Vụ hỏa hoạn thứ nhất xảy ra vào sáng ngày 23/5/1991 tại căn nhà trên trang trại thuộc hạt Cayuga, bang New York. Khi lính cứu hỏa tới nơi, ngọn lửa đã bùng lên, bao phủ căn nhà. Tuy vậy, lực lượng chức năng không thấy dấu vết của chủ nhà Sabina Kulakowski, 49 tuổi.
Sau khi rà soát khu vực xung quanh, cảnh sát phát hiện thi thể không quần áo của Kulakowski cách căn nhà khoảng 90 m. Nạn nhân bị bỏ tại con đường mòn có nhiều cây cối che phủ, trên thi thể có nhiều thương tích, cạnh đó là chiếc áo phông màu đỏ dính máu.
Khi ngọn lửa được khống chế, lính cứu hỏa phát hiện dấu vết của chất dẫn cháy, nghi vấn cho thấy đây là vụ phóng hỏa. Kết quả giải phẫu cho thấy trong phổi nạn nhân có muội cháy, chứng tỏ Kulakowski đã ở trong nhà và còn sống một thời gian sau khi ngọn lửa bùng lên.
Căn nhà thuộc sở hữu của Ron Bench, bạn trai cũ của Kulakowski. Hai người sống chung nhưng vài tháng trước đã chia tay nên từ đó Kulakowski sống một mình.
Làm việc với cảnh sát, Ron cho biết khi hỏa hoạn xảy ra đang ở cách đó một tiếng xe chạy. Bạn bè của anh ta cũng xác nhận điều này. Từ sau khi chia tay, Ron và Kulakowski vẫn thân thiết nên cảnh sát loại Ron khỏi diện tình nghi.
Kulakowski làm cán bộ công tác xã hội tại địa phương. Theo đồng nghiệp của Kulakowski, gần đây một người đàn ông tên Roy Brown, 29 tuổi, liên tục gọi điện dọa bắn chết họ do bị cơ quan này tước quyền nuôi con. Brown sau đó bị phạt tù 6 tháng và đã được trả tự do 6 ngày trước khi Kulakowski bị giết. Brown được nhận định có động cơ gây án.
Brown phủ nhận có dính líu tới vụ án mạng và khẳng định đã dành cả tối ngày 23/5/1991 với bạn gái. Nhưng qua điều tra, cảnh sát xác định bạn gái Brown bị tạm giam vào tối hôm đó, như vậy Brown đã nói dối nên bị bắt về tội Phóng hỏa và Giết người.
Tại phiên tòa năm 1992, công tố viên mời chuyên gia về nha khoa làm chứng, rằng 7 vết cắn trên thi thể nạn nhân phù hợp với hàm răng của Brown. Ngoài ra, vợ cũ và bạn gái của Brown cũng khai rằng khi nóng giận, Brown thường cắn họ.
Phản bác, chuyên gia của bên bào chữa khẳng định vết cắn trên thi thể là của người có đủ bốn chiếc răng cửa hàm trên, trong khi Brown bị rụng hai răng cửa. Luật sư bào chữa còn chỉ ra rằng cán bộ giải quyết vụ việc của Brown không phải Kulakowski nên nhiều khả năng thân chủ không biết mặt và địa chỉ của nạn nhân.
Tuy vậy, sau khi nghị án, bồi thẩm đoàn kết án Brown phạm tội Giết người và Phóng hỏa, tuyên phạt 25 năm tù.
Trong tù, Brown kiên quyết ngủ dưới sàn vì cho rằng chiếc giường trong buồng giam chỉ thuộc về kẻ có tội. Thay vào đó, Brown biến giường thành bàn, biến đệm thành ghế để học luật. Với kiến thức học được trong văn phòng tự chế, ông nhiều lần gửi đơn kháng cáo nhưng đều bị bác bỏ.
Không bỏ cuộc, Brown tiếp tục trau dồi kiến thức về luật hình sự qua sách vở và thậm chí là chương trình truyền hình về điều tra pháp y. Khi biết về công nghệ ADN, Brown đề nghị trưng cầu giám định ADN của vết nước bọt trên chiếc áo phông đỏ của Kulakowski nhưng yêu cầu này bị từ chối.
Khi thời gian chấp hành án chạm mốc 12 năm cũng là lúc vụ hỏa hoạn thứ hai trong đời Brown xảy ra, lần này là tại nhà bố mẹ của ông ta. Dù không có thiệt hại về người, hàng trăm trang hồ sơ vụ án bị phá hủy. Tuy nhiên, đây lại là bước ngoặt tích cực đối với công tác tự bào chữa của Brown.
Để có tài liệu nghiên cứu, Brown yêu cầu phía cảnh sát cung cấp lại hồ sơ. Dù có quyền tiếp cận hồ sơ, phạm nhân vẫn cần trả tiền in với giá 15 cent mỗi trang. Brown phải trả gần 30 USD cho tập tài liệu trong khi thu nhập trong tù chỉ khoảng 8 USD mỗi tháng.
Trong tập tài liệu mới nhận được, Brown phát hiện một số giấy tờ chưa bao giờ được nhìn thấy từ trước tới nay, bao gồm bản khai của Barry Bench và vợ. Barry là lính cứu hỏa tình nguyện, là anh ruột bạn trai cũ của Kulakowski và đồng chủ sở hữu của căn nhà bị cháy.
