của bố là điều phù hợp nhất. Các anh chị có giận và từ mặt thì tôi cũng đành chịu. Đây mãi là ngôi nhà ấm áp mà bố mẹ để lại, chờ đón tất cả con cái mệt mỏi quay về sum vầy. Chục năm nữa trôi đi, chân anh chị yếu, còn bao lần về được tới đây, khi bản thân mọi người cả năm cũng chẳng nhớ được bao nhiêu cái giỗ? Hay rồi ai cũng quên, chỉ người ở lại là trách nhiệm lớn nhất mà phải làm khó nhau?
Nếu đã nhìn, hãy nhìn về tương lai, khi chúng ta già đi, thế hệ con cháu lớn lên. Nếu đứa ở lại là đứa quyết định mọi chuyện, nó tự có trách nhiệm tu sửa, lo toan cho mảnh đất này mãi tốt đẹp, trang nghiêm. Còn ai cũng nghĩ mình bề trên, chỉ biết lãnh đạo thì cuối cùng chỉ là hương tàn khói lạnh mà thôi. Chúng ta nghĩ đời mình giàu, chắc gì con cái cũng sẽ như thế, nỗi lo sợ thế hệ mai sau bán mất đất tổ tiên cũng là rất lớn.
Tôi không cần danh nghĩa sở hữu đất trên giấy tờ, mà chỉ cần sự tôn trọng tối thiểu từ anh chị em. Tại sao không thể ngồi lại và trân trọng những khó khăn đã qua, những tình cảm tốt đẹp đã trao gửi cho nhau và hướng tới sự thịnh vượng chung để hàn gắn lại mọi mâu thuẫn, cho nhau đường lui trong câu chuyện đau lòng này? Đừng để cha mẹ ở trên trời cao phải thốt lên: "Đông con liệu có phải là phước phần".
- Các con tôi từ chối nhận thừa kế sớm
- Tôi chẳng biết làm gì với căn nhà thừa kế nhận năm 60 tuổi
- Cha mẹ già ăn nhờ ở đậu trong chính nhà mình vì chia thừa kế sớm
- Tôi không chia thừa kế sớm cho con vì sợ thành người ở ké, ăn bám
- Tự làm ra tài sản 15 tỷ dù không được thừa kế đồng nào
- Tài sản tăng 30 lần sau 11 năm nhận thừa kế sớm của cha mẹ