Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tuần trước đại diện cơ quan này đã được mời tham gia đóng góp ý trong việc sửa đổi Luật hôn nhân gia đình theo hướng cởi mở hơn khi nhìn nhận hôn nhân giữa những người đồng giới.
Quan điểm cá nhân, ông Quang cho rằng việc kết hôn và mong muốn hạnh phúc gia đình là quyền của cá nhân mỗi người dù họ thuộc giới tính nào. "Vì thế nhu cầu được xây dựng hạnh phúc của những người thuộc giới tính thứ ba cũng là chính đáng và cần được tôn trọng". Việc Nhà nước thừa nhận hôn nhân của người đồng tính chính là khẳng định quyền được hưởng hạnh phúc gia đình, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức và giảm sự kỳ thị của xã hội với một nhóm người này.
Tuy nhiên theo ông Quang, để thực hiện việc này chắc chắn cần có thời gian dài. Bước đầu, đây mới là một đề tài khoa học của Bộ tư pháp, khi được phê duyệt mới có thể trở thành cơ sở để xây dựng luật.
Đám cưới của một cặp teen nữ đồng tính gây xôn xao dư luận năm 2010 là một trong những trường hợp điển hình cho thấy nhu cầu công khai giới tính thật của người đồng tính ngày càng gia tăng. Ảnh từ diễn đàn. |
Các nghiên cứu khoa học hiện đại trên thế giới và tại Việt Nam đều khẳng định đồng tính không phải là bệnh mà là một xu hướng tính dục tự nhiên, nó tồn tại song song với xu hướng dị tính hoặc song tính. Khảo sát cho thấy nhóm người đồng tính chỉ chiếm tỷ tệ từ 3 đến 5% dân số.
Đến nay trên thế giới đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng giới, bên cạnh 44 nước khác đã chấp nhận hai người cùng giới đăng ký sống hợp pháp với nhau dưới những hình thức hôn nhân dân sự, quan hệ có đăng ký, quan hệ gia đình... Tuy nhiên hiện tại Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 vẫn nghiêm cấm hình thức này.
Tiến sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cho rằng, hiện nay người Việt Nam vẫn còn kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đồng tính. Trong quá trình nghiên cứu, ông từng gặp nhiều người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới phải chịu những thiệt thòi, bị gia đình bạo hành, bạn bè xa lánh, hàng xóm khinh ghét.
Theo ông Bình, khó khăn lớn nhất mà người đồng tính gặp phải đó là rảo cản về phía gia đình. Vì sợ cha mẹ buồn lòng nên một số người đã không dám sống thật với giới tính của mình mà kết hôn với người khác giới trong khi không hề có tình yêu. Mặc dù những người này vẫn có con với nhau song trên thực tế họ thường không hạnh phúc.
Xuất phát từ thực trạng này, ISEE hoan nghênh việc đưa vấn đề quan hệ giữa những người cùng giới tính vào Luật Hôn nhân và Gia đình. "Thừa nhận sự tồn tại thực tế của mối quan hệ này và nỗ lực giải quyết các vấn đề thực tế phát sinh chính là bước đi đầu tiên trong tiến trình bảo vệ quyền bình đẳng của người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính", ông Bình nói.
Hơn nữa vị đại diện iSEE bày tỏ mong muốn rằng luật sửa đổi đảm bảo quyền bình đẳng của quan hệ đồng giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi, quyền thừa kế, và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho quan hệ khác giới chứ không chỉ dừng lại ở những quy định về giải quyết hậu quả pháp lý khi hai người đồng giới sống chung.
Xét phương diện khác, nhà tâm lý - luật sư Võ Thị Minh Huệ ở TP HCM cho rằng, thực tế những người làm luật ở Việt Nam hiện nay vẫn đang né tránh những vấn đề nhạy cảm của xã hội, cụ thể là hôn nhân đồng tính.
Chẳng hạn trong công văn lấy ý kiến sửa đổi luật của Bộ Tư pháp nhìn nhận "xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận". Tuy nhiên văn bản cũng đề cập "xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết; thì ở thời điểm này việc thừa nhận người cùng giới tính có quyền kết hôn với nhau ở Việt Nam là còn quá sớm".
Theo nhận xét của bà Huệ, dường như những nhà làm luật vẫn đang dừng lại ở chỗ trưng cầu ý kiến về việc giải quyết hậu quả pháp lý trong quá trình sống chung của hai người cùng giới chứ chưa muốn hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. "Nếu đã không công nhận hai người đồng tính sống với nhau là vợ chồng thì không thể đưa ra những quy định giải quyết hệ lụy khi sống chung với nhau. Luật hôn nhân và gia đình chỉ áp dụng cho các đối tượng là thành viên trong gia đình", bà Huệ nói.