Trong bản khai, Barry nói đã uống bia tại quán bar địa phương tới 1h30 sáng hôm đó mới về. Nhưng một khách hàng trong quán cho biết Barry rời quán từ nửa đêm. Như vậy, Barry có thời gian gây án.
Ngoài ra, bản khai của vợ Barry có chi tiết khi lính cứu hỏa đang dập lửa, Barry lái xe tới khu vực cách ngôi nhà khoảng 90 m và yêu cầu vợ cùng tìm kiếm "chứng cứ hoặc thứ gì đó". Trùng hợp, đây cũng là khu vực nơi thi thể được tìm thấy.
Với tình tiết mới phát hiện được, Brown viết thư cho Barry vào năm 2003 và khẳng định "sẽ xin lệnh trưng cầu giám định ADN". Trên thực tế, Brown chỉ hy vọng rằng Barry sẽ liếm phong bì khi gửi hồi âm và để lại nước bọt có thể được dùng để đối chiếu. Hy vọng của Brown bị dập tắt khi chỉ 5 ngày sau, Barry nằm trước đầu xe lửa tự tử.
Năm 2005, Brown gửi đơn tới Dự án Vô tội chi nhánh New York và được tổ chức này chấp nhận giúp đỡ trong việc minh oan.
Rà soát hồ sơ vụ án, tổ chức được biết trước phiên xử sơ thẩm, công tố viên từng hỏi ý kiến của hai chuyên gia nha khoa về vết cắn trên thi thể, nhưng chỉ gọi một người ra làm chứng. Khi được hỏi, chuyên gia không được gọi ra tòa cho biết lúc ấy đã kết luận rằng Brown không phải chủ nhân vết cắn. Chi tiết này không được công tố viên tiết lộ cho bên bào chữa ban đầu.
Dựa trên căn cứ này, dự ányêu cầu giám định áo phông của nạn nhân vì có thể còn chứa nước bọt của hung thủ. Cơ hội minh oan của Brown lúc này phụ thuộc vào việc chiếc áo liệu còn chứa ADN của hung thủ hay không sau hơn một thập kỷ.
Nhận chiếc áo, kỹ thuật viên dùng ánh sáng đặc biệt chiếu vào quanh vùng có vết cắn. Dưới ánh sáng này, các vật chất sinh học như nước bọt, dịch cơ thể,... sẽ phát sáng huỳnh quang. Dựa vào đó, kỹ thuật viên xác định được vùng vải còn chứa nước bọt và mang đi xét nghiệm. Kết quả giám định cho thấy ADN của Brown không trùng khớp với mẫu vật.
Lúc này, con gái của Barry chủ động liên lạc với dự án và tự nguyện cung cấp mẫu ADN. Kết quả giám định cho thấy mẫu ADN lạ trùng khớp một nửa với ADN của con gái Barry, phù hợp với quan hệ huyết thống cha con. Tuy nhiên, kết quả này không được chấp nhận làm căn cứ hủy án vì thẩm phán cho rằng chưa thể xác định được liệu Barry có phải cha ruột của người con gái hay không.
Trước sức ép từ công chúng, chính quyền bang New York đồng ý khai quật mộ của Barry để lấy mẫu ADN. Không ngoài dự đoán, ADN của Barry trùng khớp với mẫu ADN lạ trên áo nạn nhân.
Về lý do Barry giết người, đội bào chữa của Brown cho rằng nạn nhân vốn sống trong căn nhà thuộc sở hữu chung của hai anh em Barry. Khi sự việc xảy ra, Barry được cho là gặp khó khăn tài chính nên muốn bán nhà. Rất có thể tối hôm đó, Barry tới gặp Kulakowski để nói chuyện nhưng hai bên xung đột. Trong lúc nóng giận, Barry cắn xé, đánh đập, và đâm Kulakowski tới bất tỉnh, sau đó tưởng nạn nhân chết nên đốt nhà hủy chứng cứ.
Khi Kulakowski tỉnh lại, hai bên tiếp tục vật lộn bên ngoài nhà cho tới khi nạn nhân chết. Do ngọn lửa quá lớn, Barry buộc phải kéo thi thể ra nơi vắng vẻ cách nhà hơn 90 m. Có thể Barry sau đó bảo vợ tìm kiếm khu vực này trong khi căn nhà đang cháy là để chắc chắn nạn nhân đã chết. Trước đó, Barry từng bị kết án vì hành hung nữ giới nên có tiền sử bạo lực với phụ nữ.
Ngày 23/1/2007, Brown được trả tự do và gần hai tháng sau được công tố viên hủy mọi cáo trạng sau 15 năm mang thân phận kẻ giết người. Ông ta sau đó được nhận 2,6 triệu USD tiền bồi thường oan sai. Tháng 7/2019, Brown qua đời ở tuổi 58.
Kỹ thuật phân tích vết cắn, bộ môn khoa học được dùng để kết tội Brown, tới nay đã bị chỉ trích vì thiếu độ tin cậy. Năm 2016, Ủy ban Khoa học Pháp y bang Texas từng kết luận lĩnh vực này "không đạt tiêu chuẩn khoa học pháp y" và không nên được dùng trong phiên tòa hình sự.
Quốc Đạt (Theo Innocence Project, The New York Times)