Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết trong 6-7 ngày đầu khởi bệnh, nhiều triệu chứng của bệnh ho gà tương tự bệnh cảm lạnh, ví dụ đau họng, có thể sốt nhẹ, chảy nước mũi. Việc này khiến ho gà có thể bị chẩn đoán nhầm thành bệnh lý khác, chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, dễ trở nặng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bệnh ho gà có thể phân biệt với cảm lạnh thông qua các biểu hiện đặc trưng khác, ví dụ người mắc thường gặp các cơn ho về đêm, xuất hiện âm thanh chói tai và không đáp ứng với thuốc. Bệnh nhân có triệu chứng ho dai dẳng, các cơn ho xảy ra liên tiếp, từ 15-20 cơn và yếu dần về sau, kết thúc với triệu chứng khạc đờm trắng trong, dính hoặc kèm theo nôn ói. Triệu chứng bệnh dữ dội nhất kéo dài trung bình 2-6 tuần. Trong giai đoạn hồi phục, những cơn ho giảm dần và có thể kéo dài hơn 100 ngày.
Ở trẻ em, trong đó có nhóm dưới 1 tuổi, ho gà có thể gây biến chứng viêm phổi khi không được điều trị kịp thời. Các biến chứng khác có thể kể đến như cơn ngưng thở, co giật, bệnh lý não, thậm chí tử vong. Không chỉ trẻ em, nhóm thanh thiếu niên, người lớn tuổi cũng có thể gặp biến chứng nặng do ho gà. Đặc biệt người già tăng nguy cơ ngất, gãy xương sườn khi ho nặng, mất kiểm soát bàng quang, sụt cân, viêm phổi nặng.
Còn người bị cảm lạnh thường bắt đầu với các triệu chứng chảy nước mũi, ngạt mũi sau đó dẫn đến ho. Bệnh nhân thường ho có đờm, ho ở mức độ nhẹ đến trung bình, hiếm khi ho về đêm, đáp ứng tốt với thuốc điều trị. Bệnh kéo dài 3-7 ngày sau đó khỏi hẳn.
Theo bác sĩ Chính, việc phân biệt triệu chứng bệnh giúp người dân nhận biết các dấu hiệu bất thường của cơ thể, từ đó đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Lý do là bệnh ho gà có tính chất lây lan nhanh chóng, tỷ lệ trở nặng cao ở trẻ em và toàn quốc ghi nhận số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin thêm về ho gà, bác sĩ Chính cho biết bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Một người mắc ho gà có thể lây cho 12-17 người. Nhóm chưa tiêm vaccine đầy đủ có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Hiện miền Bắc trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết liên tục thay đổi từ mưa sang nắng nóng và ngược lại, miền Nam bước vào mùa nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong tháng 4, Việt Nam đã ghi nhận hai trường hợp bệnh nhi mắc ho gà phải điều trị tích cực tại Phú Thọ và Đà Nẵng, các bệnh nhi chưa tiêm vaccine ho gà hoặc đã tiêm chủng song chưa đủ mũi.
Từ đây, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Người mắc ho gà cần chủ động cách ly với cộng đồng tối thiểu 4 tuần kể từ khi có triệu chứng. Gia đình chủ động vệ sinh nhà cửa, phòng ở, đồ chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn... để tiêu diệt mầm bệnh nếu có. Khi ở nơi đông người hoặc môi trường có bệnh nhân, mọi người nên đeo khẩu trang, thường xuyên giữ gìn vệ sinh tay, thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch. Vaccine có thành phần ho gà hiện có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, chỉ định cho trẻ từ 2 tháng tuổi, có thể tiêm sớm nhất từ 6 tuần tuổi; nên tiêm đúng lịch, đúng liều và đủ phác đồ để vaccine có hiệu quả bảo vệ khỏi ho gà lên đến 98%.
Để tăng cường miễn dịch cho trẻ sau khi chào đời, phụ nữ mang thai cần tiêm một mũi vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván (Tdap) trong thai kỳ, vào tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3, tốt nhất trước khi sinh một tháng. Phụ nữ cần được tham vấn chủng ngừa trong mỗi lần mang thai, bất kể trước đó đã tiêm vaccine hay chưa.
Ngoài ra, trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng, có thể mắc ho gà do lây chủ yếu từ người thân trong gia đình và những người tiếp xúc. Do đó, ngoài tiêm chủng cho thai phụ và trẻ nhỏ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ, cộng đồng xung quanh cũng cần tiêm vaccine để tránh mắc bệnh hoặc trở thành người lành mang trùng, lây bệnh cho các bé.
Bác sĩ Chính lưu ý sau các mũi tiêm đầu đời, trẻ và người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần ho gà. Trẻ em cần tiêm nhắc trong khi 4-6 tuổi và lứa thanh thiếu niên 9-15 tuổi để củng cố hệ miễn dịch. Người lớn tiêm nhắc vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, tần suất mỗi 10 năm một lần để duy trì hiệu quả phòng bệnh đến suốt đời.
Nhật Linh
20h thứ Sáu ngày 3/5, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức buổi tư vấn trực tiếp chủ đề "Ho gà, viêm gan, lao và vaccine quan trọng cho trẻ mùa nắng nóng". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC và BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Chương trình phát sóng trên báo điện tử VnExpress và các kênh truyền thông của VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc quan tâm, đặt câu hỏi cho chuyên gia tại đây để được giải đáp trực tiếp.