Sau thời gian sử dụng, mức độ mất giá (trượt giá) nhanh hay chậm phản ánh phần nào sức hấp dẫn của mẫu xe đó đối với khách hàng. Đồng thời, đây luôn là điểm cân nhắc hàng đầu để các đơn vị kinh doanh xe cũ ra quyết định thu mua. Và người mua xe mới cũng xem đây là một yếu tố để chọn xe, chuẩn bị cho thời điểm bán lại, lên đời cao cấp hơn.
Theo khảo sát của Oto.com, nền tảng chuyên mua, bán xe cũ lớn tại Việt Nam, xe Trung Quốc có mức độ rớt giá cao hơn xe Nhật, Hàn trên thị trường ôtô Việt. Nhiều mẫu xe Trung Quốc mất giá khoảng 30% sau hai năm sử dụng.
Ví dụ, mẫu MG HS đời 2022 mất khoảng 33% giá trị so với lúc mua mới. Trong khi mẫu xe đối thủ là Hyundai Tucson, mức giảm khoảng 17%, tức bằng khoảng phân nửa HS. Hay như chiếc sedan cỡ C, MG5, mức độ rớt giá khoảng hơn 28% sau hai năm, Kia K3 khoảng 19%, còn Toyota Altis khoảng 10-12%.
Với những hãng Trung Quốc khác không có hệ thống phân phối lớn và rộng khắp như MG, tốc độ mất giá còn lớn hơn. Như mẫu BAIC U5 Plus đời 2022 hiện mất giá khoảng 24%, trong khi con số của Mazda3 khoảng 8%. Dòng Zotye Z8 5 đời 2018 mất giá khoảng 50%, con số Mazda CX-5 cùng đời khoảng 38%.
Trường hợp cá biệt với xe Trung Quốc là dòng Beijing X7. Sau 2 năm, mẫu X7 đời 2022 có độ mất giá khoảng 12%, thấp hơn cả dòng Tucson (17%). Giới kinh doanh xe cũ cho rằng, mẫu xe của Beijing có nguồn cung ít trên thị trường nhưng nhiều người có nhu cầu chơi dòng xe này vì kiểu dáng hiện đại, nhiều tính năng, nội thất rộng đồng thời giá bán ban đầu cũng khá thấp nên giá bán xe cũ còn treo ở mức tốt.
Ông Anh Dũng, quản lý một đơn vị kinh doanh xe cũ tại Hà Nội cho biết, mức độ trượt giá và tốc độ thanh khoản của một mẫu ôtô phụ thuộc lớn vào chất lượng xe, độ yêu thích của người dùng. "Giá bán xe mới của hãng và chính sách bán hàng sau đó cũng tác động lớn đến mức độ mất giá của xe sau khi sử dụng", ông nói thêm.
Khi một mẫu xe mới được khuyến mãi sâu so với niêm yết, giá xe cũ cũng sẽ giảm theo đáng kể. Ví dụ phiên bản MG ZS STD mới (phân khúc B) có khi giảm 120 triệu về mức 418 triệu đồng, tương đương Hyundai Grand i10 AT (phân khúc A). Đối thủ của MG ZS là Hyundai Creta không có mức giảm cao đến vậy, tối đa khoảng 40-50 triệu đồng. Hay như mẫu MG5 bản MT từng được bán tại đại lý với mức giá khoảng 300 triệu đồng, cạnh tranh các mẫu hatchback cỡ A như Kia Morning, Hyundai Grand i10 với giá gần tương đương.

Một mẫu ZS 2022 lăn bánh tại Hà Nội. Ảnh: Lương Dũng
Một khía cạnh khác ảnh hưởng đến mức độ rớt giá nhanh của xe Trung Quốc là sức mạnh thương hiệu. Tại thị trường Việt Nam, ôtô Trung Quốc vẫn còn gặp rào cản tâm lý của người dùng về chất lượng xe.
"Với xe cũ, người dùng có xu hướng lựa chọn những phương án an toàn, ưu tiên độ bền, ổn định", ông Anh Dũng đánh giá. "Thường thì xe Nhật, Hàn sẽ được ưu tiên hơn".
Tuy mất giá, nhưng các dòng xe Trung Quốc, ví dụ MG dần được cộng đồng người dùng đánh giá tốt về chất lượng. Sau khoảng thời gian 5 năm sử dụng, gần như các mẫu xe không gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về chất lượng, mức độ tin cậy, độ bền so với các mẫu xe Nhật hay Hàn khác trên thị trường. Mức độ cởi mở và chấp nhận của người dùng với các mẫu xe Trung Quốc mới và cũ vì thế cũng tăng lên.
Hơn 10 năm trước, nhiều thương hiệu xe hơi Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam nhưng không tạo được nhiều dấn ấn do chiến lược bán hàng manh mún, sản phẩm còn nhiều hạn chế về công nghệ, trong khi sức mạnh của xe Nhật án ngữ ở thị trường trong nước quá lớn. Hai năm trở lại đây, ôtô Trung Quốc tạo nên làn sóng thứ hai xâm nhập thị trường Việt và có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng.
Chỉ tính riêng trong 2024, có 7 thương hiệu ôtô Trung Quốc xâm nhập Việt Nam, số lượng nhiều nhất từ trước đến nay tính trong một năm. Không chỉ nhập xe về bán, nhiều thương hiệu lớn như Geely, Omoda và Jaecoo (thuộc Chery) thông qua các đối tác trong nước, xây dựng nhà máy sản xuất xe. Mục tiêu vừa phục vụ thị trường nội địa Việt và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.
Trong số các thương hiệu Trung Quốc, MG hiện là hãng có doanh số lớn nhất. Hãng này quay lại Việt Nam vào 2020 sau lần đầu 2012. Những mẫu xe ăn khách của MG như ZS, MG 5 bắt đầu có nguồn cung trên thị trường xe cũ trong khoảng 1-2 năm trở lại đây. Trong khi các hãng mới như BYD, Haval, Wuling, Hongqi... mới bán hoặc doanh số không đáng kể nên chưa có nhiều xe trên thị trường ôtô cũ.
Phạm Trung