Nói chuyện trong một buổi sinh hoạt của CLB Tiền hôn nhân (Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP HCM), bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cho biết, hiện nay có rất nhiều cách tránh thai. Bên cạnh hiệu quả tránh thai, mỗi biện pháp đều có tác dụng phụ, có thể có lợi và cũng có thể có hại. Không một biện pháp nào được coi là hoàn hảo hay tốt nhất nhưng mỗi người ở một hoàn cảnh cụ thể tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, kinh tế, tâm lý, đều có thể chọn cho mình một biện pháp hợp lý nhất.
Các biện pháp tránh thai được chia theo nhiều tiêu chí: truyền thống (tự nhiên) và hiện đại (có sự tham gia của một thiết bị nào đó); tác động đến tinh trùng, trứng hay nội mạc tử cung (môi trường sống của thai); ngăn ngừa tạm thời hay vĩnh viễn.
Dưới đây là những lợi/hại của một số biện pháp tránh thai cụ thể:
1. Tránh thai theo phương pháp tự nhiên gồm tránh ngày rụng trứng (Ogino Knauss) và xuất tinh ngoài âm đạo: Không tốn tiền, không tác động đến sức khỏe nhưng hiệu quả tránh thai không cao. Sự thay đổi nội tiết, môi trường, stress đôi khi có thể khiến chu kỳ bị lệch. Biện pháp tránh ngày cũng rất khó áp dụng với những người có vòng kinh không đều.
Về nguyên tắc, trứng chỉ có thể thụ tinh trong vòng 24 giờ sau khi rụng, tinh trùng có khả năng thụ tinh trong 48-72 giờ sau khi phóng tinh. Rụng trứng luôn xảy ra trong giai đoạn 14-16 ngày trước kỳ kinh kế tiếp. Công thức để tính ngày dính thai là:
Ngày đầu có thể thụ thai: 10 + vòng kinh ngắn nhất - 28.
Ngày cuối có thể thụ thai: 17 + vòng kinh dài nhất - 28.
Nếu chu kỳ kinh cố định 28 ngày thì quan hệ trong thời gian từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 9 và từ ngày thứ 18 đến 28 của chu kỳ sẽ không mang thai. Tính chu kỳ bắt đầu từ ngày kinh đầu tiên. Tuy nhiên nếu vòng kinh không đều, ví dụ vòng ngắn nhất là 25, vòng dài nhất là 35 thì ngày có thể dính bầu là từ ngày thứ 7 (10+25-28=7) đến ngày thứ 24 (17+35-28=24) của chu kỳ.
2. Bao cao su: Có cả loại dành cho nam và dành cho nữ. Đây là biện pháp hàng rào ngặn chặn không cho tinh trùng tiếp xúc với đường sinh dục nữ. Biện pháp này khá rẻ tiền, đặc biệt ngăn được bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp này đòi hỏi sự đồng thuận của nam giới. Ngoài ra, một số người bị dị ứng với cao su thì không áp dụng được.
Để sử dụng bao cao su hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo nên kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng, nên đeo bao ngay khi "cậu nhỏ" chưa cương cứng và chỉ tháo bao sau khi đã rút cậu nhỏ ra khỏi âm đạo để tránh tình trạng tinh trùng tràn ra ngoài. Đã có một số ca, do người sử dụng luống cuống làm thủng, rách bao trong khi thực hiện thao tác đeo, thậm chí tuột bao vào trong âm đạo dẫn đến vỡ kế hoạch.
3. Thuốc viên uống mỗi ngày (vỉ thuốc tránh thai). Đây cũng là một cách tác động đến nội tiết của người phụ nữ, có tác dụng điều hòa kinh, giảm thống kinh, giảm thiếu máu, thiếu sắt, giảm nang buồng trứng cơ nang.
Tuy nhiên nó cũng có tác dụng phụ là gây buồn nôn, đau căng vú khoảng 2-3 tháng đầu, rong huyết nhẹ, tăng cân, nhức đầu, nám mặt, viêm tắc tĩnh mạch sâu, có thể gây các bệnh nội khoa. Thuốc tránh thai chống chỉ định với một số người có sẵn bệnh nội khoa.
Ngoài ra, với những người đãng trí hay bận rộn, việc ngày nào cũng phải uống thuốc không hẳn là dễ dàng.
4. Miếng dán ngừa thai: Có tác dụng trong một tuần, có thể dán ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, có lợi là điều hòa kinh nguyệt, cơ động, dễ sử dụng, dễ gỡ bỏ. Điểm hại của biện pháp này là có thể gây dị ứng da.
5. Que cấy dưới da: Có tác dụng trong vòng 3 năm, cũng là một biện pháp thuận tiện vì một lần thực hiện cấy có thể ngừa thai trong thời gian dài. Mặt hại là một số trường hợp bị rong kinh hoặc cũng có thể gây dị ứng da.
6. Tiêm thuốc: Thuốc được tiêm vào bắp, có tác dụng ngừa thai một tháng hoặc 3 tháng. Đây là biện pháp tác động đến nội tiết, ngăn không cho trứng rụng, có lợi là giúp điều hòa kinh, nhưng với một số người không phù hợp, nó có thể gây ra hiện tượng vô kinh hoặc ít kinh.
7. Vòng đặt tử cung (vòng tránh thai): Rẻ tiền, có tác dụng lâu dài nhưng có thể gây rong kinh hoặc tử cung có nhân xơ. Một số trường hợp, vòng tránh thai có thể xê dịch và đi lạc trong cơ thể.
8. Sử dụng hóa chất diệt tinh trùng như kem, thuốc đạn, miếng phim chỉ có tác dụng trong 24 giờ. Biện pháp đơn giản nhưng có đòi hỏi khâu bảo quản thuốc tốt, thuốc phải có mặt trong âm đạo 30 phút trước khi quan hệ, một số người cũng gặp phải những tác dụng phụ của thuốc.
9. Thuốc tránh thai khẩn cấp là một dạng tác động vào nội mạc tử cung, làm bong nội mạc, để nội mạc không thuận lợi cho trứng làm tổ. Đây là biện pháp tránh thai có hiệu quả 75% sau khi giao hợp không sử dụng một biện pháp phòng tránh nào.
Trên thị trường có nhiều loại thuốc tránh thai khẩn cấp, dù là uống loại nào thì một tháng cũng không được dùng quá 2 lần vì càng dùng nhiều thì hiệu quả càng giảm. Trong thuốc có chứa chất vốn được dùng trong phá thai, nếu lạm dụng có thể làm mỏng niêm mạc tử cung, gây khó khăn cho việc đậu thai sau này.
Có tới 50% số phụ nữ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp bị buồn nôn và nôn. Ngoài ra, sử dụng thuốc có thể khiến kinh nguyệt không đều, rong huyết, đau đầu, chóng mặt...
10. Biện pháp ngừa thai vĩnh viễn (triệt sản): Thắt ống dẫn tinh với nam và thắt vòi tử cung với phụ nữ. Nhiều người lo sợ triệt sản sẽ ảnh hưởng đến giới tính, điều này là sai lầm, bởi thắt ống dẫn tinh không ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh của đàn ông cũng như thắt vòi trứng không tác động đến nội tiết của phụ nữ. Tuy nhiên, nếu muốn có con trở lại sẽ rất khó khăn, tốn kém và gần như không thể.
Bác sĩ Dung Hạnh cho biết, nạo phá thai không phải là phương pháp tránh thai, mà là triệt tiêu cái thai khi nó đã hình thành. Phá thai ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tâm lý của người mẹ, vì thế cách tốt nhất vẫn là phòng tránh thai.
Hoàng Anh