Shu Matsuo Post - một doanh nhân người Nhật 35 tuổi - tự gọi mình là nhà nữ quyền, nhưng tinh thần ấy không phải sinh ra đã có.
Trong 28 năm đầu tiên của cuộc đời, người đàn ông này nói rằng bản thân chưa bao giờ cố gắng hiểu cảm giác của phụ nữ sống trong một xã hội gia trưởng, như tại Nhật Bản. "Cho đến khi tôi gặp người vợ hiện tại Tina vào năm 2014, mọi thứ đã thay đổi", Shu nói.
Tina Post, người Mỹ, đã giúp Shu nhận ra để trở thành người đàn ông đúng nghĩa không cần phải tuân theo những kịch bản hẹn hò lỗi thời hay bắt buộc phải trả tiền cho những bữa hẹn hò. Shu nói đây là sự thức tỉnh nữ quyền đầu tiên.
Khi cả hai quyết định kết hôn vào năm 2017, không ai muốn từ bỏ họ của mình. Luật pháp Nhật ngăn cấm các cặp vợ chồng sử dụng họ riêng biệt. Khi kết hôn, vợ chồng sẽ theo họ của một trong hai người và được quyết định tại thời điểm kết hôn. Tuy nhiên, số liệu thực tế có 96% người vợ lấy theo họ của chồng. Phần lớn phụ nữ Nhật chấp nhận thay đổi họ sau khi kết hôn nhưng ngày càng có nhiều người cảm thấy gắn bó với họ thời con gái.
Để công bằng, cả hai đều đổi theo họ của người kia.
Tại Mỹ, Tina chỉ mất 15 phút để đổi tên khai sinh từ Tina Post thành Tina Matsuo Post. Trong khi đó, Shu phải mất 8 tháng để đổi tên hợp pháp từ Shuhei Matsuo thành Shuhei Matsuo Post ở Nhật Bản, bao gồm cập nhật hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ tín dụng, thẻ đi máy bay, tài khoản email, danh thiếp...
"Ở Nhật, hầu hết đàn ông không phải trải qua điều này. Tôi vẫn nghe mọi người thắc mắc tại sao phụ nữ phải mang họ chồng sau khi kết hôn? Nếu là sự lựa chọn của cô ấy thật là tuyệt. Nhưng nếu không, tại sao đàn ông mong đợi người vợ đánh mất bản sắc của mình để ủng hộ chồng?", Shu đặt câu hỏi.
Người đàn ông này cũng cho hay, càng tìm hiểu về định kiến giới, anh càng thấy rõ sự bất công nam nữ trong cuộc sống hàng ngày. "Sự phân biệt đối xử ở khắp mọi nơi và gây hại cho tất cả mọi người". Theo Shu, việc nữ giới Nhật buộc phải thay đổi họ tên nguyên gốc khiến họ có cảm giác bị "xóa sạch danh tính" sau khi lập gia đình. Chưa kể, việc gây dựng sự nghiệp và tạo danh tiếng của riêng bản thân sẽ càng khó khăn hơn.
Thay đổi họ trong hôn nhân chỉ là một trong những khía cạnh của cuộc sống gây bất lợi cho phụ nữ, bởi vậy Shu cho rằng bình đẳng giới cần bắt đầu từ gia đình.
Doanh nhân đến từ Tokyo cho hay, đàn ông cần phải thừa nhận họ có quá nhiều \ đặc quyền. Anh chấp nhận một thực tế là đàn ông Nhật rất khó làm được như mình, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, những có tính gia trưởng rất nặng nề.
"Ở xã hội Nhật, sự phân biệt đối xử với phụ nữ được chấp nhận như hít thở không khí hàng ngày. Đôi khi tôi không có cơ hội chỉ ra cho họ thấy họ sai ở đâu", anh bày tỏ.
Shu muốn dành nhiều thời gian để giáo dục thanh thiếu niên hơn. "Tôi tưởng tượng những đứa con hay cháu của mình đang cười về thời bất bình đẳng giới ngày nay, vì thế giới của chúng tốt đẹp hơn nhiều. Tôi thực sự hy vọng ngày đó sẽ mau đến", Shu nói.
Đang trong thời gian 7 tháng nghỉ phép ở nhà cùng vợ chăm con nhỏ, Shu sử dụng mạng xã hội kể câu chuyện của mình nhằm truyền tải thông điệp "nam nữ bình quyền". Gần đây khi nghe nói một người bạn sắp lên chức bố vào tháng tới biết những gì Shu làm và quyết định nghỉ việc chăm con mới sinh, anh thấy rất vui.
Người đàn ông này cho hay, có hai việc đàn ông nên làm để phần nào xóa bớt sự bất bình đẳng trong gia đình là: Làm việc nhà nhiều hơn và nghỉ phép để chăm sóc con cái.
Vy Trang (Theo Japantimes)