Tuần trước, một phụ nữ tiết lộ trên mạng xã hội việc cô nộp đơn xin việc tại một công ty dịch vụ ôtô ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, cô được hỏi đã yêu bao nhiêu lần và tình yêu nào lâu nhất.
Đại diện công ty dịch vụ xe hơi cho biết, câu hỏi này có liên quan vì vị trí trong bộ phận nhân sự yêu cầu "trí tuệ cảm xúc cao" và nhân viên phải duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng.
"Hầu hết nhân viên của chúng tôi là nữ. Chúng tôi đưa câu hỏi đó vào đơn xin việc vì nếu một người từng yêu sẽ biết cách quan tâm đến người khác. Đánh giá từ dữ liệu lớn của chúng tôi, những nhân viên tốt trong công ty đều đã kết hôn hoặc có bạn trai", người này giải thích.
Lu Xiaoquan, một luật sư về quyền phụ nữ thuộc công ty Luật Bắc Kinh Qianqian, cho hay, những câu hỏi dạng này vẫn còn khá phổ biến. "Đây là sự phân biệt đối xử điển hình mà phụ nữ phải đối mặt khi tuyển dụng. Họ bị hỏi về những điều không liên quan trực tiếp đến công việc đang ứng tuyển. Ưu tiên những phụ nữ có nhiều mối quan hệ lãng mạn đang đặt những người chưa từng yêu vào vị trí bất lợi. Người nộp đơn có quyền từ chối trả lời những câu hỏi như vậy", ông nói.
Phụ nữ Trung Quốc ngày càng hay lên tiếng về những bất bình đẳng. Mới đây trên Zhihu, một website hỏi đáp cộng đồng, một số phụ nữ cho biết họ bắt buộc phải thử thai trước khi bắt đầu công việc mới.
"Mọi thứ diễn ra tốt đẹp trong buổi phỏng vấn, nhưng khi nhận được thông báo khám sức khỏe trước khi đi làm, tôi thấy có cả que thử thai. Tôi đã rất tức giận... Tôi đã nghĩ đến nhảy việc", một người dùng cho biết.
Theo một khảo sát của nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến zhaopin.com vào năm ngoái, gần 60% trong số hơn 65.000 phụ nữ được hỏi cho biết họ gặp phải các câu hỏi về tình trạng hôn nhân hoặc sinh con trong quá trình tuyển dụng.
Một nghiên cứu cho thấy, hơn 85% sinh viên nữ tốt nghiệp đã gặp phải ít nhất một hình thức phân biệt đối xử về giới tính khi tìm việc làm.
Feng Yuan, người sáng lập nhóm Bình đẳng vì quyền phụ nữ có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng, quan niệm cổ hủ khiến những định kiến cố hữu về phụ nữ và công việc vẫn tồn tại ở Trung Quốc.
"Quan niệm truyền thống về vai trò giới, phân bổ lao động tại gia đình và thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em là những lý do cơ bản khiến người sử dụng lao động thích nam hơn nữ, hoặc hỏi các ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và sinh đẻ. Thậm chí, phụ nữ bị yêu cầu phải đưa ra những lời hứa nhất định về vấn đề này", cô nói.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang dần cải thiện vấn đề bình đẳng giới. Khi nhận thức về quyền của mình càng cao, phụ nữ càng đòi hỏi người sử dụng lao động phải có trách nhiệm.
Tháng 2/2019, chín cơ quan chính phủ trung ương Trung Quốc, bao gồm Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội, Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc, cùng ra thông báo, quy định trong tuyển dụng việc làm không được phân biệt đối xử về giới.
Theo thông báo, người sử dụng lao động hoặc đơn vị tuyển dụng sẽ bị phạt tiền nếu thông tin tuyển dụng thể hiện đòi hỏi hoặc ưu tiên về giới tính như "chỉ dành cho nam giới" hoặc "ưu tiên nam giới".
Thông báo cũng quy định các nhà tuyển dụng không được hỏi ứng viên về tình trạng hôn nhân, tình trạng sinh đẻ, cũng như không được yêu cầu ứng viên thử thai, như một phần của quy trình khám sức khỏe.
Tuy nhiên, luật sư Lu cho biết, mức phạt dành cho những người vi phạm pháp luật là quá thấp. "Nếu tệ nhất, họ chỉ cần trả 50.000 tệ (khoảng 137 triệu đồng). Đó là số tiền rất nhỏ ngay cả đối với một công ty tư nhân cỏn con, chưa nói đến công ty lớn hơn hoặc thuộc sở hữu nhà nước", vị này nói.
Nhật Minh (Theo SCMP)