Cái chết của cô bé Jackson vào tháng 5/1992 làm chấn động cả hạt Noxubee, bang Mississippi. Không tìm thấy dấu vết đột nhập, cảnh sát mau chóng bắt Kennedy Brewer – bạn trai của mẹ Jackson.
Thi thể Jackson có dấu vết bị xâm hại tình dục nhưng mẫu tinh trùng trên người không đủ để xét nghiệm ADN vào thời điểm ấy. Vì vậy, cơ quan điều tra tập trung vào 19 vết thương được cho là răng cắn. Tiến sĩ Michael West được gọi tới để xem xét bằng chứng do có chuyên môn trong nha khoa học pháp y. Qua đối chiếu, tiến sĩ West chắc chắn những vết thương trên người bé gái do răng người gây ra và hoàn toàn phù hợp với đặc điểm hàm răng của Brewer.
Tại tòa, dù lời khai của tiến sĩ West có mâu thuẫn với một chuyên gia nha khoa pháp y khác, Brewer vẫn bị kết tội Hiếp dâm và Giết người, lãnh án tử hình. Tuy nhiên, sau 15 năm ngồi tù, Brewer đã được giải oan nhờ tiến bộ trong công nghệ giám định ADN.
Kết quả giám định cho thấy mẫu tinh trùng trên cơ thể nạn nhân không xuất phát từ Brewer mà thuộc về Justin Johnson – kẻ có tiền sử tấn công phụ nữ và cũng là một trong những nghi can ban đầu. Brewer được minh oan vào năm 2008.
Trường hợp của Brewer là một trong những vụ án đã làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của lĩnh vực phân tích vết răng cắn nói riêng và của các kỹ thuật pháp y được dùng trong phiên tòa hình sự nói chung.
Theo The Washington Post, bộ môn phân tích vết răng cắn xuất hiện từ những năm 1970 và từ đó trở thành một phần trong bộ môn nha khoa pháp y. Thông thường, phân tích viên sẽ nhìn vào các dấu vết trên da người để xác định đó có phải vết răng do người cắn hay không. Tiếp theo, phân tích viên sẽ đối chiếu vết cắn với mô hình hàm răng của người bị tình nghi được tái tạo từ thạch cao. Việc đối chiếu được thực hiện trực tiếp hoặc qua ảnh chụp, đôi khi với sự trợ giúp của phần mềm xử lý ảnh như Photoshop.
Sau thời gian xuất hiện trong phòng xét xử, phân tích vết răng cắn đã đóng vai trò chủ chốt giúp cơ quan công tố thành công buộc tội một số người, nhưng những bản án này đã bị hủy khi có công nghệ ADN hoặc các chứng cứ khác. Theo tổ chức Dự án Vô tội, ít nhất 26 người đã bị kết án, bắt giữ, hoặc khởi tố oan căn cứ vết răng cắn và con số thực tế có thể cao hơn.
Tại sao bằng chứng về vết răng cắn lại thiếu tin cậy? Nguyên nhân đầu tiên do quy trình phân tích vết răng cắn khác nhau theo từng người phân tích. Các tổ chức trong nghề khẳng định đã đặt ra bộ quy trình tốt nhất, nhưng trong lĩnh vực này có rất ít hoặc không có sự tự giám sát và kiểm tra.
Tiếp theo, cách bố trí của răng chưa được chứng minh là độc nhất cho mỗi người, khác với vân tay. Ngoài ra, nếu xét trên phương diện lưu trữ vết răng cắn, da người cũng là bề mặt không hiệu quả.
Adam Freeman, cựu chủ tịch Ủy ban Nha khoa Pháp y Mỹ, cho biết rất khó để có thể xác định nguồn gốc của các dấu vết trên da người vì cái quan sát được trên thực tế không phải vết răng cắn mà là phần da bị bầm giập do hành động cắn để lại. Ví dụ trong vụ án của Brewer, vết thương trên người bé gái được chuyên gia bên công tố xác định do người cắn, nhưng rất có thể đây là vết tích do loài tôm hùm đất để lại vì thi thể bị bỏ lại ở vùng sông nước.
Phần da bị bầm tím cũng chưa chắc đã tương ứng với hàm răng cắn vì vết bầm chỉ là các vùng máu khuếch tán dưới da. Hơn nữa, có người dễ dàng bị bầm tím khi va chạm với đồ vật, có người không.
Không chỉ vậy, tính đàn hồi của da người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phần trăm mỡ trong cơ thể hoặc tuổi tác. Da còn co giãn theo những cách khác nhau trong lúc cơ thể di chuyển, từ đó ảnh hưởng tới dấu vết hàm răng có thể để lại khi cắn. Điều này có nghĩa vết cắn hoặc bầm tím do cùng một người để lại trên hai nạn nhân khác nhau chưa chắc sẽ trùng khớp.
Freeman cho biết tác động của những yếu tố trên tới vết răng cắn chưa từng được nghiên cứu trên người sống và nhiều khả năng việc này sẽ không bao giờ xảy ra do khó nhận được sự cho phép.
Nghiên cứu năm 1999 của một thành viên thuộc Ủy ban Nha khoa Pháp y Mỹ đã phát hiện tỉ lệ các chuyên gia xác định sai lên tới 63%, The New York Times đưa tin. Năm 2009, Học viện Khoa học Quốc gia (Mỹ) công bố bản báo cáo gây chấn động khi chỉ ra những điều mà các chuyên viên phân tích pháp y từng quả quyết trước tòa trong hàng chục năm qua đều thiếu căn cứ khoa học, đặc biệt là ở lĩnh vực phân tích vết cắn. Bản báo cáo này khiến nhiều cá nhân, cơ quan, và tổ chức phải xem xét lại việc sử dụng chứng cứ vết răng cắn trong phiên tòa hình sự.
Tới năm 2016, sau 6 tháng điều tra, Ủy ban Khoa học Pháp y bang Texas đã kết luận lĩnh vực phân tích vết răng cắn "không đạt tiêu chuẩn khoa học pháp y" và không nên được đưa vào phiên tòa hình sự. Lời khuyến nghị của Ủy ban Khoa học Pháp y bang Texas không có hiệu lực ràng buộc pháp lý nhưng vẫn có trọng lượng vì đây là lần đầu tiên cơ quan chính thức ở cấp bang hoặc tiểu bang kêu gọi ngưng sử dụng chứng cứ vết răng cắn.
Quốc Đạt (Theo Washington Post, Innocence Project, New York Times)