Bà cũng thấy rằng, vấn đề hệ trọng nhất mà các bậc cha mẹ quan tâm khi con cái lập gia đình là khả năng "duy trì nòi giống". Đó là một trong những mục đích tối thượng của hôn nhân, trong khi hai người cùng giới không làm được điều này. Song mặt khác Luật Hôn nhân và gia đình của Việt Nam cũng khẳng định "hôn nhân là tự nguyện" nên theo bà Huệ, khi sửa đổi luật, người làm luật nên đặt mình vào vị thế của người đồng tính để hiểu và từ đó tôn trọng tự do lựa chọn của họ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đó trong văn bản pháp luật.
"Bản thân những người đồng tính đã phải chịu khổ nhiều rồi chứ họ không phải muốn chạy đua đòi để bị xã hội kỳ thị. Vì muốn sống thật với mình nên họ mới đấu tranh để đòi quyền được tự do trong hôn nhân. Không phải cứ hai người dị tính lấy nhau mới có con và không phải cứ người đồng tính là không có con. Trên thực tế nhiều cặp vợ chồng đồng giới vẫn có con nhờ sự can thiệp của khoa học. Hôn nhân suy cho cùng đó là sự lựa chọn của mỗi người và bản thân chúng ta phải tôn trọng họ", chuyên gia tâm lý - luật gia Minh Huệ nhìn nhận.
Quan tâm về vấn đề này, Chuyên gia tư vấn đài 1088 Văn Thanh Sĩ cũng cho rằng việc sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình vốn tồn tại nhiều bất cập là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh xã hội hiện nay.
"Nới lỏng hôn nhân cho người đồng tính là một nhu cầu có thật của xã hội. Nhà nước làm như vậy chính là để giải quyết vấn đề đang xảy ra trên thực tế mà thôi", chuyên gia này nhấn mạnh.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Vân Anh, Trung tâm Csaga đánh giá: "Luật pháp thừa nhận hôn nhân đồng tính thì đó là một tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên trước khi làm việc này thì cần phải có những bước đi cần thiết để tăng cường phổ biến kiến thức về xu hướng tình dục này với số đông. Khi hiểu biết của xã hội tăng lên thì tâm lý cũng thay đổi, sẽ không còn phân biệt, kỳ thị, định kiến với nhóm người này".
Theo bà, mặc dù không chấp nhận rộng rãi nhưng thái độ đối xử với người đồng tính ở nước ta đã có những điểm tích cực hơn so với một số nước khác. Cộng đồng vẫn còn những kỳ thị nhưng không đến mức cực đoan đánh đập, giết, bỏ tù người đồng tính như vài nước trên thế giới. Bên cạnh đó một bộ phận phụ huynh đã chấp nhận khi nghe con công khai về giới tính thật của mình. Họ đã mạnh dạn bảo vệ, hỗ trợ, thậm chí ủng hộ cả việc con chung sống với người yêu.
Bà Anh kể cách đây không lâu có một gia đình tri thức phát hiện con là đồng tính nữ, mgười mẹ bị sốc đã ngất đi, còn người cha cũng suy sụp. Dù họ đã bắt cô bé người yêu của con không được gặp mặt, kiểm soát con 24/24h nhưng vẫn rất lo lắng. Sau khi nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý, cặp vợ chồng này đã hiểu hơn về con và bày tỏ sự ân hận về những hành động thái quá trước đây của mình.
Vị chuyên viên vẫn còn nhớ một trường hợp khi lần chiếu phim tài liệu về đồng tính nữ tại một trường đại học. Trong số 60 người tham gia, có một số ý kiến cực đoan nhục mạ người đồng tính, không cho họ quyền làm người đồng tính. Cuối buổi hôm đó, có hai cô gái khóc nức nở ra hỏi chuyện bà. Họ nói rất đau khổ, không biết sống thế nào và mong muốn tìm đến cộng đồng người đồng tính để được sống là chính mình.
Đánh giá về hôn nhân đồng tính, chuyên gia Nguyễn Thanh Tâm, chuyên gia tâm lý Csaga nhìn nhận: "Trên thế giới, sự cởi mở về hôn nhân đồng tính lan rộng từ Bắc Âu sang Tây Âu, Châu Mỹ...Tuy vậy trước đây họ cũng là những nước ngăn cấm, kì thị, bạo lực với người đồng tính nhất. Ở Việt Nam, cộng đồng người đồng tính mới bắt đầu công khai xuất hiện, tuy quãng đường đi còn ngắn nhưng đã có những động thái rất tích cực".
Nhóm phóng viên