Cô nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội kể, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, cô đã phải đi bỏ thai 4 lần vì vỡ kế hoạch. Trong thời gian đó, do lo ngại những nguy cơ như vô sinh, viêm nhiễm nếu dùng vòng hay thuốc tránh thai, cô không dám sử dụng những cách kế hoạch. Vợ chồng cô không thích dùng bao cao su, áp dụng tính chu kỳ kinh nguyệt hay xuất tinh ngoài nhưng vẫn dính bầu liên tục.
Hà thử uống thuốc tránh thai nhưng thấy chu kỳ kinh nguyệt bỗng xáo trộn, lại nghe một số đồng nghiệp rỉ tai rằng, uống thuốc này lâu cũng dễ "hỏng máy" nên lại ngừng. "Sau mấy lần nạo hút, em không chịu được nữa, bàn với chồng là phải đặt vòng, dù có vô sinh cũng chịu chứ không thể đi phá thai thêm một lần nào nữa. Cái cảm giác vừa đau đớn về thể xác, vừa bứt rứt về tinh thần thực sự quá nặng nề", Hà chia sẻ với bác sĩ.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 giờ tại Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện phụ sản Trung ương (Hà Nội), đã có khoảng chục phụ nữ tới yêu cầu được bỏ thai. Nhiều người trong số này kể với bác sĩ rằng họ ngại dùng các loại thuốc, cấy que hay tiêm, dán tránh thai vì sợ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, khi bác sĩ phân tích, việc phá thai có thể để lại những nguy cơ vô sinh về sau nên cần cân nhắc thật kỹ thì hầu như không ai rút lại ý định này.
Phó giáo sư Phạm Thị Thanh Hiền, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình cho hay, rất nhiều trường hợp chị em, kể cả nữ thanh niên chưa có gia đình cũng đến phá thai nhiều lần, thậm chí khi thai to, với lý do sợ áp dụng các cách tránh thai thì sau này khó có con. Không ít chị em khác lại lo ngại uống thuốc tránh thai khiến họ dễ ung thư.
Theo bác sĩ, đúng là có một nhóm phụ nữ có thể tăng nguy cơ ung thư khi dùng thuốc tránh thai, đó là những người có mẹ, chị em gái, dì ruột bị mắc bệnh này. Tuy nhiên, số phụ nữ này rất ít. Hơn nữa, để đảm bảo an toàn, trước khi áp dụng biện pháp tránh thai nào, chị em nên đi khám và tư vấn. Bác sĩ có thể khai thác tiền sử bệnh tật gia đình, tình trạng sức khỏe của bạn để hướng dẫn cách tránh thai phù hợp. Những trường hợp sử dụng thuốc tránh thai, hằng năm có thể đi xét nghiệm chức năng gan, thận, máu... để đánh giá mức độ ảnh hưởng và quyết định tiếp tục áp dụng hay dừng lại.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y khoa Thái Hà, Hà Nội, cho biết, bà cũng từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến phá thai khi không áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn chỉ vì lo ngại sẽ vô sinh khi sử dụng. "Đáng nói là không ít cô gái trẻ còn bỏ thai tới 5-6 lần và vẫn không chịu dùng cách bảo vệ nào cho bản thân dù bác sĩ đã tư vấn nhiều lần, thậm chí 'dọa' bỏ thai nhiều có thể gây tổn thương đến bộ máy sinh sản nặng nề", bà Dung cho biết.
Theo bác sĩ, nguyên nhân sâu xa của việc các cô gái phá thai nhiều lần, không sử dụng các biện pháp phòng tránh đằng sau lý do ngại vô sinh, chính là sự thiếu hiểu biết về các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức về tránh thai, ý thức yêu thương và bảo vệ bản thân...
Trong những câu hỏi tư vấn VnExpress.net nhận được về sản phụ khoa, số lượng câu hỏi nhiều nhất có lẽ là về thuốc tránh thai khẩn cấp. Điều các chị em lo lắng nhất thường là "uống nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp có gây vô sinh" sau khi đã sử dụng không đúng chỉ định, uống quá nhiều hay phải phá thai vì vẫn dính bầu sau khi uống.
Các bác sĩ cho biết, khả năng viêm nhiễm và những nguy cơ ảnh hưởng tới sinh sản của việc nạo hút thai là rõ ràng, không chỉ là lời đồn thổi hay suy đoán như khi sử dụng các cách tránh thai. Khi phá thai, thầy thuốc phải dùng dụng cụ bên ngoài can thiệp vào tử cung, dễ gây viêm nhiễm và làm tổn thương ở các phần phụ. Nguy cơ lớn nhất có thể gặp phải là viêm nhiễm bộ phận sinh dục, dính, tắc vòi trứng, thậm chí dính tử cung, thủng tử cung và có những người sẽ không bao giờ có thể bình phục lại được. Nếu chị em thực hiện thủ thuật ở các cơ sở y tế không đảm bảo điều kiện vô trùng hay bác sĩ kém chuyên môn, hoặc phá khi thai đã to, các nguy cơ này càng cao.
Một khảo sát về nguyên nhân gây vô sinh được thực hiện tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ vài năm trước với hơn 4700 người, cho thấy trong số những phụ nữ vô sinh thứ phát có đến hơn 60% có tiền căn nạo phá thai. Cụ thể, những người từng nạo phá thai trước đó sẽ có nguy cơ bị vô sinh thứ phát gấp 2,5 lần so với những chị em chưa từng thực hiện thủ thuật này.
Bởi vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc, theo các bác sĩ, chị em cần luôn làm chủ cuộc sống của mình, kể cả trong việc quan hệ tình dục và tránh thai, hạn chế đến mức tối đa việc nạo phá. Hãy chủ động tìm hiểu các kiến thức về sức khỏe sinh sản, tránh thai an toàn và lựa chọn một biện pháp phù hợp với bản thân. Nếu còn băn khoăn, bạn có thể tìm tới các bệnh viện, phòng khám sản phụ khoa để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn sử dụng một biện pháp an toàn.
Vương Linh
* Tên các nhân vật đã được thay đổi