Loại ống tiêm mới được thiết kế giúp giảm lượng vaccine lãng phí bằng cách giảm không gian giữa kim tiêm và pít-tông (van đẩy).
Trước đây, ước tính một lọ vaccine của AstraZeneca đủ để cung cấp cho 10 người, vaccine của Pfizer tiêm cho 6 người. Sử dụng ống tiêm mới, KDCA cho biết vaccine của AstraZeneca có thể tiêm cho tối đa 12 người, vaccine của Pfizer có thể tiêm cho 7 người.
Ngày 27/2, cơ quan y tế Hàn Quốc ban hành hướng dẫn mới cho các trung tâm tiêm chủng, yêu cầu nhân viên y tế sử dụng ống tiêm mới được cải tiến để sử dụng tối đa lượng vaccine Covid-19 có trong mỗi lọ, nhằm tiết kiệm vaccine.
"Ước tính trước đây dựa trên các loại ống tiêm thông thường. Do đó, số lượng người nhận có thể tăng lên khi chúng tôi áp dụng mô hình ống tiêm mới", một quan chức từ Trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết.
Tuy nhiên, các nhà chức trách cho biết số người nhận thêm thực tế vẫn có thể thay đổi tùy thuộc vào kỹ năng của từng nhân viên y tế.
Hàn Quốc đảm bảo đủ lượng vaccine để tiêm cho 79 triệu người, cao hơn nhiều so với dân số 52 triệu người. Quốc gia này đặt mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Ngày 27/1, Mỹ phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 do Johnson & Johnson (J&J) phát triển với người từ 18 tuổi trở lên. Đây là loại vaccine Covid-19 thứ ba được phép sử dụng ở Mỹ, giúp người dân nước này có thêm lựa chọn trong cuộc chiến chống đại dịch. Vaccine của J&J chỉ cần tiêm một liều, điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm lạnh vô hại (adenovirus 26) đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Vaccine của J&J đạt hiệu quả 66% trong cuộc thử nghiệm trên toàn thế giới với khoảng 44.000 người tham gia. Trong cuộc thử nghiệm tại Mỹ, vaccine của J&J đạt hiệu quả 72% trong 28 ngày. Tại Nam Phi, hiệu quả vaccine của J&J giảm xuống 64%, do biến chủng B.1.351 dễ lây lan chiếm tới 95% ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm trên 6.000 người.
Tính đến 28/2, thế giới ghi nhận 114.352.240 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.536.847 người đã chết, 89.904.404 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 29.143.549 ca nhiễm và 523.299ca tử vong, tăng lần lượt 58.954 và 1.428 trong 24 giờ qua.
Lê Cầm (Theo Yonhap News)