Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết từ đầu mùa mưa, số lượng bệnh nhân đến khám do viêm da dị ứng, chủ yếu do tiếp xúc kiến ba khoang, côn trùng, tăng cao. Trung bình, tháng 6 bệnh viện tiếp nhận 80-100 ca mỗi ngày, các tháng trước số bệnh nhân này rất hiếm.
Theo bác sĩ Thảo, trên da bệnh nhân có các mảng hồng, kèm chùm mụn nước, mụn mủ, viêm da kèm theo ngứa, rát tại chỗ tổn thương. Nguyên nhân bởi bệnh nhân đã tiếp xúc với độc tố Pederin, tiết ra từ cơ thể kiến ba khoang. Các tổn thương này có thể lây lan khắp các vùng da trên người, nếu không cẩn thận gãi, chạm vào dịch tiết và bôi sang các chỗ khác.
Với các bệnh nhân nhẹ, viêm da chỉ khu trú một chỗ, chỉ cần bôi thuốc kháng khuẩn, giúp làm dịu vết thương và ngăn chặn tình trạng lan rộng. Còn da đã viêm nặng, nhiều chỗ, các vết thương hở, lở loét, người bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị triệt để.
Những người có cơ địa đặc biệt, hệ miễn dịch kém cần rất cẩn trọng với côn trùng, nhất là kiến ba khoang. Lượng độc tố Pederin, dù rất nhỏ từ loài này có thể gây ra những kích ứng nghiêm trọng, nguy cơ nhiễm trùng cao.
"Khi bị kiến ba khoang, côn trùng cắn, không nên đập, làm nát chúng, tránh dịch tiết của chúng phát tán và lan rộng. Lỡ dính dịch tiết, người dân nên rửa sạch phần da đó dưới vòi nước, hạn chế bôi chạm lên mắt", bác sĩ Thảo nói.
Việc điều trị thông thường mất khoảng 7-10 ngày, tùy vào cơ chế làm lành vết thương của mỗi người. Bệnh thường làm thâm da, nhưng ít để lại sẹo, trừ khi người bệnh ngứa, cào, gãi gây trầy xước. Tuyệt đối không nặn các nốt mụn mủ, vừa gây nhiễm trùng, dễ để lại sẹo xấu.
Bác sĩ khuyến cáo, trong thời gian này, những người thường xuyên ra ngoài, làm vườn, ruộng nên mặc áo quần, đeo găng tay, tất che phủ tối đa các phần da dễ tiếp xúc với côn trùng. Khi về nhà, phải tắm rửa, thay đồ liền.
Thư Anh